Lá thư đầy bức xúc gửi ông Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam

Độc giả Phạm Anh Tuấn |

(Soha.vn) - "Nếu cứ để tình trạng nhân viên đưa khách đi chui tồn tại trên các chuyến tàu thì nếu xảy ra sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm về quyền, lợi ích của hành khách..."

LTS: Sau khi Báo điện tử Trí thức trẻ đăng loạt bài điều tra về hiện tượng các trưởng tàu, nhân viên nhà tàu đưa hành khách đi chui trốn vé trên các tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả. Và đặc biệt sau bài viết "Nhân viên nhà tàu đưa khách đi chui chỉ bị chuyển làm vệ sinh", nhiều độc giả cho rằng nhà tàu đã xử lý cho qua chuyện.

Một trong số đó là bức thư của độc giả Phạm Anh Tuấn mong muốn được bày tỏ những ý kiến của mình đến lãnh đạo của ngành đường sắt. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Kính gửi ông Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam!

Trước hết, thay mặt cho hàng chục triệu hành khách đã, đang và sẽ sử dụng đường sắt làm phương tiện di chuyển, tôi xin được gửi lời chào tới ông và các lãnh đạo của tổng công ty.

Thưa ông, trước hết, tôi xin giải thích ngay lý do vì sao tôi lại viết lá thư này và thông qua báo điện tử Trí Thức Trẻ, mong rằng nó sẽ được gửi đến ông. Đó là vì, trong những ngày qua, hành khách chúng tôi đã không khỏi bức xúc khi theo dõi các bài viết trong loạt điều tra, phanh phui  hành vi của một số nhân viên nhà tàu trong việc đưa khách đi chui, trốn vé trên một số tuyến như Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai...

Nhân viên Đào Văn Linh là một trong những người thực hiện hành vi tiêu cực trên tàu.
Nhân viên Đào Văn Linh là một trong những người thực hiện hành vi tiêu cực trên tàu.

Vâng, để nói cho đúng, chính xác thì đây chắc chắn không phải là một hành vi tiêu cực mới trong ngành nhưng việc các hành vi đó bị đưa ra ánh sáng như thế này, đã cho thấy, thực tế, vẫn tồn tại không ít "con sâu đang làm rầu nồi canh" trong ngành đường sắt.

Một bộ phận cán bộ, nhân viên của ông vẫn chỉ vì cái lợi ích trước mắt, bị che mắt bởi đồng tiền đã  không ngần ngại bất chấp tất cả, bỏ qua cả đạo đức nghề nghiệp, quyền lợi, sự an toàn của khách hàng trên mỗi chuyến tàu. 

Tôi thấy rằng, chúng ta vẫn đang giương cao phong trào xây dựng, chống xuống cấp đạo đức, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Nhưng với những hành vi tiêu cực vẫn "lộng hành" như thế này thì liệu rằng, việc đó có thể thành công được hay không.

Nếu nói như ngành y, sự thiếu y đức của một số bác sĩ, nhân viên có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân thì ngành đường sắt này, tôi thấy cũng vậy. Bởi lẽ, nếu cứ để tình trạng nhân viên nhà tàu đưa khách đi chui, vé lậu xảy ra thì chắc chắn không thể đảm bảo được các quy định an toàn, quy định về mật độ khách trên toa. 

Và nếu chẳng may xảy ra sự cố thì sẽ sao đây, đâu phải chỉ một nạn nhân mà có thể sẽ có nhiều nạn nhân phải chịu đựng những nỗi đau mà thực sự, tôi không dám nghĩ tới.

Thêm vào đó, những hành khách không có vé này khi chẳng may xảy ra sự cố sẽ ra sao đây, quyền lợi của họ ai sẽ lo, sẽ đảm bảo cho. Tôi đoán, lúc đó lỗi sẽ thuộc về hành khách?

Không giống như ở các sân bay có đội ngũ an ninh cộng thêm những thiết bị hiện đại nhằm kiểm tra kỹ càng các hành khách đi máy bay, tại các nhà ga, hành khách thường vào ra dễ dàng hơn. Và với tiêu cực như vừa bị phanh phui, thì phải chăng đường sắt đang tạo cơ hội tốt cho một bộ phận xấu có chỗ để nương thân?

Trong trường hợp xấu, những đối tượng này lại mang theo những thứ hàng cấm, thậm chí là vũ khí quân dụng, vật liệu dễ cháy nổ, ma túy, hàng quốc cấm... lên tàu thì ai sẽ là người phát hiện. Và liệu rằng, các lực lượng chức năng có thể bắt được các đối tượng này khi mà họ được chính trưởng tàu và các nhân viên nhà tàu "bảo kê" trong suốt cuộc hành trình?

Nếu chẳng may, họ có một số hành động xấu trên tàu thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, an toàn của mỗi hành khách, mỗi tòa và cả đoàn tàu trên dọc hành trình sẽ ra sao đây, thưa ông Tổng giám đốc.

Bảo vệ Nguyễn Văn Giang.

Bảo vệ Nguyễn Văn Giang đang 'phổ biến luật' với khách đi tàu.

Tôi có đọc lá thư thanh minh của một người trong ngành đường sắt là lương của một bộ phận cán bộ, nhân viên trong ngành của ông còn thấp, chưa đảm bảo được cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đâu phải chỉ riêng ngành đường sắt, mà nhiều ngành ở nước ta, thu nhập của người lao động vẫn còn thấp nhưng họ vẫn nhiệt tình, chăm chỉ làm việc. 

Nên việc cho rằng, do lương thấp, rồi lấy đó làm  cái "bình phong" để che đậy cho những hành vi tiêu cực của mình thì đó là điều không thể chấp nhận được.

Ai cũng mong được thấu hiểu, mong được chia sẻ với lý do bởi lương thấp, không đủ ăn nên mới nảy sinh ra tiêu cực, nên mới "lách", mới làm điều xấu, trái quy định thì cuộc sống, xã hội này sẽ ra sao đây? Liệu có còn cần đến các quy định để quản lý, áp chế nữa không thưa ông Tổng giám đốc đường sắt.

Chúng ta cảm thông nhưng chúng ta không thể nào sống chung, dung túng, chấp nhận sự tồn tại của những hành vi tiêu cực, với những "con sâu" như thế này.

Cá nhân tôi cũng cảm thấy thực sự là buồn, khi đọc được thông tin về việc xử lý còn có phần nương nhẹ, của lãnh đạo Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội đối với những trường hợp vi phạm của nhân viên Đào Văn Linh, của Đỗ Việt Đức... 

Những vi phạm của họ, theo như tôi nắm được đã đến mức phải sa thải nhưng lãnh đạo đơn vị này chỉ tiến hành điều chuyển công tác sang làm công tác vệ sinh toa xe... Đó là điều chưa nghiêm minh, chưa tạo ra được sự răn đe cho những đối tượng vẫn đang "nhăm nhe" thực hiện hành vi tiêu cực. 

Cá nhân tôi cũng như nhiều hành khách khác cũng đặt ra một vấn đề trong việc xử lý này, đó là phải chăng đang có sự bao che hay như dân gian vẫn nói "một bồ cái lý, không bằng một tý cái tình"... Câu trả lời đó, xin được gửi đến ông, thưa ông Tổng giám đốc đường sắt Việt Nam. 

Thưa ông Tổng giám đốc, là những hành khách thường xuyên sử dụng đường sắt, chúng tôi thấy rằng, với trách nhiệm là người lãnh đạo, ông nên có sự nắm bắt thông tin kịp thời, khi được phản ánh cần phải kiểm tra và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm.

Một đề xuất tôi cũng mong muốn được gửi đến ông trong bức thư này, đó là, ông nên đi "vi hành" một chuyến và trong vai hành khách, ông cũng hãy thử làm việc với các nhân viên nhà tàu để có thể đi vé chui trên tàu xem sao.

Chắc chắn sau chuyến thị sát thực tế đó, tôi nghĩ rằng, ông sẽ có những quyết định đúng đắn nhất, nghiêm minh nhất để làm trong sạch ngành mình quản lý và góp phần phục vụ hành khách được tốt nhất, an toàn, hiệu quả.

Tôi cũng như nhiều độc giả khác đang chờ sự chỉ đạo và xử lý quyết liệt từ ông.

Xin cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại