Gần một tuần có mặt trên các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam tiếp cận khu vực giàn khoan 981 trái phép của Trung Quốc giữa Hoàng Sa, PV cùng nhiều đại diện cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước trực tiếp chứng kiến, ghi nhận hành động tấn công, uy hiếp hung hăng, quyết liệt của các tàu Trung Quốc cũng như những phản ứng bình tĩnh kiềm chế của lực lượng chấp pháp Việt Nam.
Bị hất văng xuống sàn tàu
Sáng 13/5, tàu kiểm ngư Việt Nam HP 926 liên tục bị ba tàu lớn Trung Quốc theo kèm, quyết liệt chặn mũi, trong đó tàu Trung Quốc 2411 kèm sát, uy hiếp. Các hệ thống vòi rồng trên những tàu này đều có 2 nhân viên trực sẵn. Tất cả hành vi này được nhà báo Lê Công Hạnh (Báo Công an Đà Nẵng) ghi lại trong hơn 1.000 bức ảnh cận cảnh cùng những đoạn clip chân thực quay giữa hiện trường. Hôm ấy, Trung Quốc dùng cả ba tàu xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư HP 926. Trong đó, vòi rồng trên tàu Trung Quốc 2411 trực chỉ mũi cabin lái, nhằm thẳng các cửa kính chịu lực, thiết bị trên tàu.
Cả tàu HP926 chao đảo. Đang tác nghiệp khoang dưới, nhà báo Đình Thiệu (VOV văn phòng tại Đà Nẵng) bị hất văng xuống dưới sàn. “Tình hình căng thẳng suốt tiếng đồng hồ, Trung Quốc liên tục gia tăng sức ngăn cản, xịt vòi rồng. Nhiều thiết bị trên tàu kiểm ngư HP 926 bị hư hại, hệ thống lan can sắt dày, to bị áp lực vòi rồng bẻ cong”, anh Hạnh nói.
58 tuổi, nhà báo Văn Sơn (Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Đà Nẵng) tác nghiệp không mệt mỏi. Mặc con tàu HP 926 chao nghiêng khi Trung Quốc phun xịt vòi rồng, anh Sơn vẫn trụ vững trong cabin tàu, để chứng kiến, ghi lại từng chi tiết qua hàng loạt khung hình. “Đây chính là những bằng chứng cụ thể, khách quan, chân thực nhất để chống lại những luận điệu vu khống của phía Trung Quốc cho rằng chúng ta đâm va, uy hiếp họ”, nhà báo Sơn nói, khi xem lại những bức ảnh hiện trường. Thuyền trưởng tàu HP926 Nguyên Cao Duy tập trung, liên tục đánh lái, tránh các hướng phun vòi rồng trực diện của tàu Trung Quốc.
Theo ghi nhận của nhà báo Văn Sơn, các tàu Trung Quốc luôn tìm cách phun trực diện với góc phun 90 độ vào các hệ thống kính ở cabin chỉ huy nhằm làm tê liệt các tàu chấp pháp Việt Nam. “Nếu không bản lĩnh, linh hoạt cơ động vòng tránh, thiệt hại các tàu kiểm ngư Việt Nam là khó tránh khỏi”, nhà báo Sơn nói. Liên tục các ngày sau đó, tàu kiểm ngư HP 926 bị các tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, cùng các hoạt động khiêu khích quyết liệt.
Phóng viên Nguyễn Huy của Tiền Phong tác nghiệp tại thực địa khu vực giàn khoan 981. Ảnh: P.V
8 giờ ngày 12/5, mũi tàu kiểm ngư Việt Nam 763 cơ động tiếp cận vị trí cách giàn khoan chừng 5 hải lý, bị ba tàu Trung Quốc số hiệu 1123, 3401 và 6105 ngăn cản, uy hiếp. Khoảng cách tới giàn khoan càng rút ngắn, các tàu Trung Quốc càng quyết liệt, chặn mũi. Đội tàu Trung Quốc liên tục đảo hướng, kèm chặt hai mạn thuyền. Bất ngờ, tàu Trung Quốc số hiệu 3401 nhả cột khói đen xì, tăng tốc vượt lên, xịt vòi rồng, đâm mạn phải tàu kiểm ngư 763.
Có mặt trên tàu kiểm ngư này, nhà báo Hoàng Văn Minh (báo Lao Động văn phòng Đà Nẵng) kể: Tàu Trung Quốc 3401 xịt vòi rồng liên tục trong gần 20 phút, rồi đâm mạnh, làm rách vệt dài lan can mạn phải của tàu kiểm ngư, sau đó quay hướng bỏ đi. Bên ngoài, đôi tàu Trung Quốc cùng hỗ trợ, uy hiếp. Kho tư liệu anh Minh nhiều thêm mỗi ngày. Hàng loạt tấm hình cận cảnh hoạt động uy hiếp, ngăn cản, xịt vòi rồng đe dọa và trực tiếp gây hại lên tàu chấp pháp Việt Nam. Trưa trong phòng nghỉ trên tàu CSB Việt Nam 4032, anh Minh cùng đồng nghiệp xem lại tư liệu hiện trường những ngày công tác trên tàu kiểm ngư 763, ai nấy giật mình trước sự uy hiếp trắng trợn của các tàu Trung Quốc.
Tiếng nói khách quan từ các phóng viên nước ngoài
36 tuổi, dáng người nhỏ bé, nhưng nữ nhà báo Akiko Ichihara (Đài truyền hình NHK - Nhật Bản) xông xáo tác nghiệp trên cabin tàu. Ngày đầu cập tàu từ tàu CSB VN 4033 sang tàu CSB VN 8003, những đợt sóng xô dồn, lắc mạnh 2 tàu khiến chị Akiko xanh mặt vì say sóng. Bỏ ăn gần chục tiếng đồng hồ, sáng hôm sau, cả tàu ngạc nhiên khi thấy Akiko đã cầm máy quay, chạy thẳng ra lan can tàu để ghi lại từng hoạt động của tàu Trung Quốc quyết liệt ngăn cản, theo kèm, uy hiếp tàu CSB 8003 và các biên đội tàu CSB Việt Nam. Biển động mạnh, tàu Trung Quốc 3411 liên tục ép sát, hụ còi uy hiếp. Có lúc tàu này chỉ cách tàu CSB 8003 gần 90m. Nữ nhà báo Akiko không nao núng, chọn vị trí tác nghiệp ngay cuối cabin tàu, trực diện phía tàu Trung Quốc.
“Tôi không chứng kiến bất kỳ hành vi tàu Việt Nam cố ý đâm va tàu Trung Quốc. Trong khi đó, tôi có trong tay rất nhiều tư liệu, bằng chứng tàu Trung Quốc đâm va, xịt vòi rồng các tàu chấp pháp Việt Nam”.
Toshihiro Yatagal
(Kyodo News)
Ba năm đóng chân tại Văn phòng NHK Nhật Bản tại Hà Nội, Akiko khá tường tận diễn biến tình hình xung đột biển Đông. Vụ Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 02, nữ nhà báo này có nhiều tin bài phản ánh. “Mình vừa có chuyến tác nghiệp về các bạn cảnh sát biển Việt Nam và đi biển nửa ngày. Giờ trực tiếp được ra Hoàng Sa, tận mắt chứng kiến lực lượng CSB Việt Nam triển khai nhiệm vụ, càng thấu hiểu nhiệm vụ của các bạn hơn”, chị Akiko nói.
Trên boong tàu, Akiko dùng điện thoại kết nối Vinasat, truyền trực tiếp thông tin thời sự, số lượng tàu Trung Quốc cùng các hành vi ngăn cản, uy hiếp tàu chấp pháp Việt Nam. Theo chị Akiko, các bài viết ghi nhận chân thực, khách quan các hành vi ngăn cản của Trung Quốc, sử dụng nhiều tàu chấp pháp, tàu cá và cả tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, máy bay trực thăng. Trong khi đó, phía Việt Nam chỉ có các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư. Biện pháp của lực lượng Việt Nam luôn kiềm chế, không hề có các hành vi gây hấn, mắc mưu khiêu khích của phía Trung Quốc…
Chiều 16/5, tại cuộc họp đoàn phóng viên trở về từ Hoàng Sa, Chuẩn đô đốc Ngô Sĩ Quyết, Tư lệnh Hải quân vùng 3, đánh giá cao nỗ lực và sự cố gắng của các phóng viên tác nghiệp tại thực địa, thông tin đến nhân dân cả nước và thế giới về diễn biến khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Có thể gọi đó là các nhà báo “chiến sĩ”, đang góp phần lớn vào việc cùng các lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Các nhà báo trong nước và quốc tế tác nghiệp tại thực địa Hoàng Sa (ảnh 1). PV Tiền Phong Nguyễn Huy tác nghiệp tại khu vực giàn khoan 981 (ảnh 2). PV tác nghiệp trên tàu CSB8003 (ảnh 3). Nữ nhà báo Akiko của truyền hình NHK, Nhật Bản tác nghiệp (ảnh 4).
Trên tàu CSB Việt Nam 4033, nhà báo Toshihiro Yatagal, 50 tuổi, Trưởng văn phòng đại diện hãng tin Nhật Bản Kyodo News tại Bangkok (Thái Lan) năng động tác nghiệp giữa hiện trường điểm nóng giàn khoan 981. Hết ra ngoài hành lang, Toshihiro lại lên cabin, sử dụng tối đa các trang thiết bị tác nghiệp máy ảnh, máy quay, thiết bị truyền tin hiện đại. Mặc dù Thái Lan đang có nhiều thông tin thời sự nóng, nhưng với tư cách là Trưởng văn phòng đại diện, anh vẫn đăng ký và trực tiếp theo tàu ra thực tế Hoàng Sa tác nghiệp.
Anh Toshihiro nói: “Mình không phải là chuyên gia luật, nhưng căn cứ trên luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 không phải nói thì như mọi người cũng đã biết, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam”.
“Với những gì thực tế tại hiện trường giàn khoan, rõ ràng tuyên bố của Trung Quốc về việc tàu Việt Nam “đâm va” tàu Trung Quốc là thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Liên tục những ngày qua, mỗi lần tiếp cận gần khu vực giàn khoan, tôi chỉ thấy các tàu CSB Việt Nam dùng loa tuyên truyền, buộc Trung Quốc chấm dứt việc hạ đặt giàn khoan trái phép và rời khỏi vùng biển Việt Nam”.
Hoàng Đình Nam (AFP)
Bốn ngày trên biển, quan sát khách quan nhiều biên đội tàu CSB Việt Nam cơ động, tiếp cận mục tiêu giàn khoan để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút lại việc làm sai trái, nhà báo Toshihiro nói: “Tình hình căng thẳng, Trung Quốc huy động nhiều loại tàu khác nhau, gây áp lực lên các tàu Việt Nam. Những ngày qua, tôi được chứng kiến mọi diễn biến hành xử của Trung Quốc và đối sách của Việt Nam. Trong khi Việt Nam không có bất kỳ tàu quân sự nào, thì Trung Quốc huy động rất nhiều tàu chiến, tàu hộ vệ tên lửa”.
Về việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố tàu Việt Nam “đâm va 171 lần tàu Trung Quốc”, nhà báo Toshihiro quả quyết: “Trăm nghe không bằng một thấy. Tôi không chứng kiến bất kỳ hành vi tàu Việt Nam cố ý đâm va tàu Trung Quốc. Trong khi đó, tôi có trong tay rất nhiều tư liệu, bằng chứng tàu Trung Quốc đâm va, xịt vòi rồng các tàu chấp pháp Việt Nam”. Trên tàu CSB 4033, nhà báo Toshihiro tận mắt chứng kiến 3-4 tàu Trung Quốc liên tục uy hiếp, cản trở các tàu Việt Nam. “Mức độ ngày càng gia tăng và nguy hiểm hơn”, nhà báo này nói.
Phóng viên Hoàng Đình Nam (Phân xã AFP tại Hà Nội) khẳng định: Với những gì thực tế tại hiện trường giàn khoan, rõ ràng tuyên bố của Trung Quốc về việc tàu Việt Nam “đâm va” tàu Trung Quốc là thông tin bịa đặt, xuyên tạc.
“Tôi cho rằng, các giải pháp mà Việt Nam đang sử dụng rất tốt, lấy nhu thắng cương, yếu thắng mạnh và thể hiện tinh thần hòa bình, mong muốn ổn định biển Đông, khác hẳn với cách Trung Quốc đang làm gia tăng xung đột khu vực này”, ông Nam nói.
Trung Quốc dùng tàu cá vỏ sắt đâm va tàu cá Việt Nam
Chiều 16/5, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, phía Trung Quốc đã dùng tàu cá vỏ sắt để chủ động đâm va vào tàu cá của ngư dân Việt Nam, khi đang đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống, nơi Trung Quốc đang đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Đến hôm qua, Trung Quốc tiếp tục tăng số tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 lên 126 tàu, tăng 27 tàu so với hôm trước đó. Trung Quốc vẫn duy trì 2 máy bay tuần thám. Tàu Trung Quốc thường xuyên áp sát, vây ép và phun nước vào tàu chấp pháp của Việt Nam. Đáng lo ngại là các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc đã chủ động đâm va, khiến 3 tàu cá Việt Nam bị hư hỏng.
> Xem thêm clip: Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về an ninh biển
(Nguồn" VTV1)
Bản tin VTV - Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về an ninh biển. Nguồn VTV/QPVN
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA