> Kỳ 1: Vụ án 18 phu vàng rúng động Quảng Nam: Tìm lại nhân chứng
> Kỳ 2: Bí mật mỏ vàng huyện Giằng và sự tàn độc của nhóm cướp cạn
> Kỳ 3: Cái chết thảm của 18 phu vàng và sự trốn thoát kỳ diệu
LTS: Để thay đổi những tập tục lạc hậu của một số đồng bào dân tộc thiểu số, là hành trình đầy nỗ lực và gian khó, của các cấp chính quyền.
Kể lại câu chuyện rúng động ở Quảng Nam mấy chục năm về trước, để thấy ngày hôm nay, những vùng sâu, xa đã có những bước tiến dài như thế nào cả về vật chất lẫn tinh thần.
Sống trong sợ hãi
Ông Kriêng Hiền kể, sau khi hành quyết các phu vàng trên, kiểm đếm lại thì mọi người mới tá hỏa khi thấy thiếu mất một người.
Túa đi các hướng để kiếm tìm, huy động cả những con chó săn thiện nghệ nhưng cuộc tìm kiếm “kẻ chạy trốn” ấy vẫn không có kết quả.
Sau vài ngày đêm tìm kiếm mà không thấy tăm hơn nhân vật thứ 19 kia đâu thì đám chiến binh ấy mới mệt mỏi kéo về làng. Và cũng khi ấy, khi cơn giận vơi đi thì nỗi sợ hãi lại chình ình ập tới.
Ngày trước, cứ sau mỗi vụ “đòi nợ đầu” thì việc đầu tiên mà người Cơ Tu làm là chuẩn bị phòng vệ để chờ đối phương tới trả thù. Khi đó, họ rào lại làng, đặt chông, làm bẫy để ngăn bước người trả thù.
Ấy là chuyện của những ngày sống trong hoang dã khi mà người Cơ Tu chưa có chính quyền. Còn bây giờ, theo lời kể của ông Kriêng Hiền, về đến làng là tất thảy mọi người phải “sống trong sợ hãi”.
Khi đó, mọi người mới nghĩ là việc mình làm là tội ác tày trời, tội ác ấy sẽ bị pháp luật xử lý.
“Ngày trước, sau vụ săn máu, nếu sợ, nếu biết không chống được thì chúng tôi sẽ dọn làng đi nơi khác để tránh sự truy sát của kẻ thù. Nhưng có chính quyền rồi thì không trốn đi đâu được nữa vì biết trốn đi đâu cũng bị công an tới bắt mà”, ông Tría hồi tưởng.
Theo ông Kriêng Hiền, quá sợ hãi, nhiều người sau khi đã nổ súng, đã biệt tích vào rừng ngay sáng hôm sau. Tuy nhiên, cũng chỉ hơn tháng sau, họ đều bị bắt giữ hoặc được gia đình động viên tới đồn công an đầu thú.
Ông Kriêng Hiền bảo, sau khi sát hại 18 phu vàng ông đã vô cùng sợ hãi.
Ông Hiền cũng bị bắt chừng một tháng sau vụ thảm sát. Ông Hiền bảo, khi bị bắt ông còn thấy đỡ sợ hơn chứ ở nhà, người này nói thế này, người kia nói thế kia, không đêm nào ông yên giấc.
Ông bảo, cứ khi vừa chợp mắt, ông lại thấy các phu vàng hiện đến đòi đầu.
Ông Hiền bị xử tù 3 năm rưỡi. Ông bị giam ở trại giam An Điền (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Tuy nhiên, trong quá trình giam giữ, ông lại vi phạm kỷ luật nên bị phạt tù thêm 6 tháng nữa.
Chuyện ông Hiền vi phạm kỷ luật rồi bị phạt tù thêm cũng rất buồn cười. Hôm đó, trại tổ chức lao động ngoài trời. Tới trưa, mọi người được đưa về trại. Ngang qua sông, thấy trời nóng bức, chẳng nói chẳng rằng, ông bất ngờ lao tùm xuống sông.
Khi ấy, mọi người đã tưởng ông tự tử chứ chẳng ai nghĩ ông lao xuống sông cho tan cơn nóng. Việc làm ngớ ngẩn đó đã khiến ông phải cộng thêm 6 tháng vào án tù của mình.
Khi bị bắt, ông Hiền có 2 người con. Ra tù, ông Hiền đẻ thêm 2 người con nữa. Nhà vốn nghèo lại thêm mặc cảm tội lỗi khiến cuộc sống gia đình ông túng bấn.
“Không có hủ tục lạc hậu kia, không vướng vào vụ án kinh hãi đó thì gia đình tôi đã khác rồi”, ông Hiền tiếc nuối.
Đền tội
Theo ông Kriêng Diệu, Trưởng Công an xã Tà Pơơ, sau thảm án khủng khiếp trên, nhiều người tham gia hành quyết các phu vàng đã đưa vợ con bỏ trốn vào rừng. Lực lượng chức năng đã phải mất cả tháng trời vận động, khuyên giải thì những người này mới dám ra đầu thú.
Cùng thời gian đó, những kẻ thật sự gây ra cái chết của thầy giáo A Lung Nờ cũng lần lượt bị bắt giữ. Cầm đầu toán cướp này là Hồ Văn Dũng, quê ở Đại Lộc, Quảng Nam.
Tại cơ quan công an, Dũng đã khai nhận, bởi thấy nhóm người của anh Nờ tìm được nhiều vàng, giữa rừng hoang quạnh quẽ, hắn và đồng bọn đã ra tay giết người cướp của.
Đúng nửa năm sau, phiên tòa xét xử những tội nhân Cơ Tu được mở ngay tại trung tâm huyện Giằng (Nam Giang bây giờ). Theo ông A Lung Tría, có hơn 30 người tham gia bắt giữ các phu vàng nhưng chỉ những người trực tiếp nổ súng giết người mới phải chịu án tù.
Sở dĩ có sự nương tay đó, theo ông Kriêng Diệu, Trưởng Công an xã Tà Pơơ, thì pháp luật đã châm chước, đã xét đến tình huống các bị cáo không am hiểu pháp luật, thực hiện tội ác theo phong tục, tập quán mông muội của mình.
Trong số 10 bị cáo bị phạt án tù thì ông A Lung Tría bị án nặng nhất là 15 năm tù. Ông Kriêng Hiền bị án nhẹ nhất, án là 42 tháng.
Trong vụ án này, em trai ông Tría là ông A Lung Trồng cũng phải chấp hành án tù là 10 năm. Tất cả đều bị giam giữ tại trại giam An Điền (huyện Đại Lộc, Quảng Nam).
Ngay sau phiên xét xử này thì Hồ Văn Dũng và đồng bọn cũng phải ra tòa. Với tội ác mà mình đã gây ra, Dũng đã phải chịu án 20 năm tù giam.
Biệt tích kỳ lạ
Ông Tría bảo, ở tù, ông đã vô cùng ân hận trước tội ác của mình đã gây ra. Nỗi ân hận trên đã khiến ông nhiều đêm thức trắng.
Khi ở tù, ông đã ao ước rằng, sau này được tự do, nếu có thể ông sẽ tìm lại người may mắn thoát khỏi họng súng của ông và các chiến binh của làng để nói lời xin lỗi và thắp cho những nạn nhân chết oan một nén nhang tạ tội.
Tuy nhiên, đến tận bây giờ, mong muốn của ông Tría vẫn chưa thể thực hiện.
Tuổi cao, sự sống của ông Tría đã như đèn trước gió. Đường xá xa xôi, lại thêm mặc cảm tội lỗi cứ canh cánh trong lòng nên ông không thể thực hiện mong muốn đó.
Ngày mới ra tù, năm 1999 (ông Tría được ân xá ra tù trước thời hạn 3 năm), sức khỏe còn, dò la mấy lần nhưng ông Tría không thể tìm ra tung tích “kẻ thứ 19”, anh Nguyễn Văn Hòa, người may mắn thoát chết.
Sau vụ thảm sát, không ai có thể tìm thấy ông Hòa, người may mắn sống sót.
Mọi người chỉ biết anh Hòa quê ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam) chứ địa chỉ cụ thể thế nào thì không ai rõ.
Quả như những gì ông Tría nói, sau này, khi tìm nạn nhân may mắn ấy, ngay cả cánh báo chí giỏi mò mẫm ấy cũng bó tay. Lục tung cả đất Tiên Phước nhưng không ai biết Nguyễn Văn Hòa là ai, ở đâu.
Có dạo cất công tìm kiếm cánh báo chí ở Quảng Nam- Đà Nẵng đã nhận được nguồn tin là sau vụ tàn sát thảm khốc trên có người đã thấy ông Hòa xuất hiện ở một bãi vàng ở chính huyện Giằng. Chính thông tin này đã khiến mọi người dấy lên một hồ nghi kinh hãi.
Khi ấy, mọi người đã đồn thổi rằng, ông Hòa cũng đã bị những người Cơ Tu sát hại. Mọi người mông muội suy luận rằng ông Hòa may mắn thoát khỏi cuộc hành quyết hôm ấy nhưng sẽ bị săn đuổi cả đời.
(Còn nữa)