Sửa lời Quốc ca: "Nếu Quốc hội và gia đình Văn Cao đồng ý"

Sơn Lâm |

(Soha.vn) - Đại biểu QH Huỳnh Thành chia sẻ, khi đề xuất sửa lời Quốc ca, dù biết có thể có nhiều ý kiến phản đối nhưng ông vẫn quyết định đưa ra ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (tỉnh Gia Lai) - (Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ)
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (tỉnh Gia Lai) - (Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ)

Ngày 5/6, sau giờ họp Quốc hội, trao đổi với chúng tôi về đề xuất sửa lời Quốc ca, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Đó là ý kiến cá nhân của tôi chứ không phải là tôi thu thập các ý kiến của cử tri tỉnh Gia Lai. Tôi cho rằng, trong quan hệ ngoại giao ở thời bình thì những lời của chúng ta cũng nên nhẹ nhàng đi một chút.

Còn về việc kế thừa lịch sử thì như tôi đã nói trong bài phát biểu: 'Hiện nay quốc ca có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người' nên tôi đã nêu ý kiến là giữ nguyên nhạc nền mà có thể sửa lời. Tôi nghĩ đơn giản, một cách khách quan vậy thôi chứ không có theo suy nghĩ gì khác”.

Về ý kiến của các đại biểu xung quanh, đại biểu Huỳnh Thành cho hay: “Cũng có những ý kiến ủng hộ quan điểm đó nhưng tôi cũng thấy có nhiều ý kiến phản đối, nhiều người muốn giữ lời Quốc ca theo lịch sử”.

Khi được hỏi về cảm xúc khi phát biểu của mình về việc sửa Hiến pháp: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao” bị nhiều người phản đối, ông Thành cho biết: Ông trân trọng những ý kiến phản đối và cho rằng việc bị phản đối là điều bình thường vì mỗi người có một quan điểm riêng.

Tâm sự về thời gian trước khi phát biểu tại Nghị trường về vấn đề này, ông Huỳnh Thành chia sẻ: “Thật ra, trước khi phát biểu tại Quốc hội, tôi đã cân nhắc rất nhiều về những vấn đề lịch sử như nhiều nhạc sỹ, nghệ sỹ nói.

Nhưng nghĩ đến các trường hợp đã sửa Quốc ca như trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I năm 1995, cả việc thay lời Quốc ca của Nga đến vấn đề ngoại giao trong thời bình của đất nước nên tôi vẫn quyết định đưa ra ý kiến dù biết có thể có nhiều ý kiến phản đối”.

Khi được hỏi về việc thay đổi ý kiến đã đề xuất sau khi có nhiều ý kiến phản đối, ông Huỳnh Thành cho biết: “Nếu Quốc hội tán thành và gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đồng ý cho sửa một số chỗ trong lời bài Quốc ca thì hay hơn”.

Trong một cuộc trao đổi khác liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, ThS, LS. Phạm Thanh Bình – Giám đốc Công ty TNHH Luật Bảo Ngọc (Hà Nội) cho hay: “Trong Luật Sở hữu trí tuệ có nêu rõ tác giả có toàn quyền với tác phẩm của mình trừ trường hợp vì lợi ích quốc phòng, an ninh, nhà nước, quyền nhân thân bị giới hạn thì quyền đó (quyền tác giả - PV) có thể bị thay đổi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về lý thuyết, nếu Quốc hội thấy cần thiết phải sửa thì việc sửa đổi Quốc ca không vi phạm Luật. Nhưng trên phương diện tình cảm xã hội, bài Quốc ca hiện nay là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử chứ không chỉ là một bài hát mang tính thời thượng”.

Ông Bình nói tiếp: “Trên thế giới, theo tôi được biết thì mới chỉ có Nga thay đổi Quốc ca. Có những nước thay đổi chế độ chính trị như các nước Đông Âu (trước thuộc Liên bang Xô Viết) nhưng họ cũng không thay đổi quốc ca.

Trước đây, chúng ta đã có một thất bại cay đắng về việc đổi quốc ca (năm 1976). Và những giá trị trong bài Quốc ca mang tính trường tồn nên tôi nghĩ rằng các quyết định liên quan đến việc sửa đổi Quốc ca cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng”.

Nêu quan điểm cá nhân của mình, LS. Phạm Thanh Bình cho hay: “Việc phản ứng của một số nhạc sỹ trong vấn đề này là có cơ sở. Việc sửa đổi Quốc ca là không cần thiết trong bối cảnh hiện nay của đất nước. Và tôi cũng tin rằng Quốc hội sẽ không thông qua kiến nghị này”.

 

Bạn có cho là nên sửa lời quốc ca cho phù hợp với tình hình phát triển hiện tại của Đất nước không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.



 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại