Sơn La hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Toàn tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5 huyện nghèo thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ (Chương trình 30a).
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng năm 2015 của UBND tỉnh Sơn La, tổng thu ngân sách Nhà nước 4.674 tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm, chi ngân sách là 4.674 tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm.
Danh sách các huyện nằm trong diện nghèo là huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp, Bắc Yên, Phù Yên. Các huyện nghèo có 78 xã với hơn 1.000 bản, tiểu khu trong đó có 415 bản đặc biệt khó khăn.
Trong năm 2015, tổng nguồn vốn UBND tỉnh Sơn La giao cho 5 huyện nghèo thực hiện chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết số 30a là gần 190 tỷ đồng.
Những số liệu nói trên đã được UBND tỉnh Sơn La báo cáo tại Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ vào giữa tháng 7/2015.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng năm 2015 của UBND tỉnh Sơn La, dù đánh giá “đời sống dân cư nông thôn được cải thiện” nhưng UBND tỉnh Sơn La cũng thừa nhận là đời sống người dân “thiếu tính bền vững, tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn xảy ra”.
"Tình trạng thiếu đói giáp hạt xuất hiện sớm từ tháng 1/2015 và cao điểm đến 5/3/2015 đói giáp hạt đã xảy ra ở 5 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Mộc Châu với 8.200 hộ và 36.031 nhân khẩu thiếu đói, chiếm 3,13% tổng số hộ và 3,05% tổng số nhân khẩu toàn tỉnh", báo cáo của UBND tỉnh Sơn La ghi rõ.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo đến hết năm 2013, toàn tỉnh Sơn La còn 68.947 hộ nghèo, chiếm 27% tổng số hộ; 30.277 hộ cận nghèo, chiếm 11,86% tổng số hộ.
Còn báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 của tỉnh này cũng cho thấy nhiều “khoảng tối”. Năm 2014 có khoảng 31.109 hộ với 141.317 nhân khẩu thiếu đói.
Tình hình này đã khiến chính quyền các cấp phải tập trung chỉ đạo hỗ trợ 3.278 tấn gạo để cứu đói và vận động nhân dân cho nhau vay gạo để giải quyết cứu đói, nhất là vào thời điểm giáp hạt.
Nhìn về số liệu thu-chi ngân sách, Sơn La đã thể hiện là một tỉnh không “dư giả” gì cả.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng năm 2015 của UBND tỉnh Sơn La, tổng thu ngân sách Nhà nước 4.674 tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm, chi ngân sách là 4.674 tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm.
Nếu chỉ nhìn vào số liệu thu chi này, có thể thấy Sơn La chỉ “đủ ăn”, chưa nói đến đầu tư để “thoát nghèo”.
Còn xét trong giai đoạn 2012-2014, tình hình của Sơn La cũng không mấy “dư dả”. Báo cáo của UBND tỉnh này cho thấy: Tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương 3 năm (2012-2014) đạt 32.045 tỷ đồng, bình quân giai đoạn tăng 14,6%/năm.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương trong 3 năm thực hiện lên tới 31.726 tỷ đồng, bình quân tăng 15,6%/năm.
Khi đánh giá về số vốn dành cho đầu tư phát triển, UBND tỉnh Sơn La thừa nhận: Những năm gần đây do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu nên các nguồn vốn đầu tư hạn hẹp.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm ước đạt khoảng 37.803 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 12.600 tỷ đồng.
Nhìn vào số liệu thu chi trong cả giai đoạn vừa qua, có thể thấy, Sơn La không phải là tỉnh “dư giả” gì về nguồn vốn.
Được biết, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La vừa ra Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP. Sơn La, tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện từ năm 2015-2019. Dự kiến lễ động thổ khởi công xây dựng vào ngày 11/10/2015, nhân kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Sơn La.