Tâm sự đầu năm của thầy giáo “hotboy” Khắc Hiếu

Thiên Di |

(Soha.vn) - Năm qua 2012, giáo dục biến động bởi những sự kiện…khiến dư luận lo lắng, đau xót. Là một giáo viên trẻ tâm huyết, thầy Khắc Hiếu có những chia sẻ gì trong dịp năm mới?

Là một giảng viên trẻ tuổi, được coi là “chuyên gia gỡ rối” của học trò gây “sốt” trong năm vừa qua, Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng bày tỏ nhiều trăn trở và những câu chuyện đáng phải suy ngẫm về nghề giáo trong năm qua vào dịp đầu năm Qúy Tỵ 2013.

"Chuyên gia gỡ rối" những chuyện rắc rối của học trò, Th.S Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

Nghề giáo hầu như không lo chuyện “phá sản”

PV: Đâu đâu cũng thấy mọi người bàn luận về thưởng tết, đặc biệt là thưởng giáo viên nơi nhiều nơi ít. Là người trong cuộc, nhắc đến việc này, thầy có buồn không?

Th.S. Khắc Hiếu: Thú thật tôi rất “nhạy cảm” dù chỉ mới thoáng nhìn qua cụm từ “thưởng tết của giáo viên” ở bất cứ đâu. Một phần chạnh lòng vì mang danh làm nghề trồng người, chạm đến chuyện tiền bạc - không nói thì thấy tủi mà nói mãi cũng kỳ. Tôi chỉ biết thở dài vì không biết bao giờ thì vấn đề này mới không còn lên báo.

Nhưng đó không phải trăn trở lớn nhất của tôi, điều tôi lo sợ nhất là: Bọn trẻ sẽ nghĩ gì về nghề giáo khi đọc được những bài viết bàn về đồng lương tiền thưởng của thầy cô chúng? Rồi ai sẽ chọn nghề này đây khi ngay cả lương thưởng ít nhiều cũng phải mang ra bàn cân so sánh…

PV: Biết là chuyện không mới, nhưng nhiều giáo viên vẫn băn khoăn. Còn thầy, thầy nghĩ sao về lương giáo viên hiện nay? Nếu nói lương giáo viên ổn định và không hề thấp, thầy nghĩ có thấp hay không?

Th.S Khắc Hiếu: Thật sự, nếu chỉ giảng dạy thôi thì lương cứng chủ đủ vun vén cho cuộc sống. Nghề giáo không thể giàu có đột phá như kinh doanh được. Nhưng ngược lại, nó ít nguy cơ và hầu như không bao giờ lo chuyện “phá sản”.

PV: Nếu không bao giờ lo chuyện “phá sản” và trong lần chia sẻ gần đây, thầy có nói rằng đã làm nghề giáo thì không giàu về vật chất, tuy nhiên không ít người không thể vượt qua được khó khăn ấy và đã phải bỏ nghề.

Th.S Khắc Hiếu: Thật sự, nếu người giáo viên yêu quý học trò và yêu công việc của mình, họ sẽ thấy vui khi gắn bó với công việc của mình. Nhưng nếu cứ mãi bắt giáo viên phải sống bằng những lời động viên thì rất phi thực tế. “Có thực mới vực được đạo”, thầy cô giáo cũng phải có nhà ở, phải chăm lo cho gia đình, chăm lo cho con cái.

Thế nên không phải ai cũng bám trụ được với nghề, đặc biệt khi gánh nặng tài chính đè lên vai họ. Khi đó, họ phải chọn cho mình một lối đi khác để thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn lo toan cuộc sống mỗi ngày. Âu cũng cần phải thông cảm cho quyết định của họ.

PV: Chưa kể việc cấm việc dạy thêm. Vậy theo thầy người giáo viên có thể làm như thế nào để chi trả lo cuộc sống?

Th.S Khắc Hiếu: Ngày nay, nếu vừa muốn bám nghề vừa muốn sung túc, người giáo viên phải “đa năng”. Hoặc là biết ứng dụng chuyên môn để mang đến thu nhập; hoặc là biết làm những công việc khác ngoài chuyên môn.

Một giờ giảng bài của thầy giáo Khắc Hiếu luôn tạo sự thoải mái, tiếng cười cho học trò.

Một giờ giảng bài của thầy giáo Khắc Hiếu luôn tạo sự thoải mái, tiếng cười cho học trò.

Ưu thế của người giáo viên là thời gian. Họ không phải ở trường tám tiếng mỗi ngày, ngoài ra còn có nghỉ hè. Thời gian tương đối linh động nên họ có thể cộng tác với các trung tâm luyện thi, trung tâm ngoại ngữ, thỉnh giảng ở nhiều trường. 

Một số giáo viên giỏi có thể viết báo (Văn, Sử, Địa…), viết sách tham khảo các môn, biên dịch (ngoại ngữ), mở trung tâm tin học hay nhận thiết kế đồ họa … liên quan đến chuyên môn của mình.

Ngoài ra, nhiều thầy cô còn có thể mở cửa hàng kinh doanh, tiệm sách, nhà may, sữa chữa cơ khí… ngoài công việc giảng dạy ở trường. Rất nhiều giáo viên có “nghề tay trái” để đỡ đần cho “tay phải”.

Nghề giáo không giàu nhưng không phải không hạnh phúc

PV: Vậy, điều hạnh phúc nhất, được nhất mà thầy nhận được khi chọn nghề giáo này là gì?

Th.S Khắc Hiếu: Nghe thì có vẻ lý tưởng và “sến”. Nhưng tôi rất yêu quý tuổi mới lớn, làm được một việc cho các em là nhận được một niềm vui. 

Hàng ngày, việc giảng dạy cho các giáo sinh ở trường sư phạm sao cho thật tốt cũng nhằm gián tiếp giúp đỡ cho tuổi mới lớn. 

Đi tư vấn và trang bị kỹ năng sống cho các em ở các trường trung học, mỗi tối lại cặm cụi cập nhật những bài học trên lớp học online (facebook), hay vài tuần lại xách balô ra ngoài với cái máy quay để ra một đoạn clip mới dạy kỹ năng sống cho các em… là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm thầy giáo của tôi.

Những dòng comment của học trò, những dòng chữ cảm ơn, những tràng cười vui vẻ trên sân trường, những cái gật đầu thưa chào khi gặp mặt…là nguồn dinh dưỡng nuôi lòng yêu nghề trong tôi sống mạnh mẽ hàng ngày.

PV: Nhìn lại một năm vừa qua, theo thầy trong năm 2012, sự kiện giáo dục nào khiến thầy buồn, đau lòng và trăn trở nhất?

Th.S Khắc Hiếu: Năm qua là năm nhiều bão làm học đường không ít lần dậy sóng. Nào là chuyện học sinh tự tử vì mất tiền quỹ lớp, vì thi rớt đại học,… cho thấy sức đề kháng với cuộc sống của nhiều đứa trẻ nhà mình còn yếu. 

Rồi đến chuyện facebook, phát ngôn: học sinh đăng bài kêu gọi “toàn trường kháng chiến” lên facebook, kết quả là học sinh bị đuổi học, các thầy cô lên tiếng, sau đó bản “5 điều cấm kỵ” khi online facebook ra đời và một lần nữa làm học đường xôn xao…

Trong nhiều sự kiện học đường, tôi đau lòng nhất là chuyện học sinh tự tử vì thiếu kỹ năng ứng phó. Những mạng sống mà các em đã tự tước đoạt nào lấy lại được đâu... 

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, vậy mà việc dạy cho tuổi mới lớn học cách sống sao cho vững vàng hầu như để trắng. 

Cuộc sống phức tạp lắm, mà tuổi mới lớn những bước vào đời thì rất chông chênh. Thế nên các em sống cần phải có kỹ năng, mà nhà trường giáo dục kỹ năng sống vẫn còn vô cùng hạn chế. Thế nên đã nhiều em vấp ngã… Đó là điều làm tôi đau lòng nhất…

PV: Năm “Con Rắn” 2013, nếu được ước cho một điều cho nghề giáo viên, thầy sẽ ước điều gì? Và thầy gửi đến lời khuyên nào cho các bạn đang học và sẽ chọn nghề “gõ đầu trẻ”?

Th.S Khắc Hiếu: Tôi chỉ dám ước cho mình vì điều ước là lời tự nhắc nhở bản thân. Còn đối với nghề giáo, tôi không dám ước vì nó vượt quá sức mình, ước mà không đạt thành thì sẽ phải chạnh lòng lắm.

Thầy Hiếu quan niệm nghề giáo không giàu về vật chất, nhưng không phải là không hạnh phúc.

Thầy Hiếu quan niệm nghề giáo không giàu về vật chất, nhưng không phải là không hạnh phúc.

Tôi chỉ mong các bạn giáo sinh trên giảng đường sư phạm có thể học cách “sống” với nghề: vừa chuyên một nghề và có thể làm được nhiều việc khác. 

Sẽ thật tuyệt vời nếu các bạn tìm được cách ứng dụng được chuyên môn của mình trong thực tế, vừa mang đến lợi ích kinh tế cho bản thân và xã hội, vừa lấy thực tế nuôi dưỡng chuyên môn giảng dạy của mình. Để làm được điều đó, cần các bạn có sự bản lĩnh và năng động.

Riêng với những em học sinh sẽ chọn nghề giáo, các em đừng bao giờ chọn nghề này như một cứu cánh khi có nguy cơ rớt đại học, khi “chuột chạy cùng sào”. 

Thiếu Tâm cũng như lò thiếu lửa, sẽ không sưởi ấm được học trò mà thậm chí tự bản thân cũng sẽ lạnh nhạt với nghề. Mà nghề này, tối kỵ nhất là sống nhạt, dạy nhạt. Nếu không, ta sẽ là tội đồ của chính mình và của chính học sinh.

Nghề giáo tuy nhiều nơi không giàu có nhưng không có nghĩa là không hạnh phúc. Như một người nông dân nếu yêu việc trồng cây, như một người họa sĩ thích vẽ những nét tranh, ngay khi họ làm việc họ cũng cảm thấy hạnh phúc rồi. 

Ta cũng như người nông dân đó, người họa sĩ đó, hạnh phúc không chỉ nằm ở cuối con đường, mà nằm ngay chính trên đường đi; không chỉ ở khoản lương cuối tháng, mà ngay chính giây phút được sống trên bục giảng.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ bổ ích của thầy! Năm mới, kính chúc thầy và những người giáo viên trẻ có thêm nhiều “nhiệt”, lòng yêu nghề giáo! 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại