Không thu hồi đất đai một cách tràn lan
Trao đổi với PV về việc sửa đổi Hiến pháp, ông Lê Như Tiến cho biết: “Điều 57 trong Hiến pháp 1992 đã khẳng định: Nhà nước chỉ là “đại diện chủ sở hữu” về đất đai thôi chứ không phải đất đai là “của Nhà nước”. Đất đai là sở hữu toàn dân.
Ngoài ra, trong Điều 58 còn tiếp tục khẳng định “đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia” nên vấn đề đặt ra là phải quản lý và quy hoạch đất đai theo đúng tinh thần của Hiến pháp và pháp luật.
Quản lý và quy hoạch đất đai theo pháp luật là rất cần thiết. Điều 57 và 58 quy định về lĩnh vực đất đai trong Hiến pháp 1992 cơ bản là đúng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận là vẫn còn một số bất cập khi đưa vào thực tế vì vẫn có những trường hợp bị hiểu sai, hoặc cố tình hiểu sai, dẫn đến làm không đúng.
Trong bản sửa đổi và bổ sung Hiến pháp này, Điều 57 và Điều 58 về đất đai cũng được sửa đổi và bổ sung thêm cho rõ ràng hơn”.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): “Trong thời gian vừa qua chúng ta đã làm không tốt vấn đề quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai nên đã để diễn ra tình trạng thu hồi đất tràn lan. Nhiều trường hợp còn ‘thiên vị’, chỉ hướng đến lợi ích của doanh nghiệp mà không hướng đến lợi ích chung của nhân dân”.
Ông Tiến cho rằng: “Khi Hiến pháp quy định như thế thì buộc Luật đất đai sau này cũng phải sửa đổi theo cho phù hợp. Tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc là có thời hạn nhưng sẽ là thời hạn lâu dài.
Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích,… Quyền sử dụng đất là quyền được pháp luật bảo hộ.
Nhà nước khi thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng thì sẽ bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên lần trong bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhấn mạnh thêm rằng: Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết, vì lý do quốc phòng – an ninh, hay vì lợi ích quốc gia hoặc lợi ích công cộng. Không thu hồi đất một cách tùy tiện, tràn lan”.
“Khi thu hồi đất của tổ chức, cá nhân thì nhà nước sẽ “bồi thường”. Mức độ bồi thường được tính toán dựa trên giá đất của thị trường”, ông Tiến cho biết thêm.
Cần hiểu đúng quy định về thu hồi đất
Liên quan đến điều kiện để thực hiện việc thu hồi đất, ông Tiến cho biết: “Trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này nói rất rõ rằng điều kiện để thu hồi đất của tổ chức hay cá nhân đang sử dụng chỉ trong ‘trường hợp thật cần thiết’ thôi”.
Ông Tiến giải thích: “Trường hợp cần thiết ở đây được hiểu là vì lý do quốc phòng – an ninh, lý do lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng, các dự án phát triển kinh tế xã hội. Điều này có nghĩa là trước khi thu hồi đất cần phải có tính toán, xét duyệt kĩ càng, không tiến hành ào ào được”.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng bày tỏ nỗi lo ngại việc có thể xảy ra trường hợp tổ chức, cá nhân hiểu sai, hiểu không đúng tinh thần nội dung đã quy định trong Hiến pháp: “Theo tôi cần phải lưu ý về Khoản 3 của Điều 58 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi bổ sung. Khoản 3 quy định một trong những điều kiện để thực hiện việc thu hồi đất là vì mục đích phát triển kinh tế xã hội.
Quy định này cần phải được hiểu thật kĩ, thật chính xác, bởi nếu không thì sẽ có nhiều địa phương, tổ chức lợi dụng, mượn cớ ‘phát triển kinh tế xã hội’ để thu hồi đất của dân một cách tràn lan”.
“Thực tế là trong thời gian qua, chính quyền nhiều địa phương trong cả nước do bức xúc về phát triển ‘nóng’ ở địa phương mình, như cần nhiều dự án, nhiều khu công nghiệp,… nên đã thu hồi đất tràn lan, thiếu quy hoạch, đôi khi còn không đúng luật.
Ngoài ra, cộng với tiền đền bù không thỏa đáng đã khiến người dân bức xúc và dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Theo con số thống kê từ Thanh tra Chính phủ thì có đến trên 70% các vụ khiếu kiện là liên quan đến vấn đề đất đai. Đây là một con số thực sự rất đáng lo ngại”, ông Tiến cho biết.
Cũng theo ông Tiến, trong Khoản 3, Điều 58 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung có ba vấn đề cần đặc biệt lưu ý: một là bồi thường đúng theo pháp luật đối với đất được thu hồi, hướng tới bồi thường sát với giá thị trường; hai là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết; và thứ ba là không phải cứ có dự án phát triển kinh tế, xã hội nào là cũng sẽ thu hồi đất, chỉ thu hồi trong những trường hợp thực sự cần thiết.
Ông Tiến nhận định: “Trong thời gian vừa quan chúng ta đã làm không tốt vấn đề quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai nên đã để diễn ra tình trạng thu hồi đất tràn lan. Nhiều trường hợp còn “thiên vị”, chỉ hướng đến lợi ích của doanh nghiệp mà không hướng đến lợi ích chung của nhân dân.
Có thể thấy các vụ việc như ở Hưng Yên, Thái Bình hay một số tỉnh phía Nam xảy ra tình trạng người dân kiếu kiện về đất đai khá nhiều. Đây là một thực trạng đáng báo động nếu chúng ta không chấn chỉnh lại việc này”.
Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 239/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, các tổ chức xã hội chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học, các tầng lớp nhân dân... về bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Mọi ý kiến đóng góp của người dân cho dự thảo về Luật Đất đai (sửa đổi) có thể gửi về theo địa chỉ hộp thư điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường: [email protected].