Trai làng đang và sắp bước qua tuổi cập kê vẫn không chịu lấy vợ. Họ chấp nhận sống một mình mặc dù... tâm sinh lý hoàn toàn bình thường
Cám cảnh làng đàn ông thui thủi một mình
Làng Bộng Dầu (thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước) từ xưa đã nổi tiếng khắp xứ Quảng Nam với nghề ép dầu phụng (dầu lạc) và "đặc sản" trái bòn bon "trong tròn ngoài méo". Nhưng ngày nay, danh tiếng của làng không còn được như trước. Hỏi đường về Bộng Dầu nhiều người còn nhầm lẫn, không biết. Tuy nhiên, chỉ cần nghe nhắc đến làng "đàn ông độc thân", làng "ế vợ" thì người dân lại dễ dàng chỉ đến tận nơi.
Có người nói rằng, do vùng đất này có con sông Tiên bao đời nay chảy ngược nên ở đây mới xảy xa những sự việc tréo ngoe, lạ đời. Đó là vùng đất luôn trong tình trạng "dương thịnh, âm suy". Con gái trong làng lớn lên lần lượt đi lấy chồng rồi sinh con đẻ cái ở nơi khác. Trong làng chỉ còn lại những anh con trai, và điều lạ lùng là phần lớn họ đều ở vậy cho đến khi... "quá lứa lỡ thì".
Có đến gần 80% đàn ông trong làng chấp nhận sống cảnh "vườn không nhà trống". Họ làm đủ nghề, từ thợ hồ đến hớt tóc, cưa cây, chẻ đá, xúc cát trên sông Tiên. Có những anh sinh năm 1970, thậm chí có anh thuộc thế hệ 6X nhưng sáng sáng vẫn đi làm, chiều lại thui thủi một mình tự nấu nướng, giặt giũ mà quyết không cần sự đỡ đần của phụ nữ. Đàn ông trong làng tự giúp đỡ nhau và cùng thành lập nên Câu lạc bộ độc thân để... "sinh hoạt". Cứ mỗi dịp lễ Tết, hay cúng giỗ trong làng thì chỉ thấy toàn... đàn ông.
Nói như vậy, không có nghĩa là đàn ông ở Bộng Dầu có vấn đề về tâm sinh lý. Theo lời kể của một vài chị em hiếm hoi về làm dâu ở làng thì đàn ông ở đây siêng năng, chịu khó, và ai cũng lành tính, chẳng bao giờ làm phiền lòng chòm xóm. Còn xét về ngoại hình thì chàng nào cũng đạt điểm "chuẩn" trở lên. Còn xét về mặt tâm sinh lý cũng không phải là lý do, bởi trong các buổi tụ tập nhậu nhẹt hoặc "sinh hoạt" ở Câu lạc bộ độc thân, chủ đề của các anh vẫn là phụ nữ, vẫn tìm cách để tán, để yêu như thường.
Gia đình các chàng trai cũng không thể hiểu nổi lý do tại sao trai làng lại "ở giá tập thể" như vậy. Bởi nhiều lần họ vẫn thấy trai làng ăn diện, chải chuốt tươm tất kéo nhau sang làng bên hoặc xuống thị trấn để tán gái. Thậm chí thấy con gái ở làng đi ngang các anh còn chọc ghẹo, nhiều mối tình cũng đã chớm nở. Nhưng rồi cũng nhanh chóng lụi tàn, các cô gái ở làng lần lượt lấy chồng, những "mảnh tình" ngoài lũy tre làng cũng chẳng có hy vọng.
Không lý giải được nguyên nhân của hiện tượng kì lạ này, những người cao niên trong làng thường bảo nhau, bọn trẻ không tin chứ theo chiêm nghiệm của người già lâu nay là một khi có con sông chảy ngược dòng đi qua làng cho nước tưới tiêu, sinh hoạt thì sẽ sinh ra nhiều chuyện khác thường thậm chí là trái ngược, lạ đời trong cuộc sống của người dân ngôi làng đó.
Kể từ đó, người dân trong và ngoài làng truyền tai nhau "quan niệm" trên. Họ cho rằng việc đàn ông Bộng Dầu “ế vợ” là chuyện đương nhiên, không thể thay đổi. Nếu may mắn lấy được vợ thì bắt buộc chàng trai của làng khi mua cau dạm hỏi, phải tìm chọn từng cây cau mà thân và rễ không được bám sâu dưới đất. Vì họ cho rằng, ở sâu dưới đất sẽ hút nước sông Tiên làm cho cuộc sống vợ chồng không hòa thuận, gặp nhiều trắc trở dẫn đến chia tay.
Làng Bộng Dầu.
Giải tỏa nỗi lòng
Sau những thông tin về ngôi làng "ế vợ" xuất hiện khắp cả nước, chúng tôi đã có chuyến mục sở thị tới vùng đất được mệnh danh là "tiên giới giữa trần gian" - Tiên Phước. Đến Ủy ban Nhân dân xã Tiên Châu cũng là địa phận của làng Bộng Dầu. Làng còn nghèo, con đường độc đạo dẫn vào làng chằng chịt những ổ voi đọng nước lầy lội. Điều làm chúng tôi đặc biệt chú ý là ở một làng "ế vợ" nhưng lại có rất nhiều trẻ con?
Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Mai Hoài (SN 1983), Trưởng công an xã Tiên Châu. Biết chúng tôi đến vì mục đích "thẩm tra thông tin", anh Hoài không ngần ngại nói rõ những bức xúc của dân làng trong thời gian qua: "Không chỉ một vài cá nhân mà rất nhiều người trong làng đều rất bức xúc trước luồng thông tin nhảm nhí trên.
Đàn ông làng Bộng Dầu không hề ế vợ như những thông tin mà bài báo nào đó đã đăng. Nhiều người có tên trong bài viết đã tìm đến tôi để giải tỏa nỗi lòng, một số người gay gắt hơn còn có ý định thưa kiện. Thật tình tôi cũng không biết vì sao PV viết bài báo trước đó, không hề liên hệ với chúng tôi, mà lại dám phao tin đồn làm ảnh hưởng đến uy tín, cũng như trật tự ở địa phương...".
Để làm rõ chân tướng câu chuyện này, anh Hoài dẫn chúng tôi đến gặp ông Trương Minh Tân (76 tuổi) là trưởng thôn Hội An, để nghe người dân bản địa, cũng là người tâm huyết nhất với dân làng Bộng Dầu lý giải sự việc. Trong suốt 22 năm làm trưởng thôn của mình ông Tân cho biết đây là lần đầu tiên làng Bộng Dầu gặp phải "tai tiếng" như vậy.
Người trưởng thôn già nhấp chén trà rồi trầm ngâm kể lại: "Cách đây 3 đến 4 năm, ở tổ Đoàn kết số 19 có 5 anh là Trịnh Cương, Trương Văn Minh, Nguyễn Hải, 2 người còn lại cùng mang tên Nguyễn Văn Tú. Sự thật thì vào thời điểm đó cả 5 anh đều ở độ tuổi từ 30 - 40 tuổi và đều chưa có gia đình. Nhưng 2 - 3 năm sau tất cả 5 người họ đều lần lượt có vợ hết cả. Bây giờ ai cũng đã có đứa bồng đứa bế. Nếu vì họ lớn tuổi mà nói họ ế vợ thì ác quá".
Chưa có vợ bởi vì... chưa lấy
Rồi ông Tân thú thật: "Cả thôn Hội An có cả thảy 12 tổ Đoàn kết với 392 hộ dân gồm 1559 nhân khẩu, nghề nghiệp chính là trồng rừng, còn lại thanh niên trong làng làm đủ nghề, ai kêu chi làm nấy. Cuộc sống tương đối khó khăn, hơn 30% hộ dân phải chạy ăn từng bữa. Bởi rứa, cũng dễ hiểu vì răng mà đàn ông trong làng tôi thường lập gia đình muộn. Phần vì hoàn cảnh không cho phép, phần vì ý muốn tậu được riêng cho mình "con trâu" trước khi lấy vợ. Cứ cố gắng rồi quá lứa lỡ thì khi mô không hay. Nhưng đó chỉ là thiểu số, một vài người mà thôi chứ không hề như lời bài báo viết là trên 80%".
Anh Hoài dẫn chúng tôi đi bộ men theo con đường làng, tiếp tục phải băng qua một cánh đồng mới đến được nhà anh Nguyễn Hải (38 tuổi, thôn Hội An), người được "vinh dự" lên mặt báo năm xưa. Nhắc lại chuyện cũ, anh Hải cười xòa: "Cái cô phóng viên nào cũng hay đáo để. Hôm đó là ngày mùa, mình đang gánh lúa từ ngoài đồng về nhà.
Bỗng có cô nhà báo đứng trước mặt giơ cái máy hình lên "cắc, bụp" một cái, mình tưởng là chụp ảnh nông dân mùa thu hoạch nên cũng cố gắng cười thật tươi. Ai dè mấy hôm nay, hình mình chình ình trên báo, thế là mình mang tiếng "trai ế" từ đó luôn...".
Ngạc nhiên, chúng tôi liền hỏi: "Thế anh ế thiệt hả?". Không ai bảo ai, anh Hải và anh Hoài cùng cười lăn: "Hôm mặt mình lên báo thì vợ mình (chị Nguyễn Thị Được-PV) đã về ở với mình được năm mùa lúa rồi, "ế" chi hay rứa mà ế...".
Ngồi trên xe trở về, lời nói của bác Tân, anh Hoài, anh Hải vẫn văng vẳng đâu đó trong tâm trí chúng tôi. Tự cười mình vì mấy mươi cái xuân xanh rồi vẫn còn "máu nghề", lặn lội cả trăm cây số tới thăm làng "ế vợ" để rồi lại chưng hửng trở về. Cũng tự dằn lòng không bẻ cong ngòi bút để rồi những người dân lương thiện bỗng chốc phải mang tiếng hàm oan...
Mong báo chí "rửa oan" cho làng
Anh Nguyễn Mai Hoài, Trưởng công an xã Tiên Châu, chia sẻ: "Đây thực sự là sự cố vô cùng đáng tiếc. Nhưng sai thì phải sửa, dù muộn cũng phải sửa. Xuân cũng đã về, tết cũng đã qua, hy vọng rằng sang năm mới làng Bộng Dầu sẽ không phải mang tiếng oan "ngôi làng ế vợ" nữa...".