Theo đó, toàn bộ 6 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa trong vụ án này đều bị tạm giam để đảm bảo cho công tác tổ chức phiên tòa xét xử được mở vào ngày 26/10 tới.
Cụ thể, 4 bị cáo bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra lệnh bắt tạm giam gồm: Trần Văn Lục (sinh năm 1958, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Trần Quốc Đông (sinh năm 1964, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1962, nguyên Giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy (sinh năm 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU).
Bốn bị cáo này cùng với 2 bị cáo khác là Phạm Hải Bằng (sinh năm 1969, nguyên Phó Giám đốc RPMU) và Nguyễn Nam Thái (sinh năm 1977, nguyên Trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU) đều bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Phiên tòa do thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa. 8 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo trước tòa.
Theo cáo trạng truy tố, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng (Phó Giám đốc RPMU), Chủ nhiệm dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 01), giai đoạn 1” đã trực tiếp thỏa thuận với đại diện nhà thầu JTC (Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản), để nhà thầu hỗ trợ kinh phí cho RPMU sử dụng vào mục đích liên quan đến thực hiện dự án và đã được nhà thầu JTC đồng ý hỗ trợ.
Tổng số tiền các nhân viên nhà thầu JTC chuyển cho Bằng, Thái và Duy trong khoảng thời gian nói trên là khoảng 11 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền này đã được các bị cáo sử dụng chi phí cho lễ ký kết hợp đồng, chi tiếp khách, hội họp, đi lại, lễ tết, làm ngoài giờ… để vụ lợi cho tập thể, trong đó có quyền lợi cá nhân.
Các bị cáo Lục, Đông, Hiếu, Duy biết việc Bằng và Thái nhận tiền từ nhà thầu JTC, song đồng tình để sự việc phạm tội diễn ra trong khoảng thời gian dài tại RPMU.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/10.