Từ sư giả
Tình cờ đi qua đường Võ Văn Kiệt (quận 5), chúng tôi thấy một người đàn ông khoảng 60 tuổi, thường gọi là "thầy Sáu", mặc áo màu nâu trông rất giống sư nhưng bộ dạng lôi thôi, tay băng bó, râu ria xồm xoàm, ngồi xin tiền trước cổng Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới. Có người đi ngang là ông ta lại rên rỉ: "Xin thí chủ cho ít tiền chữa bệnh. Nam mô a di đà Phật". Ai từ chối lập tức bị chửi lầm bầm trong miệng.
Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi đã vạch mặt được chân tướng vị sư giả này. Cứ tầm 6h30 sáng "thầy Sáu" lại bắt xe ôm tới cổng viện, tay cầm chiếc xô nhựa nhỏ. Vừa được bà bán vé số hỏi thăm, dù đang khoác lên mình chiếc áo nâu sồng nhưng "thầy" ăn nói rất bỗ bã: "Cũng đói chết em à! Chắc lấy vé số về vừa bán vừa xin may ra có tiền tiêu". Bà bán vé số cũng chẳng vừa, đáp lại: "Còn tôi thì tính chuyển qua ăn xin như ông đó, đã ngồi một chỗ khỏe re mà túi lại rủng rỉnh. Ông chỉ mất tiền mua cái áo nhà chùa chứ có bỏ vốn liếng gì đâu".
Trông bộ dạng thê thảm của "thầy", hàng ngày từ sáng đến trưa nhiều bệnh nhân đi qua cám cảnh rút hầu bao làm phước, có người sẵn sàng bố thí từ 100.000 - 200.000 đồng nên có hôm "thầy" kiếm được cả triệu. Tiến lại gần hỏi thăm, chúng tôi thấy tay phải của "thầy" quấn băng, bên cạnh có cuốn sổ khám bệnh bọc trong túi ni lông, ghi "Thích Quảng Lợi", địa chỉ ở quận 8, không thấy tu hành ở chùa nào. Hỏi thăm thì "thầy" tỏ vẻ thiểu não: "Tay ta bị cây gỗ đè trong một lần làm việc ở chùa, vết thương giờ nhiễm trùng mà chưa có tiền chữa".
Sáng 25/7, chúng tôi đứng từ xa quan sát suốt nhiều giờ liền thấy người đàn ông này không rời vị trí, mỗi khi mỏi chân lại duỗi ra thụt vào, lúc thì gà gật, cứ sau 10 phút lại lấy điện thoại ra xem. Tranh thủ vắng người, "thầy" nhìn quanh quất rồi trút xô tiền ra đếm, cẩn thận lựa những tờ chẵn cất vào túi, tiền lẻ bỏ lại vào xô. Khoảng 9h sáng thấy một phụ nữ trung niên đi qua, bất ngờ "thầy" buông lời chọc ghẹo. Bất bình, anh xe ôm đứng gần đó quát liền bị "thầy" trừng mắt xổ một tràng tục tĩu.
Trưa cùng ngày, thấy vãn người, "thầy Sáu" vội leo tót lên xe ôm trở về. Mỗi lần di chuyển ông ta lại bảo tài xế lượn qua các con hẻm ở quận 5, rẽ các tuyến Cao Đạt - Trần Bình Trọng - Trần Hưng Đạo rồi mới vòng ngược lại đường Trần Phú hòng tránh có người theo dõi. Vừa đến góc Trần Bình Trọng - Trần Phú, "thầy" bảo anh xe ôm dừng lại và tự đi bộ về, được vài chục mét bất ngờ "thầy" rẽ vào hẻm 85 Trần Phú rồi ghé qua một phòng trọ ngồi bắt chuyện, mắt đảo liên tục xem có ai theo mình không rồi mới về phòng.
Hỏi thăm một chị gần chỗ trọ của "thầy Sáu", chúng tôi được biết: "Ông ta không phải sư sãi gì đâu, hàng ngày chỉ giả nhà sư đi xin tiền. Chừng 5 tháng nay đến thuê trọ ở đây, mỗi tháng hơn triệu mà vẫn trả đều đều".
"Ca" hai của "thầy" bắt đầu lúc 5h chiều, đón xe ôm đến cầu Chữ Y (quận 8) rồi đi bộ tìm chỗ mát, sử dụng chiêu cũ, khoảng 10 giờ tối lại vi vu xe ôm về phòng trọ, kết thúc một ngày "ăn nên làm ra" của mình.
Đến vào vai bệnh nhân
Mặc dù chẳng đau ốm gì nhưng hàng ngày vẫn có một số kẻ lừa đảo lui tới các bệnh viện (BV) để vật vờ xin tiền chữa bệnh. Gần đây, nhiều người phản ánh tại BV Ung bướu (Q.Bình Thạnh) xuất hiện một phụ nữ trung niên chừng 55 tuổi, thân hình to béo, đầu trọc, lê la một chỗ vờ không đi được để xin tiền.
Khoảng 7h30 hàng ngày, đối tượng tay cầm bịch thuốc và sổ khám bệnh, chân mang dép lê cuốc bộ tới cổng BV bắt đầu than nghèo kể khổ từ quê lên chữa bệnh nhưng hết tiền. Vị trí đầu tiên của bà ta là dưới chân cầu bộ hành, phía cổng chính - nơi có lượng người qua lại đông. Nhiều người không biết, cám cảnh san sẻ ngay và còn động viên "người bệnh" tội nghiệp.
Được một lúc, bà này ngồi phắt dậy khệnh khạng thẳng hướng vào cổng viện, tiếp tục màn kể lể lừa thiên hạ. Quan sát cả buổi sáng, chúng tôi thấy túi đối tượng cũng rủng rỉnh khoảng vài trăm ngàn đồng. Đến trưa, "con bệnh" lại xin cơm từ thiện rồi dạt về một góc tường vừa ăn vừa xin.
Những người làm nghề xe ôm trước cổng viện cho biết người phụ nữ này hoạt động ở đây đã gần ba năm, chuyên giả bệnh nhân để xin tiền, kiếm được chút nào là tranh thủ đi đánh đề ngay. "Bà ta chơi với đám nghiện ma túy ở đây nên chẳng ai dám báo công an", họ cho biết.
Đến 3h chiều, đối tượng rẽ về căn phòng trọ cách đó chừng 1,5km, trong con hẻm tại P7Q.Bình Thạnh. Qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện tại khu vực quận 1 xuất hiện người đàn ông trung niên thường dắt chiếc xe máy cũ, BS: 51F9-519... giả hết xăng để xin tiền về quê. Được biết đây là con nghiện thường lân la hút chích dưới chân cầu Ông Lãnh (quận 4). "Bây giờ thật giả lẫn lộn, người dân nên cảnh giác để khỏi dính vào chiêu lừa của bọn xấu", một phụ nữ bán giải khát trước BV Ung bướu nhắc nhở.
Rất mong các ngành chức năng phối hợp làm rõ các trường hợp trên, đồng thời có biện pháp giáo dục răn đe, không thể để các đối tượng lợi dụng lòng tốt của thiên hạ nhằm trục lợi cho bản thân.
>> Xem thêm clip: Giả tật nguyền đi ăn xin (Nguồn: Tuổi Trẻ)
Giả tật nguyền đi ăn xin (Nguồn: Tuổi Trẻ)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA