'Sửa lời Quốc ca là thể hiện sự coi thường lịch sử dân tộc'

Độc giả Nguyễn Hoà Bình |

(Soha.vn) - Mỗi câu, mỗi chữ đều thể hiện lên dấu ấn oai hùng, thiêng liêng của dân tộc nên việc đề xuất sửa lời Quốc ca chẳng khác gì sự coi thường lịch sử...

Nhắc đến mỗi Quốc gia, có bốn thứ không thể thiếu được, đó là Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và Bản đồ lãnh thổ đất liền, biển đảo. Trong đó, Quốc ca chính là bài hát tiêu biểu nhất, mang ý nghĩa thiêng liêng khơi gợi và tán dương lịch sử, truyền thống và đấu tranh của dân tộc, quốc gia đó.

Với Việt Nam cũng vậy, Quốc ca Việt Nam được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944 với tên gọi ban đầu Tiến quân ca và được Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa chính thức chọn là Quốc ca vào năm 1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông sửa lại một vài chi tiết nhỏ so với nguyên gốc ban đầu.

Bài
Bài "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao

Và từ đó đến nay, từ mỗi buổi chào cờ đầu tuần của các em học sinh đến các sự kiện lớn như các kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng, những lời ca hùng tráng của Quốc ca vẫn vang lên như nhắc nhở mỗi người niềm tự hào về truyền thống anh dũng, kiên cường của đất nước, của dân tộc.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận sửa Hiến pháp sáng 4/6/2013, đại biểu Huỳnh Thành có đề xuất nên thay lời mới bài Quốc ca cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước và cho rằng nên sửa những câu chữ như: "Đường vinh quang xây xác quân thù" bằng nội dung khác.

Chưa vội bàn đến những vấn đề khác mà mọi người chúng ta hãy nhìn lại lịch sử của dân tộc ta trong suốt chiều dài hàng nghìn năm qua. Đó là cả một chặng đường rất dài mà biết bao thế hệ ông cha, đồng bào của chúng ta đã phải hy sinh cả xương máu, tính mạng để gây dựng lên và đấu tranh bảo vệ toàn vẹn bờ cõi, thống nhất đất nước.

Sự kiên cường, bất khuất, anh dũng đó của dân tộc ta đồng nghĩa với biết bao xác quân thù đã nằm thất bại thảm hại ở nơi đây, bất cứ kẻ nào có mưu đồ muôn xâm lăng từ bao đời nay đều phải nằm vùi xác ở nơi đây.

Nói điều đó để cho thấy "Đường vinh quang" mà dân tộc ra đã giành và giữ được trong hàng ngàn năm qua được "xây xác quân thù", bởi những chiến thắng lừng lẫy, hùng dũng, mang tính xuyên suốt từ Bạch Đằng của Ngô Quyền, ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông của triều đại nhà Trần, chiến thắng Ngọc Hồ - Đống Đa với 29 vạn quân Thanh của vua Quang Trung... 

Rối tiếp đó là giai đoạn lịch sử oai hùng khi dân tộc ra đã vùng lên làm cuộc cách mạng tháng 8/1945, đánh đuổi phát xít Nhật, giành chính quyền, lập lên nhà nước Việt Nam Dân Chủ cộng hoà và sau đó là những chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...

Hồn dân tộc, khí phách cha ông, những dòng chảy hồi ức, kỷ niệm, cảm xúc của một giai đoạn lịch sử oai hùng và có giai đoạn lịch sử đó mới có đất nước ngày hôm nay... đã in đậm dấu ấn trong từng lời của Quốc ca.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao cũng đã tự tay sửa một số phần lời trong bài
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao cũng đã tự tay sửa một số phần lời trong bài "Tiến quân ca" của mình.

Chúng ta mong muốn, đồng thời đang sống hoà bình. Chúng ta đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhưng chúng ta cũng đừng nên và không bao giờ được phép ngủ trên vinh quang.

Nếu không có những quá khứ hào hùng đó, thì giờ đây, làm sao chúng ta có thể ngồi được một cách ung dung, thảnh thơi để cho rằng có những thứ không phù hợp, phải sửa... 

Cũng cần phải nói thêm, có những bài Quốc ca ở nhiều nước ngôn từ còn "kinh khủng" hơn rất nhiều nhưng họ vẫn giữ  nguyên vẹn và trân trọng...

Mỗi câu, mỗi chữ trong Quốc ca của chúng ta đều thể hiện lên dấu ấn oai hùng, thiêng liêng của dân tộc nên việc đề xuất sửa mà đại biểu Huỳnh Thành đưa ra chẳng khác gì sự coi thường lịch sử, coi thường máu xương của biết bao thế hệ cha ông, đồng bào... 

Đó là chưa kể đến thực tế, việc dạy và học sử của chúng ta đang có quá nhiều bất cập, hạn chế thì liệu, việc sửa này có phải là thêm một sự tác động tiêu cực và sự tôn trọng tác giả, tôn trọng tác phẩm còn đâu...

Vậy nên, thay vì sửa lời của bài hát, chúng ta hãy luôn hát vang, giáo dục nhiều hơn nữa về ý nghĩa lịch sử to lớn để các thế hệ đi sau không quên và không bao giờ được quên cả một quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam đã đi lên trong máu lửa, như chính lời của Quốc ca.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Bạn có cho là nên sửa lời quốc ca cho phù hợp với tình hình phát triển hiện tại của Đất nước không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.



 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại