Tại sao người Việt Nam không thể “sướng” bằng người Mỹ?

Phương Quế |

Người Mỹ “sướng” hơn người Việt khi không phải mang nặng căn bệnh thành tích, được hưởng phúc lợi xã hội đáng kể từ tiền thuế đóng góp của mình.

Câu chuyện "Ở Việt Nam sướng hơn ở Mỹ" là một góc nhìn mới, đầy thú vị của ông Vũ Quần Phương- nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, người cha đẻ của hai công dân Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ là GS Toán học Vũ Hà Văn và Vũ Thanh Điềm.

Mặc dù "khổ" hơn, nhưng nước Mỹ lại là đất nước siêu cường có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên toàn thế giới, đứng đầu trên mọi mặt kinh tế, quân sự, văn hóa...Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ dừng lại là quốc gia đang phát triển.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến nước ta chưa thể phát triển, thực sự phát huy hết tiềm lực mà chúng ta đang có để nâng cao chất lượng sống của người Việt? Tại sao người Việt Nam chưa thể có được điều kiện sống "sướng" bằng người Mỹ?

Tiếp tục lắng nghe những chia sẻ thú vị và đầy suy ngẫm của nhà thơ Vũ Quần Phương xoay quanh vấn đề trên.

Ở Mỹ, sống sao cho hạnh phúc mới quan trọng

Thời gian sống tại Mỹ, nhà thơ nhận thấy cũng có những điều mà đất nước cường quốc này còn “khổ” hơn nước mình như phải vội vàng trong ăn uống, chịu áp lực lớn từ công việc, tiền thuê người giúp việc đắt đỏ…

Thế nhưng người Mỹ lại “sướng” hơn ta ở điểm “Ở nước Mỹ, làm sao sống cho hạnh phúc mới quan trọng chứ không phải trở thành người nọ người kia, có được danh hiệu nào đó” - nhà thơ Vũ Quần Phương nhấn mạnh.


	Nhà thơ Vũ Quần Phương

Nhà thơ Vũ Quần Phương

 

 

 Nhà thơ có kể câu chuyện về cháu nội của mình- con của GS Vũ Hà Văn, người đã vinh dự được nhận Giải thưởng Polya - một giải thưởng lớn của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Hoa Kỳ (SIAM), hiện đang giảng dạy ở Trường ĐH Yale: “Ở trường có tổ chức buổi học ngoại khóa, đề tài về ước mơ sau này làm nghề gì, cháu tôi trả lời là sau này muốn làm người thuyết minh thể thao trên tivi vì nó thích chơi thể thao, vừa được xem suốt ngày lại vừa được nói trên tivi. Nghề nữa mà nó thích là làm người coi rừng vì trong rừng được sống với hươu, nai; lúc nào cũng như đi chơi. Rồi thích cả làm công an chữa cháy, khi đi cứu cháy thì như người anh hùng”.

Cả ba ước mơ của cậu bé 14 tuổi đều không phải trở bác sĩ, giáo sư, tiến sỹ mà đơn giản là mong ước làm những gì em thích. Hiện nay, những ông bố, bà mẹ Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu mong muốn của trẻ thơ, áp đặt cho chúng một định hướng ngay từ khi còn bé - phải trở thành những người giỏi giang sau này. Thời gian mà đáng ra các em được vui chơi hồn nhiên lại thay bằng những giờ học thêm: học văn, học toán, ngoại ngữ… để sau này thi đỗ Đại học, trở thành “ông nọ, bà kia”…


	Trẻ em bị áp lực học hành không có nhiều thời gian để vui chơi

Trẻ em bị áp lực học hành không có nhiều thời gian để vui chơi

Việt Nam “khổ” vì bệnh thành tích

Một thực tế nữa là người Việt đang “khổ” hơn người Mỹ khi bệnh thành tích vẫn còn mang nặng trong mỗi cá nhân, mỗi tập thể. Nhà thơ chỉ ra: “Như ở Việt Nam còn phấn đấu thành gia đình văn hóa, tập thế xuất sắc, anh hùng lao động…nếu không thì hội viên câu lạc bộ thơ phường. Ai cũng phải có một danh hiệu, chứ nước Mỹ chẳng có danh hiệu gì cả. Mọi sự do đồng lương phân biệt, giỏi thì lương cao và ngược lại”.

Tâm lý mong muốn có cho mình một danh hiệu, một thành tích để người khác nhìn vào đã bám ăn sâu trong suy nghĩ mỗi người Việt. Còn ở nước Mỹ, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng để người dân làm việc. Hay nói cách khác danh hiệu cao sẽ trao cho người đạt được năng suất và chất lượng công việc hiệu quả. Lương cao đồng nghĩa thuế thu nhập cao. Nhà thơ đưa ra ví dụ: “Lương con tôi - anh Văn bên Mỹ là 500$/ngày, như vậy, tổng cộng một tháng lương là 15.000$. Tuy nhiên, anh phải đóng thuế 40%, do đó, số lương thực tế nhận được không phải là 15.000$ mà chỉ còn 9.000$ vì 6.000$ tính vào thuế”.

Thuế đóng cao kéo theo đó là phúc lợi xã hội của nước Mỹ rất tốt. Nhà thơ đơn cử: “Tôi là người vãng lai nhưng vẫn được hưởng những dịch vụ công cộng. Ví như quầy ăn trong vườn bách thảo, tôi mang cơm nắm muối vừng, ngồi đấy ăn thì khách mua hàng của quầy đó vẫn phải đứng chờ. Họ không thể đuổi tôi vì lý do không mua gì và ngồi nhờ được. Bởi lẽ, công viên là nơi công cộng, dù anh mở ra quán nhưng tôi vẫn được hưởng cùng”. Hay như câu chuyện về nhà vệ sinh: “Tại Mỹ không có nhiều nhà vệ sinh công cộng nhưng ta có thể vào bất cứ khách sạn, nhà hàng sang trọng nào để đi vệ sinh. Họ cho phép và đón tiếp rất đàng hoàng”.

Rõ ràng, người Mỹ đang “sướng” hơn người Việt khi mà họ được làm việc và được hưởng đồng lương theo đúng năng lực của mình, được hưởng phúc lợi xã hội đáng kể, sống để hạnh phúc chứ không phải đặt ra những danh hiệu đơn thuần.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại