Theo ông, Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex (chuyên gia về an toàn cháy nổ xăng dầu), khi bật điện thoại lúc có cuộc gọi sẽ gây ra hiện tượng đoản mạch, tạo ra tia lửa điện. Nếu không may xung quanh chỗ người sử dụng có nồng độ xăng dầu đủ lớn để phát hỏa thì sẽ kết hợp với tia lửa điện từ điện thoại gây ra cháy.
Trong khi trên thị trường Việt Nam, thiết bị điện thoại lậu, không chính hãng là rất nhiều, do đó nhiều khi không đảm bảo an toàn về mạch và pin. Cùng với đó là một số tính năng mở rộng của điện thoại liên quan đến đèn flash cũng gây ra cháy khi tiếp xúc với khu vực có nồng độ xăng, dầu lớn.
Sóng điện thoại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Huỳnh Quyền- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh), cũng khẳng định, hiện trên thế giới, trong tất cả các cơ sở nhà máy lọc hóa dầu đều thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại di động để đề phòng nguy cơ cháy nổ. Khi có sóng điện thoại, nguồn nhiệt phát sinh từ điện thoại rất lớn, có thể gây chập mạch dẫn đến phát sinh tia lửa điện. Khi đó, tại các vòi bơm xăng nếu có rò rỉ sẽ rất dễ gây ra nguy cơ cháy nổ. Dù trên thế giới chưa có kết luận cuối cùng về việc sóng điện thoại có khả năng gây cháy nổ tại các trạm xăng hay không, cũng như thực tế ở Việt Nam có rất ít các vụ cháy nổ do sóng điện thoại gây ra, song để đảm bảo tính mạng cho người dân thì không thể chủ quan.
Trả lời câu hỏi, sử dụng điện thoại trong bán kính bao nhiêu thì gây nguy hiểm tại các trạm xăng? TS Quyền nhận định: “Hiện chưa có khảo sát để đưa ra con số chính xác về khoảng cách an toàn giữa vị trí cây xăng với người sử dụng điện thoại. Các con số 3m, 5m chỉ là các con số ước lượng. Muốn tìm ra bán kính an toàn thì phải khảo sát kỹ nồng độ xăng dầu bốc hơi trong không khí ở từng cây xăng”.
Theo Dantri