Sự ngang ngược khó chấp nhận của Trung Quốc trên biển Đông

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Trung Quốc ngang ngược đơn phương áp lệnh cấm đánh bắt cá, dùng chiến thuật "lấy thịt đè người" và có những phát ngôn vu khống trắng trợn.

Đơn phương áp lệnh cấm đánh bắt cá

Một trong những hành động ngang ngược của Trung Quốc những ngày qua là bắt đầu đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông trong hai tháng rưỡi. Lệnh cấm này bắt đầu từ trưa 16/5 đến ngày 1/8/2014.

Theo báo Tuổi Trẻ, từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, nơi Trung Quốc tự cho là thuộc chủ quyền của mình bất chấp phản ứng của Việt Nam, Philippines. Tháng 1/2014, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cũng đã đơn phương thực hiện "Luật ngư nghiệp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Theo đó, yêu cầu tàu nước ngoài đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý để đánh bắt cá hoặc thực hiện các hoạt động điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có liên quan thuộc Chính phủ Trung Quốc.

Có thể thấy, kể cả khi Trung Quốc chưa đơn phương áp lệnh cấm lần này, những ngư dân của ta khi đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đều gặp phải tình trạng bị cản trở, gây sức ép, cướp bóc, đòi tiền chuộc…

“Lấy thịt đè người” trên các vùng biển

Ngoài ra, sự bành trướng, ngang ngược còn thể hiện ở việc Trung Quốc “lấy thịt đè người” trên các vùng biển. Gần đây nhất, vào sáng 20/5, khi tàu cảnh sát biển 4032 của Việt Nam tiếp cận cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 6,4 hải lý liền bị 6 tàu Trung Quốc (mang các số hiệu 3401, 102, 21101, 32101, 46001, 37011) ngăn cản, tấn công một cách hung hăng.

Cũng trong ngày 20/5, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đã cơ động gần nhóm tàu cá vỏ gỗ của các ngư dân Việt Nam và sẵn sàng đâm va vào các tàu cá của ta. Ngoài ra, một số tàu cá vỏ sắt có trọng tải trên 300 tấn hoạt động cùng các tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc cũng tham gia ngăn cản hoạt động các tàu của Việt Nam.

Ngày 14/5, truyền thông trong nước cũng đưa tin, mỗi một tàu cảnh sát biển Việt Nam khi tiếp cận khu vực giàn khoan Hải Dương 981 thì lập tức sẽ bị 5 tàu Trung Quốc kèm sát, tấn công.

Thiết bị thông tin trên tàu Kiểm ngư HP 926 bị hỏng toàn bộ ngày 12/5. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày qua, Trung Quốc cũng liên tiếp sử dụng máy bay chiến đấu nhằm uy hiếp các tàu Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Ngoài máy bay tuần thám và máy bay cường kích, Trung Quốc còn sử dụng máy bay trực thăng Z-9 của Hải cảnh tham gia uy hiếp các tàu Việt Nam.

Phát ngôn ngang ngược

La Viện - thiếu tướng về hưu của quân đội Trung Quốc (hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Văn hóa Chiến lược Trung Quốc), một người nổi tiếng có quan điểm diều hâu vừa có những phát ngôn hung hăng, ngang ngược khó chấp nhận trên báo chí Trung Quốc. Ông này trắng trợn tuyên bố, Trung Quốc sẽ đưa cả trăm giàn khoan giống Hải Dương 981 ra biển Đông khai thác trong tương lai và thậm chí còn thách thức: “Liệu các nước khác có đưa tàu vào gây sự mãi được không?”.

La Viện còn lớn tiếng vu khống Việt Nam quấy rối giàn khoan Hải Dương 981 của nước này khi đang hoạt động “hợp pháp” và buộc tội Philippines bắt ngư dân Trung Quốc trong vùng biển của Trung Quốc. Trong khi trên thực tế, chính Trung Quốc mới là nước đi xâm phạm chủ quyền khi cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tàu cá Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

Nhận định về những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua, hãng tin Kyodo News dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice khẳng định, Trung Quốc sẽ bị cô lập tại khu vực và trên trường quốc tế vì những hành động hiếu chiến và khiêu khích trên biển Đông. Bà Rice cho biết, Mỹ đã khẳng định rất rõ ràng những hành động của Trung Quốc trên biển Đông là gây hấn và đe dọa. Bà kêu gọi Bắc Kinh giải quyết tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế nếu muốn được thừa nhận là một cường quốc.

Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thông tin với báo giới hôm 20/5: “Cho đến nay, khoảng 20 cuộc giao thiệp với phía Trung Quốc đã diễn ra. Tại đó, ta cương quyết đấu tranh, đòi phía Trung Quốc phải rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực. Đó là lập trường kiên quyết của chúng ta. Còn phía Trung Quốc cho đến nay họ vẫn duy trì giàn khoan và ngày càng tăng cường thêm số lượng tàu hộ tống tại khu vực này cho thấy họ vẫn ngoan cố không chịu rút”.

>>Xem thêm clip: Diễn biến trên vùng biển Hoàng Sa ngày 21/05/2014

(Nguồn VTV)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại