Sữa dê Danlait rởm: “Cần truy tố ra trước pháp luật”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - “Không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ sữa dê Danlait rởm. Trong vụ việc này, doanh nghiệp đã lộ rõ hành vi lừa đảo, trong khi Cục ATTP thì đã lơ là công tác quản lý”, Luật sư Trần Đình Triển khẳng định.

Doanh nghiệp đã phạm tội lừa đảo

Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Mạnh Cầm đã “phù phép” sản phẩm thực phẩm bổ sung nhãn hiệu Danlait thành “sữa dê Danlait hàng đầu Châu Âu”, Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng Văn phòng Luật Vì Dân, Hà Nội) cho rằng đây là hành vi cố ý lừa đảo người tiêu dùng một cách có hệ thống.

LS Trần Đình Triển khẳng định: “Trước hết cần phải khẳng định rằng: Đây hoàn toàn không phải là doanh nghiệp quảng cáo nhầm do sơ suất, bởi là doanh nghiệp phân phối sản phẩm thì không có lý do gì mà doanh nghiệp lại không có thông tin đầy đủ về sản phẩm như giá cả, chất lượng, thành phần, chức năng,… để đến nỗi ‘viết sai’ nhãn mác quảng cáo. Việc phù phép từ thực phẩm bổ sung thành ‘sữa dê Danlait hàng đầu Châu Âu” hoàn toàn là do chủ ý”.

Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng Luật Vì Dân, Hà Nội): “Các cơ quan chức năng cần truy tố doanh nghiệp kinh doanh sữa dê giả mạo này ra trước pháp luật về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trong kinh doanh”.

Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng Luật Vì Dân, Hà Nội)

Cũng theo LS Trần Đình Triển, căn cứ vào hành vi cũng như những thiệt hại đã gây ra đối với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm trong suốt thời gian qua hoàn toàn đủ cơ sở để truy tố đại diện trước pháp luật của doanh nghiệp phân phối sản phẩm – cụ thể là Công ty TNHH Mạnh Cầm – ra trước pháp luật về tội “lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trong kinh doanh”.

“Các cơ quan chức năng cần truy tố đại diện trước pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh sữa dê giả mạo này ra trước pháp luật về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trong kinh doanh.

Cụ thể ở đây doanh nghiệp đã lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng thông qua việc bán sản phẩm ra thị trường không đúng với giấy phép đăng ký, chất lượng, giá cả, công dụng”, LS Trần Đình Triển cho biết.

Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng

Sản phẩm thực phẩm bổ sung Danlait được Công ty TNHH Mạnh Cầm
Sản phẩm thực phẩm bổ sung Danlait được Công ty TNHH Mạnh Cầm "phù phép" thành "sữa dê Danlait".

Cũng theo LS Trần Đình Triển, trong vụ “phù phép” thực phẩm bổ sung thành “sữa dê Danlait” không chỉ phía doanh nghiệp phân phối phải “chịu tội” mà ngay cả phía Cục An toàn thực phẩm (ATTP) của Bộ Y tế cũng phải chịu trách nhiệm trong chuyện này.

LS Trần Đình Triển cho biết: “Thực tế thì những vụ như sữa rởm, sữa nhái, rồi thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung nhưng vẫn dán nhãn mác là ‘sữa cao cấp’ bày bán trên thị trường đây không phải là lần đầu mà đã xảy ra và tồn tại từ rất lâu rồi.

Đây là vấn đề nhức nhối, nó liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng cũng như an toàn sức khỏe của người tiêu dùng”.

“Mỗi năm, văn phòng luật sư của chúng tôi cũng đã tiếp nhận không biết bao nhiêu là đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức tố cáo các công ty, doanh nghiệp làm nhái, làm giả sản phẩm rồi tiêu thụ trên thị trường, lừa đảo người tiêu dùng. Con số này hầu như không hề giảm xuống mà còn có xu hướng tăng lên”,

Bản kết luận sau khi tiến hành kiểm tra sản phẩm của Công ty TNHH Mạnh Cầm của Cục ATTP đăng trên trang tin của Cục vẫn ghi là

Bản kết luận sau khi tiến hành kiểm tra sản phẩm của Công ty TNHH Mạnh Cầm của Cục ATTP đăng trên trang tin của Cục vẫn ghi là "sữa dê Danlait" (!)

LS Trần Đình Triển chia sẻ thêm: “Từ trước đến nay luôn có một ‘tiền lệ xấu’ đó là mỗi khi báo chí hay người tiêu dùng phát hiện ra vụ việc nào đó liên quan đến các doanh nghiệp các lĩnh vực như thực phẩm, sữa,… có hành vi làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để lừa đảo người tiêu dùng thì cuối cùng chỉ mỗi doanh nghiệp chịu tội, còn vai trò và trách nhiệm liên đới của các cơ quan chức năng thì không thấy đâu.

Khi sự vụ đổ bể thì ‘quả bóng trách nhiệm’ được đá chuyền từ cơ quan chức năng này sang cơ quan chức năng khác, không cơ quan nào chịu lên tiếng để nhận trách nhiệm thuộc về mình cả.

Thường thì Cục ATTP đổ trách nhiệm cho Hải quan, rồi Quản lý thị trường,… và ngược lại. Chung cuộc, người tiêu dùng chính là nạn nhân phải chịu thiệt thòi nhiều nhất”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại