Bởi có lẽ, hàng ngày, khách hàng mà họ thường phục vụ là “tập đoàn” người thân của các cô dâu Việt may mắn “trúng tuyển”.
9h đêm, khu phố huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) chìm trong màn sương dày đặc do ảnh hưởng từ đợt không khí lạnh tăng cường. Trời rét đậm, dưới 100C. Trên đường quốc lộ 10 chỉ còn ánh điện phát ra từ các quán cà phê đèn mờ và những tấm đèn led trưng biển quảng cáo của nhà nghỉ. Nhìn bên ngoài, người ta dễ nhầm tưởng khu phố huyện này đang chìm trong một giấc ngủ êm đềm. Nhưng bên trong cái sự im lìm giả tạo đó là không khí hối hả, náo nhiệt của những kẻ làm giàu bằng nghề “môi giới” lấy chồng Hàn.
Rồng rắn rủ nhau vào “lò” thi tuyển “Hàn phu”
Vừa chân ướt chân ráo xuống đất Cảng, tôi đã nhận được cuộc điện thoại của Long “trâu”, một người bạn từ hồi học đại học ở Hà Nội. Chẳng biết, qua kênh thông tin nào, Long biết chúng tôi có chuyến công tác dài ngày ở phố huyện Thủy Nguyên. Tôi vừa bắt máy, không trình bày nhiều, hắn hẹn 8h tối sẽ xuống tận khách sạn chúng tôi đang nghỉ để đón đi “bão đêm” cho khuây khỏa. Biết không thể từ chối, tôi và cô bạn đồng nghiệp đành đồng ý. Đúng 8h, tiếng còi xe của Long “trâu” đã vang cả sảnh khách sạn. Trời rét đậm, chúng tôi phải quấn đến mấy lớp khăn, áo để cùng hắn đi khám phá “miền đất dữ” Thủy Nguyên.
Mới 8h tối, dọc tuyến quốc lộ 10 ngoằn ngoèo từ các xã lên thị trấn Núi Đèo im ắng đến lạ thường. Long cho xe chạy thong dong trên đường để tìm một nhà hàng còn sáng điện. Sau khi suy nghĩ một hồi để tìm “đặc sản” thiết đãi người bạn hơn một năm mới gặp lại, Long mới “à” lên một tiếng rồi nhấn ga lao vút về phía trước.
Vừa đạp ga, hắn nói với chúng tôi bằng cái giọng đầy ẩn ý: “Tôi sẽ đưa bạn đến một nhà hàng vừa có thể ăn uống vừa được xem “chợ người, chợ tình” miễn phí. “Chợ tình” vùng cao chỉ mùa xuân mới họp nhưng ở Thủy Nguyên thì họp đủ bốn mùa”. Tuy nhiên, ông bạn lưu ý tôi, đến đây chỉ xem cho biết thôi. Đừng thấy lạ, “ngứa nghề”, quay phim chụp ảnh mà “ăn đòn” đấy. Làm liều, đồng nghĩa với việc rước họa vào thân. Câu nói của Long khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng tò mò.
Xe lao vun vút trên con đường vắng lặng rồi đỗ xịch lại trước cửa nhà hàng Th.V. (xã Ngũ Lão) có mặt tiền rộng thênh thang, còn trưng biển phục vụ. Theo lời Long, ở phố huyện này, đây là một trong số ít nhà hàng còn giữ được lượng khách lớn trong thời buổi kinh tế èo uột đến thảm hại. Tuy nhiên, họ vẫn “sống”, thậm chí là “sống khỏe” không phải vì nức tiếng với món ăn ngon, cách phục vụ chuyên nghiệp hay chế độ ưu đãi này nọ... mà ông chủ cửa hàng có những “thượng đế” đặc biệt. Chúng tôi gặng hỏi, Long bật mí: “Khách hàng thân thiết của họ chính là những người trong “đường dây” môi giới lấy chồng Hàn Quốc và người nhà của các cô dâu. Nhiều năm qua, nguồn sống của nhà hàng này đều dựa vào những đồng tiền của “các ông rể” đến từ đất nước Kim Chi. Chứ bình thường, khách đến đây ăn uống thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Đúng như lời Long “trâu” nói, thấy chúng tôi, những vị khách lạ vào quán, các nhân viên ở đây đều trố mắt lên nhìn. Bởi có lẽ, hàng ngày, khách hàng mà họ thường phục vụ là “tập đoàn” người thân của các cô dâu Việt may mắn “trúng tuyển”. Đi kèm với gia đình cô dâu là một chàng rể người Hàn Quốc. Sau mỗi bữa ăn, rể thường có trách nhiệm thanh toán tiền.
Lúc chúng tôi bước vào quán đã thấy hai chiếc ô tô mang biển kiểm soát Hà Nội đỗ trong khuôn viên nhà hàng. Long quả quyết: “Đó là những chiếc xe chở rể Hàn về đây “tuyển vợ” đấy. Bên trong căn biệt thự sang trọng lúc nào cũng chỉ thắp thứ ánh sáng nhờ nhờ kia, họ đang tổ chức mai mối lấy chồng xuyên biên giới như tuyển hoa hậu hoàn vũ vậy. Sáng tuyển, trưa tuyển, chiều tuyển, tối họ cũng tổ chức tuyển. Chỉ cần nghe tin có rể Hàn về, bọn “cò mồi” lại gọi điện cho các thiếu nữ trang điểm lòe loẹt, ăn vận lướt thướt rồng rắn rủ nhau đến ra mắt, tìm kiếm vận may. 10 năm qua, mảnh đất Thủy Nguyên được coi là “vựa cô dâu” của bọn đàn ông nghèo không đủ tiền cưới vợ ở Hàn Quốc, Đài Loan”.
Sự thật về “một giao dịch thành công”
Theo quan sát của PV báo Đời sống và pháp luật, căn biệt thự ba tầng được ngăn cách với nhà hàng bằng khu hàng rào sắt cao hơn 2m. Cánh cửa cổng bằng sắt lúc nào cũng im ỉm đóng và có sự giám sát chặt chẽ của một người đàn ông trung niên. Sau này chúng tôi mới biết, “lính gác cửa” không phải ai khác mà chính là ông chủ nhà hàng.
Qua những khe cửa sắt, những cái đầu đen sì sì đang lúi húi trò chuyện với nhau như tiếng thầy đồng cúng bái rầm rầm. Thỉnh thoảng cánh cửa gỗ của căn biệt thự lại mở, ba cô gái thẫn thờ bước ra với trạng thái mệt mỏi, thất vọng. Chỉ chờ có thế, ba cô gái ở ngoài đứng phắt dậy háo hức chạy vào. Long hất hàm bảo tôi: “Những đứa đi ra ngoài với khuôn mặt như “đâm lê” là đối tượng bị bọn trai Hàn nó chê. Cứ ba cô vào một lượt để phỏng vấn, xem dáng. Đến khi nào rể Hàn nó ưng ý thì “cắp” nhau đi nhà nghỉ luôn. Có đứa vào phát “ăn” ngay nhưng có em thì đi tuyển “chai mặt” vẫn ra về tay trắng”.
Cận cảnh "chợ tình" trong căn biệt thự của nhà hàng Th.V.
Câu chuyện của Long với chúng tôi bị đứt quãng bởi ánh đèn chói mắt của một chiếc ô tô 14 chỗ, chạy từ từ vào quán. Khi cửa xe vừa mở, từ cửa trước, một người đàn ông trung niên Hàn Quốc bước xuống, rút điện thoại ra xì xà xì xồ vài câu gì đó, rồi cười sảng khoái. Từ cửa sau, một cô gái mặt “đắp” phấn trắng bệch cùng với một đám người với đầy đủ nam, phụ, lão, ấu rảo bước tiến về phía bàn ăn. Long nháy mắt bảo chúng tôi: “Cô gái này chắc chắn vừa “trúng tuyển” rể Hàn ngày hôm nay.
Sau khi “hạ gục” được hàng chục các cô gái khác để được chọn, cô gái sẽ gọi điện cho gia đình mình thông báo đại hỷ. Người thân của cô dâu lập tức thuê xe rồng rắn nhau lên đây để chuẩn bị tổ chức đám cưới. Những người đi theo kia là mẹ, anh em họ hàng nhà cô dâu. Sau bữa tiệc đó, người thân phải tự chủ động ra về và cô dâu chú rể rủ nhau đi nhà nghỉ “tâm sự”. Nói là “hợp đồng” hôn nhân như cậu bạn tôi cũng đúng. Bởi lẽ, hôn nhân của họ hoàn toàn không có tình yêu mà đơn thuần chỉ là cuộc trao đổi không hơn không kém. Kẻ được vợ, người có được cơ hội đổi đời.
Các nhân viên nhà hàng, xếp bàn ăn cơm của gia đình cô dâu Việt và chú rể người Hàn Quốc ngay cạnh bàn chúng tôi. Từ lúc vào, mẹ cô dâu nói không ngớt lời, miệng cười nhoen nhoẻn như đang sung sướng lắm. Cũng đúng thôi, bởi trong suy nghĩ của họ, một cô gái lấy chồng nước ngoài cũng giống như món quà, cơ hội đổi đời đang từ trên trời rơi xuống gia đình. Cô dâu thản nhiên chụp ảnh lưu niệm với người nhà của mình như thể vừa chiến thắng trong một cuộc thi hoa hậu. Ngồi ăn uống được hơn một giờ đồng hồ, gã rể Hàn đứng dậy thanh toán tiền rồi gọi taxi đưa cô dâu vào nhà nghỉ. Đám người thân của cô gái rồng rắn kéo nhau lên chiếc xe 14 chỗ chờ sẵn ra về trong sự hả hê và một viễn cảnh đổi đời.
10h đêm, khi ngoài đường vắng hẳn tiếng xe, đám đông trong căn biệt thự mới bắt đầu ra về. Những chiếc xe con chở rể Hàn Quốc nối đuôi nhau chạy ra khỏi nhà hàng. Ở đằng sau, các cô gái không may mắn trong “phiên chợ tình” đêm nay nhìn theo với ánh mắt tiếc nuối. Đợi chiếc xe chở trai Hàn đi khuất, họ cũng đứng dậy hò hét nhau ra về.
Kỳ tới: Chạm mặt và bóc mẽ những mánh lới của "siêu cò" chuyên ký sinh trên thân xác cô dâu Việt.