Trao đổi với cô Nguyễn Thị Hồng Thanh – giáo viên dạy Sử, THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương về vấn đề này, cô Thanh cho rằng ý kiến “việc không đưa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên giáp vào chiến dịch Điện Biên Phủ là một thiếu sót của người viết SGK Lịch sử phổ thông” là hơi nặng.
Bởi theo lý giải của cô, chương trình sách giáo khoa (SGK) là kiến thức cơ bản, hiện nay mặc dù SGK không đưa vào nhưng tất cả giáo viên dạy Sử đều không thể bỏ qua việc lồng ghép vai trò của Đại tướng trong chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân 1975 vào bài học.
“Nếu đưa được vào bài dạy là rất hay, thể hiện vai trò của Đại tướng trong các chiến thắng lớn của quân dân ta và giúp học sinh khắc sâu được kiến thức. Việc đưa câu nói hay hình ảnh của Đại tướng vào sự kiện sẽ có tính giáo dục rất sâu sắc và ghi nhận công lao to lớn của Đại tướng”, cô Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giải thích về việc hình ảnh Đại tướng xuất hiện ‘mờ nhạt’ trong sách lịch sử từ lớp 1 đến lớp 12, cô Thanh nêu: “Quan điểm từ xưa là một nhân vật lịch sử dưới sự lãnh đạo chung của Đảng, của Ban chấp hành Trung ương. Khi nói đến chủ trương của Đảng, vai trò của Ban chấp hành trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và là người chỉ huy chiến dịch”.
Còn việc đưa riêng một bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo cô Thanh thì không thể đưa thành một bài riêng mà chỉ có thể lồng ghép chân dung Đại tướng vào các chiến dịch như trận đánh Điện Biên Phủ, Mùa xuân 1975.
“Những nhân vật khác như Trần Phú là Tổng bí thư đầu tiên với việc viết Luận cương chính trị hay Lê Duẩn, mình có nên đưa thành một bài riêng, chuyên đề hay không?”, cô Thanh đặt câu hỏi.
Đông đảo học sinh đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu thể hiện giới trẻ không quay lưng với lịch sử.
Còn theo quan điểm của GS.TS, Nhà giáo ưu tú Đỗ Thanh Bình (Nguyên Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) thì việc đưa những người có đóng góp to lớn cho lịch sử nước nhà vào SGK Lịch sử là cần thiết nhưng khó!
GS.TS Đỗ Thanh Bình đưa ra hai nguyên nhân: “Thứ nhất, sách giáo khoa có hạn về số trang, quy định số chữ, thời lượng kiến thức, vì vậy không có bài riêng về nhân vật mà chỉ lồng ghép vào sự kiện lịch sử như Nguyễn Ái Quốc gắn với sự kiện thành lập Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Việc đưa vào nhiều sẽ nặng, mà Bộ đang hướng tới giảm tải chương trình SGK.
Thứ 2, việc đưa nhân vật vào riêng thành chuyên đề hay bài thì cần phải chọn lọc kỹ, đưa nhân vật này cũng phải cân nhắc nhân vật khác, ví dụ việc đưa Đại tướng thì phải đưa Lê Duẩn, Trường Chinh…!”
Vậy “Nên đưa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào SGK như thế nào cho hợp lý”, GS. TS Đỗ Thanh Bình cho rằng, nhân vật gắn với sự kiện ví dụ Lê Lợi gắn với chống quân Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với Lễ thành lập Tuyên truyền giải phóng quân, chiến dịch Điện Biên Phủ…Mỗi gian đoạn lịch sử, chương trình SGK đều gắn sự kiện với nhân vật.
“Hiện nay SGK còn đang giảm tải, viết như thế nào, đưa như thế nào là chuyện khác, viết hẳn một bài về tiểu sử nhân vật đó thì có lẽ hơi khó. Sau năm 2015, có lẽ chương trình đổi mới SGK sẽ theo hướng viết tinh giản hơn, chọn lọc hơn chứ không thể dàn trải sự kiện. Sự kiện phải gắn với nhân vật chứ không tách ra bởi nhân vật làm nên sự kiện”, GS cho hay.
Mặt khác, theo GS.TS Đỗ Thanh Bình đề xuất, có thể bổ sung bài đọc thêm về Đại tướng trong chương trình hoặc có hướng lồng ghép câu chuyện nhân vật lịch sử gắn với sự kiện để giúp học sinh am hiểu và yêu thích môn Lịch sử hơn là đọc con số, sự kiện khô khan, khó nhớ.
Là người trực tiếp giảng dạy nhiều năm môn Lịch sử, cô Thanh bày tỏ mong muốn việc giảm tải sách giáo khoa hiện hành hợp lý: “Hiện nay chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT cũng tồn tại nhiều bất cập, giảm tải chỉ mang tính cơ học. Lịch sử là chuỗi vấn đề liên kết với nhau, thực tế giáo viên dạy học vất vả, mang tính chắp vá. Tôi mong muốn 1 bộ SGK mang tính giảm tải đúng nghĩa!”.
Trả lời chúng tôi, PGS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban soạn thảo Đề án Đổi mới chương trình SGK phổ thông sau 2015 của Bộ GD&ĐT cho biết: “Mặc dù không nhắc cụ thể đến tên nhưng có khá nhiều hình ảnh của Đại tướng được in trong sách lịch sử. Ví dụ như Đại tướng với Đội tuyên truyền giải phóng quân, Đại tướng với Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn chiến dịch …
Riêng sách Ngữ văn 12 có “Những năm tháng không thể nào quên” trích từ hồi kí của Đại tướng. Sắp tới chúng tôi sẽ cân nhắc để đưa vào SGK mới những điều tinh túy nhất, đặc sắc nhất về cả sự kiện, nhân vật lịch sử và sẽ khắc phục”.