Công an Q9, TP. HCM đang điều tra vụ việc xô xát giữa tài xế xe tải Nguyễn Bảo Toàn và Thượng uý CSGT Võ Văn Thoại trong sự việc xảy ra trưa ngày 30.11.2015 ở cửa ngõ Sài Gòn.
Trong khi Thượng uý Thoại cho rằng tài xế đã hành hung, đấm đá mình sau khi đã bỏ chạy dẫn đến những chấn thương bầm dập, thì tài xế Toàn đã khai rằng bị viên CSGT đánh mình trước và không hề có chuyện đánh CSGT, chỉ là giằng co nhau.
Clip mới nhất được đăng trên mạng do người đi đường ghi nhận ở thời điểm xảy ra sự việc cho thấy hình ảnh viên CSGT đang níu giữ áo, ôm chân tài xế không cho anh này di chuyển.
Người tài xế cởi áo, giằng thoát ra được rồi vị CSGT nhảy lên cabin xe, ngồi trên ghế lái còn tài xế leo lên theo nhưng cũng không làm gì rồi đóng cửa xe bỏ đi.
Có lẽ clip này sẽ được cơ quan điều tra của CA Q.9, TPHCM xem xét để có kết luận cuối cùng về mức độ vi phạm được cho là “chống người thi hành công vụ” của tài xế Toàn.
Song, chúng ta cũng cần đánh giá về sự hăng hái quá mức cần thiết của thượng uý Thoại khi chặn bắt xe với một lỗi (nếu có) là đi sai làn, một lỗi không quá nghiêm trọng đến mức phải truy đuổi quyết liệt như vậy.
Theo quy định, chỉ khi đối tượng điều khiển phương tiện là tội phạm nguy hiểm hoặc tình huống khẩn cấp, nghiêm trọng mà đối tượng không dừng xe theo hiệu lệnh thì CSGT mới tiến hành truy đuổi.
Sự hăng hái thái quá của CSGT Võ Văn Thoại trong trường hợp này là sai quy trình đã qui định rõ trong Thông tư số 65/2012/TT-BCA của Bộ Công An về “nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ”.
Thêm vào đó hành vi này còn có thể gây nguy hiểm cho bản thân và cả người đi đường khi đu mình lên cửa, nhoài người vào để rút chìa khoá xe.
Ai có chút kiến thức về ô tô cũng biết, rút chìa khoá điện là hệ thống trợ lực lái, hệ thống phanh sẽ mất tác dụng. Thật may là viên CSGT này chưa thực hiện thành công được, nếu không hậu quả khôn lường có thể xảy ra…
Hơn nữa, hình ảnh một người thực thi pháp luật đu bám trên xe giằng co với tài xế, nhảy vào trong cabin ngồi thực sự vừa sai quy định, vừa không đẹp mắt, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành công an nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng.
Trong trường hợp này, Thượng uý Thoại hoàn toàn có thể dùng những biện pháp nghiệp vụ đúng quy định để ghi nhận sai phạm (nếu có) của tài xế để phạt nguội hay liên lạc với đồng đội để chặn bắt phương tiện mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông.
Qua đó, bảo vệ được hình ảnh uy nghiêm của những người “cầm cân nảy mực” trên đường phố chứ không phải hình ảnh đánh đu trên cánh cửa hay ôm chân tài xế rồi bị kéo lê xềnh xệch trên đường trông hết sức phản cảm.
Thượng uý Thoại từng được nhắc tên trong vụ tai tiếng liên quan đến tiền bạc với tài xế xe ôm trước đây
Cách đây 1 năm, ông Võ Văn Thoại khi đang đeo hàm trung uý, cũng từng liên quan đến một vụ việc “lùm xùm” về xử phạt giao thông cũng ở chính khu vực này.
Một tài xế xe tải tố cáo với Trạm CSGT Rạch Chiếc vì bị một đối tượng xe ôm đòi “chuộc” giấy tờ xe với giá 4 triệu đồng.
Trước đó, trung uý Thoại là người thổi phạt tài xế này vì lỗi “không thắt dây an toàn” sau đó “nghi ngờ xe chở quá tải" nên đã giữ giấy tờ của tài xế này mà không hề lập biên bản, chỉ yêu cần tài xế tự mang xe đi cân.
Khi tài xế và phóng viên (trong vai chủ xe) đến trình báo, đại diện của trạm CSGT Rạch Chiếc thì Thiếu tá Hội đã cho biết : “Chúng tôi sẽ làm rõ đối tượng chạy xe ôm là ai và chắc chắc sẽ có xử lý đối với trung úy Thoại vì quy trình tuần tra kiểm soát có sai phạm”.
Không biết mức kỷ luật áp dụng cho Trung uý Thoại như thế nào để rồi một năm sau, Thượng uý Thoại lại “hăng hái” một cách phản cảm đến thế này!