“Sóng ngầm” ở bến xe khách hiện đại nhất miền Bắc

PVĐT |

Với giá trị đầu tư lên tới gần 150 tỷ đồng, bến xe khách Trung tâm Lào Cai từng được kỳ vọng là điểm sáng giao thông, góp phần thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch đang thời khởi sắc của tỉnh nhà. Thế nhưng, sau nửa năm đi vào hoạt động, bến xe khách được cho là hiện đại nhất miền Bắc này lại đang lâm cảnh chợ chiều ế ẩm. Mặc dù sở GTVT Lào Cai đã lao tâm khổ tứ, nghĩ đủ cách để khuyến khích các doanh nghiệp vận tải về bến nhưng kết quả nhận được chỉ là những cái lắc đầu giận dữ…

Nhất loạt phản đối về bến mới

Nhiều tháng trở lại đây, câu chuyện bến mới – bến cũ không chỉ khiến các doanh nghiệp vận tải cũng như giới chức Lào Cai đau đầu mà còn thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận địa phương.

Lợi hại của việc di chuyển cả một bến xe cũ đang ổn định, sang vị trí mới cách tới 12 km vốn đã nóng rẫy, mới đây lại được sở GTVT Lào Cai “thêm dầu vào lửa” khi bất ngờ ra “tối hậu thư” yêu cầu toàn bộ các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động ở bến xe Phố Mới (bến xe cũ) nội trong 2 tháng (từ 1/6 – 1/8) phải chuyển sang hoạt động ở bến xe Trung tâm Lào Cai (bến xe mới).

Lập tức, chủ trương này đã vấp phải những phản ứng quyết liệt không ngoài dự đoán.

45 doanh nghiệp vận tải đã nhất loạt ký vào lá đơn phản đối việc di chuyển đường đột và có phần khiên cưỡng, khiến sở GTVT tỉnh chỉ trong chưa đầy nửa tháng, đã phải 2 lần triệu tập các cuộc đối thoại bất thường.

Gần đây nhất, tại cuộc đối thoại lần hai với các doanh nghiệp vận tải ngày 13/6, ông Nguyễn Trọng Hài – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho biết:

“Việc di chuyển bến xe Phố Mới sang bến xe Trung tâm nằm trong quy hoạch phát triển chung của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 - 2030.

Theo đó, hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh vận tải liên tỉnh đi qua bến xe Phố Mới phải bắt buộc chuyển về bến xe Trung tâm trước ngày 01/8/2015”.

Các doanh nghiệp lo lắng việc di chuyển bến xe sang địa điểm cách đó 12km sẽ không có khách

Theo vị Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai, bến xe cũ sẽ được quy hoạch thành Trung tâm văn hóa tiểu vùng sông Mê Công nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Sở GTVT tỉnh Lào Cai với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Do vậy, việc di chuyển bến xe cần được triển khai sớm để đảm bảo lộ trình phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những biện giải của ông Hài không làm an lòng những doanh nghiệp đã kinh doanh ở đây hàng chục năm, kể từ khi đường lên Lào Cai còn vô cùng khó khăn chứ không được to đẹp như bây giờ.

Ông Đậu Xuân Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội phát biểu: “Việc quy hoạch mà Sở GTVT tỉnh Lào Cai đưa ra chưa thuyết phục và khó thể đồng thuận.

Ít nhất cần phải lộ trình cho doanh nghiệp lựa chọn chứ không thể chỉ thông báo sau hai tháng “ép” doanh nghiệp phải thực hiện ngay được.

Đó là chưa kể việc chọn điểm làm bến xe mới sai vị trí, gây lãng phí ngân sách nhà nước và người dân bị “móc túi” khi phải trả thêm một khoản tiền nữa để di chuyển đến bến mới đi xe”.

Hầu hết các doanh nghiệp có mặt tại buổi đối thoại đều có chung nhận định, bến xe mới nằm ở vị trí quá tách biệt với khu dân cư.

Do đó, nếu buộc phải về kinh doanh tại đây thì chẳng khác nào dồn doanh nghiệp của họ vào thế khó, thậm chí phá sản khi phải thay đổi hàng loạt các lộ trình.

Ông Trần Phương, chủ một doanh nghiệp khai thác tuyến xe khách liên tỉnh đi qua địa phận tỉnh Lào Cai bức xúc nói:

“Doanh nghiệp chúng tôi vừa đầu tư hàng chục tỉ đồng từ việc sắm thêm phương tiện, nhân lực để khai thác, mở rộng luồng tuyến qua bến Phố mới thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.

Giờ chuyển đổi sang bến xe Trung Tâm cách bến xe đang hoạt động ở TP. Lào Cai 12km buộc chúng tôi cùng lúc phải thay đổi lộ trình.

“Việc thay đổi bến bãi trên còn khiến hàng loạt các hợp đồng của doanh nghiệp với bến bãi cũ như:

Điểm dừng đỗ xe, chỗ ăn, nghỉ cho nhân viên…sẽ phải phá hợp đồng trước thời hạn, lúc đó ai là người chịu tổn thất cho chúng tôi”, ông Phương chia sẻ.

Cùng chung nhận định, ông Ngô Đức Lán (doanh nghiệp vận tải huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cho biết: “Việc thay đổi bến bãi như phía Sở GTVT tỉnh Lào Cai là bất hợp lý.

Bởi vì, không chỉ doanh nghiệp của ông mà hàng chục doanh nghiệp khác điêu đứng vì lượng khách sẽ sụt giảm đáng kể so với lộ trình như hiện nay”.

Trong khi đó, một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp đưa ra là khi chuyển ra bến xe Trung tâm thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần vận tải du lịch Hà Sơn (doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn tỉnh Lào Cai) sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp còn lại.

Chính vì điều này khiến cho chúng tôi đặt nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong công tác quy hoạch từ phía Sở GTVT tỉnh Lào Cai.

“Sóng ngầm” ở bến xe

Không chỉ phía các doanh nghiệp chịu tổn thất mà ngay bản thân người dân cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi di chuyển do phải đi thêm khoảng 12km nữa mới đến được bến xe mới.

“Mặt khác, các du khách muốn đến thăm quan Lào Cai cũng sẽ phải lựa chọn thêm 1 loại hình giao thông khác nếu muốn đến các địa điểm tham quan.

Chính điều này sẽ khiến cho hệ thống giao thông xáo trộn”, ông Lán nêu quan điểm.

Bến xe trung tâm Lào Cai đang lâm cảnh ế ẩm sau nửa năm đưa vào khai thác vì bị chê là quá xa trung tâm.

Phía doanh nghiệp vận tải đến từ Yên Bái, ông Phạm Duy Đốc cho biết:

“Việc quy hoạch của tỉnh Lào Cai đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải lớn của tỉnh độc quyền, đẩy doanh nghiệp khai thác vận tải của các tỉnh khác đến vực phá sản.

Tôi cho rằng không thể vì lợi ích của một doanh nghiệp, một nhóm người nào đó mà có sự thay đổi bất hợp lý như vậy”.

Sau cuộc đối thoại lần hai, phía đại diện 45 doanh nghiệp vận tải liên tỉnh có luồng tuyến khai thác tại Lào Cai và Sở GTVT tỉnh Lào Cai vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Được biết, bến xe Phố Mới (TP.Lào Cai) có diện tích trên 10.000m2, với tần suất ra-vào bến khoảng 700 lượt xe/ngày.

Nhưng hiện tại mỗi ngày bến này chỉ có khoảng 170 xe ra-vào (chiếm 25% công suất khai thác).

Ngoài ra, bến được xây dựng tại một vị trí thuận lợi, có hạ tầng giao thông thông thoáng, đối diện với ga Lào Cai và gần khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự và sự đi lại của người dân địa phương.

Việc thay đổi bến mới cũng làm đảo lộn quy trình quản lý của doanh nghiệp như:

Phải xin phép mở tuyến mới, xin cấp phù hiệu mới, ký hợp đồng mới, xin phê duyệt lại giá cước, in lại vé ghi rõ bến đến - bến đi, thay đổi thiết bị giám sát hành trình…

Trong khi đó, theo quy định của Bộ GTVT, khi điều chuyển luồng tuyến, bến đi - bến đến, các sở GTVT phải thông báo ít nhất trước 24 tháng để các DN lựa chọn, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính dẫn đến DN mất ổn định…

Còn bến xe Trung tâm Lào Cai thì mới được khánh thành và khai thác từ tháng 12/2014 theo mô hình xã hội hóa với quy mô gần 150 tỷ đồng.

Được quảng cáo là to đẹp và hiện đại nhất miền Bắc.

Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp vận tải là do đặt ở vị trí quá xa trung tâm thành phố nên bị chê và không doanh nghiệp nào muốn đưa xe vào bến, dẫn đến tình trạng đìu hiu ế ẩm.

Bản thân các đầu xe của doanh nghiệp Hà Sơn cũng vẫn đang khai thác ở bến xe Phố Mới chứ cũng không dám hoạt động tại bến của mình.

Cũng liên quan đến câu chuyện đang vẫn còn rất nóng bỏng này, trao đổi riêng với PV bên lề cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Trọng Hài - giám đốc sở GTVT tỉnh Lào Cai cho biết, khó có thể thực hiện được chủ trương định sẵn, tức là di chuyển các doanh nghiệp vận tải về bến xe khách trung tâm trước ngày 1/8/2015.

"Sẽ cần thêm đối thoại để tiếp tục tháo gỡ những băn khoăn lo lắng của doanh nghiệp. Trước mắt chúng tôi sẽ kéo dãn thời gian di dời.

Còn cụ thể là thời điểm nào thì sẽ phải có buổi đối thoại khác nữa để thống nhất", ông Hài nói. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về diễn biến sự việc đến độc giả!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại