Người dân 7 thôn ở Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) bức xúc khi thấy sư Thích Minh Phượng mang đôi thanh xà, bạch xà về để thờ cúng. Anh Phương, một người dân gần chùa cho biết: "Lệ làng không có chuyện thờ mãng xà, sư Phượng làm vậy là trái với lệ làng, lệ chùa. Nhiều người dân ý kiến thì ông ấy phớt lờ đi, thậm chí còn chửi rủa".
Đôi mãng xà được sư Phượng đem lên chùa Chân Long để thờ cúng.
Sư Phượng đem đôi mãng xà lên khu vực nhà Tổ của chùa Chân Long cúng bái từ vài năm nay. Sau khi bị nhân dân Chàng Sơn phát hiện, sư Phượng vẫn không hạ xuống, quá bức xúc, nhân dân đã báo cáo lên UBND xã, xã cùng đoàn công tác văn hóa đã xuống lập biên bản hiện trạng ngôi chùa Chân Long, đồng thời cùng nhân dân hạ mãng xà xuống nhà Tứ Ân.
"Ngày 16/5/2012, lãnh đạo xã và nhân dân tổ chức yên vị tượng phật tại chùa, đồng thời hạ đôi mãng xà xuống, vì nó trái với lệ làng, lệ chùa hàng trăm năm nay", ông Nguyễn Kim Toàn, phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn khẳng định.
Theo tín ngưỡng văn hóa Việt, mãng xà mang đậm tính chất đạo Mẫu, chủ yếu được đặt trong các ngôi đền hay đình làng. Tục thờ rắn mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Các đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống.