Tại sao không nên tổ chức đám cưới trong "tháng cô hồn"?

Hoàng Đan |

Theo các chuyên gia, trong tháng 7 Âm lịch tức "tháng cô hồn" không nên làm một số việc đại sự như tổ chức đám cưới, về nhà mới, khởi công, động thổ.

Gia đình anh chị Nguyễn Văn Tùng, Trần Thị Vân (quận Đống Đa, Hà Nội) có dự định tổ chức đám cưới cho cậu con trai vào dịp giữa tháng 7 Âm lịch.

Tuy nhiên, khi đi hỏi thì nhiều người khuyên không nên tổ chức trong tháng này, bởi theo quan niệm dân gian thì tháng này mọi công việc hay bị trì trệ, không suôn sẻ.

Nhưng một số người thì lại cho rằng, trong tháng 7 vẫn có ngày tốt và tổ chức được.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh (nguyên GĐ Trung tâm Lý học Đông Phương) cho rằng, theo quan niệm của dân gian thì tháng 7 là “tháng cô hồn” hay tháng “ma quỷ”.

Khi đó, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan “thả cửa” cho ma quỷ và kết thúc sau 12 giờ đêm của rằm tháng 7, khi đó các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Tính từ ngày 2-14/7 Âm lịch là các ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vảng vất khắp nhân gian.

Do đó, trong tháng này, âm lực rất mạnh, nếu bàn và làm các công việc lớn như mua đất, tậu nhà, mua xe, khai trương, cưới hỏi... sẽ thu hút các vong hồn và gây ra sự phá phách bất lợi cho gia chủ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhất là đối với cưới hỏi, do cô dâu, chú rể mới nên dễ bị các vong hồn "gây sự", làm cho gặp phải những điều không may mắn, hạnh phúc.

Cùng trao đổi với chúng tôi, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Vĩnh Kiên cho rằng, theo truyền thuyết thì tháng 7 Âm lịch là tháng Ngưu Lang – Chức Nữ (vợ chồng Ngâu) gặp nhau trong 3 cặp ngày, chia làm 9 ngày: 3, 7, 8, 13, 17, 18, 23, 27, 28.

Đó là câu chuyện tình duyên trắc trở phải chịu cảnh chia ly thấm đẫm nước mắt.

Trong quá trình gặp nhau, chia ly, hai người thường khóc lóc rất nhiều và tạo thành thời tiết có mưa dầm suốt tháng. Do đó, rất ít người tổ chức cưới hỏi vào tháng 7 Âm lịch vì thường có mưa dầm và có nhiều gió bão.

Đồng thời, các gia đình cũng kiêng kỵ vì sợ rằng cuộc sống hôn nhân của vợ chồng trẻ sau này có thể bị chia cắt, buồn khổ như vợ chồng Ngâu.

Theo ông Kiên, dù xuất phát từ quan điểm duy tâm và kinh nghiệm dân gian truyền miệng chưa được kiểm chứng, nhưng nếu muốn tổ chức đám cưới vào tháng 7 Âm lịch thì cô dâu chú rể cũng nên cân nhắc và xin ý kiến cha mẹ hai bên gia đình.

Người lớn thường quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì vậy, khi được sự ủng hộ và đồng ý từ cha mẹ thì ngay từ đầu chuyện cưới xin cũng được thuận lợi hơn nhiều.

Bên cạnh đó, hôn nhân là việc quan trọng của cả đời người nên nếu chẳng may cuộc sống sau này không thuận lợi và suôn sẻ, hai người sẽ đổ lỗi cho việc cưới vào tháng Ngâu, lúc ấy lại có thêm lý do để tranh cãi, trách móc nhau.

Do vậy, mọi người nên tính toán thật kỹ càng trước khi đi đến quyết định chính thức.

"Dĩ nhiên là hiện nay vẫn có một số người cưới vào tháng 7 vì nhiều lý do và họ vẫn hạnh phúc nhưng đó là do sự nỗ lực từ hai bên thấu hiểu, chăm lo cho nhau.

Cho nên, không nhất thiết phải kiêng kỵ quá, nhưng cũng nên cân nhắc dựa vào tình hình thực tế như thời tiết, tập tục địa phương, quan điểm của cha mẹ,... trước khi quyết định tổ chức đám cưới vào tháng 7 Âm lịch này", ông Kiên nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại