Không đúng quy trình và trái thẩm quyền
Liên quan đến việc ông Lê Đăng Minh – trưởng thôn Thọ Sơn, xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) tự ý tổ chức họp dân và yêu cầu đóng góp để sửa chữa đình làng, đại diện Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thanh Hóa cho biết đây là việc làm sai vì trái thẩm quyền và không đúng quy trình đối với việc trùng tu di tích.
Việc làm trên của ông Lê Đăng Minh – trưởng thôn Thọ Sơn lại được phía UBND xã Thiệu Châu đồng ý và cho rằng đây là việc làm đúng, “xã hội hóa nguồn kinh phí để trùng tu di tích” là “cần thiết và đúng đắn” và… không cần qua Sở VH-TT&DL trình sau cũng được!
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Viên Đình Lưu – Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Di tích đình làng Thọ Sơn đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2010. Di tích này hiện đang còn giữ lại những kiến trúc, phù điêu thời Nguyễn rất có giá trị. Di tích này hiện do Sở trực tiếp quản lý, bất kì một hành động nào liên quan đến việc trùng tu, tu bổ, sữa chữa, tôn tạo đều phải thông qua và được Sở đồng ý, không được phép tùy tiện xâm phạm”.
“Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, di tích này đã xuống cấp từ mấy năm nay, trước cả khi được tỉnh xếp hạng. Phía địa phương cũng đã từng có ý định muốn sửa chữa lại nhưng là trước khi xếp hạng, còn từ khi đình làng Thọ Sơn được xếp hạng đến nay thì Sở chưa nhận được bất kì một văn bản nào xin trùng tu, sửa chữa cả”, ông Lưu nói.
Về việc UBND xã Thiệu Châu và trưởng thôn Thọ Sơn tự ý thu tiền của người dân, kể cả trẻ em 6 tháng tuổi lẫn người già, người tàn tật, người neo đơn không nơi nương tựa,… với lý do “đóng góp để sửa chữa đình”, ông Lưu khẳng định: “Ở đây cán bộ xã làm ẩu, trưởng thôn cũng làm ẩu. Ẩu và sai. Có lẽ bà con địa phương thấy đình làng xuống cấp nên cũng nóng lòng sửa chữa lại. Nhưng tôi khẳng định, việc thu tiền của dân như thế là sai mà việc tự ý sửa chữa di tích như thế cũng là sai quy trình, trái thẩm quyền”.
“Dân thì họ không hiểu rõ luật, không nắm được quy trình đối với việc tu bổ, sửa chữa di tích, cán bộ xã phải có hiểu biết, phải giải thích cho người dân hiểu để họ làm đúng. Đằng này cán bộ nhưng không hiểu vì vô tình hay cố ý lại không nắm rõ luật, đứng ra tổ chức, vận động nhân dân đóng góp để sửa chữa di tích, trong khi việc đó không phải là thẩm quyền của ông, làm thế rõ ràng là sai”, lời ông Lưu.
“Nói thế là... hơi bậy”
Trước đó, ông Lê Đức Thước – Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Châu khi trả lời chúng tôi đã khẳng định: “Chúng tôi cứ thu tiền dân trước, rồi trình lên huyện và Sở sau. Mà thường thì đã trình lên Sở xin trùng tu cái gì thì chắc chắn Sở sẽ đồng ý”. Về ý kiến này, ông Viên Đình Lưu khẳng định: “Không hề có chuyện cứ cấp xã hay huyện trình lên Sở VH-TT&DL là Sở đồng ý ngay. Nói thế là… hơi bậy. Việc trùng tu, sữa chữa di tích, nhất là các di tích đã được xếp hạng đều phải tuân thủ theo đúng các thủ tục và quy trình mà pháp luật đã quy định”.
Ông Lưu cho biết: “Trong Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL có quy định rất rõ ràng về điều này. Thông tư còn yêu cầu nếu anh là nhà tư vấn, đơn vị thi công việc trùng tu di tích thì điều kiện bắt buộc là phải có giấy chứng nhận hành nghề của Bộ VH-TT&DL cấp. Trong đơn vị phải có một, hai người là chuyên viên biết về trùng tu di tích, chứ không phải là cứ có tiền là gọi mấy ông “thợ vườn” đến rồi tự ý “định giá”, tự ý tháo dỡ và xây dựng ào ào như xây bờ rào được”.
Về quy trình trùng tu, sửa chữa di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, ông Lưu nói: “Những cái này phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được tham gia. Đừng tưởng như trước kia cứ mời về là vẽ vời đâu. Địa phương phải có tờ trình gửi lên Sở VH-TT&DL. Sở xem xét nếu thấy phù hợp thì sẽ phê duyệt rồi mới giao cho các phòng nghiệp vụ chuyên môn tham mưu cho địa phương. Sau đó huyện, xã mới phổ biến với dân, lập dự án để làm.
Đối với các công trình xây dựng khác trên 100 tỷ đồng thì Nhà nước quy định tổ chức đấu thầu nhưng đối với các công trình trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa thì địa phương có quyền chỉ định công ty thầu.
Sau khi lập dự án, có đầy đủ các cơ quan chuyên môn thì mới bắt đầu thực hiện. Khi tháo dỡ các hạng mục di tích phải có các bước như đánh dấu, chụp ảnh, mời các chuyên viên đến định giá, lập ban chỉ đạo giám sát… Rất nhiều công đoạn. Tôi nghĩ ở đây xã Thiệu Châu đã không nắm rõ các quy trình này nên họ mới tự ý làm ẩu như thế”.
Về vấn đề đình làng Thọ Sơn, ông Lưu cho biết: “Đây không phải là lần đầu xã Thiệu Châu và huyện Thiệu Hóa tự ý trùng tu di tích mà không thông qua Sở. Trước kia đã từng xảy ra trường hợp đình làng Đắc Châu rồi, lúc đó cũng làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Lúc đó theo nguyện vọng của người dân nên gần như Sở cũng đã có ý cho qua để lần sau rút kinh nghiệm. Nhưng lần này làm thế thì không chấp nhận được. Chúng tôi sẽ có công văn yêu cầu họ giải trình cụ thể vấn đề này và yêu cầu dừng ngay việc tu bổ lại.
“Có trường hợp xã làm sai, dân họ phản ánh nhưng khi chúng tôi về làm việc thì xã vẫn nhận là làm đúng, chúng tôi mới bảo: "Ông có nhận ông sai không, nếu ông nhận là ông làm đúng thì ông làm biên bản rồi ký vào đây, đóng dấu vào…”, cuối cùng mới phải thừa nhận là mình sai. Nhìn chung cấp xã họ chưa hiểu hết quy trình đối với việc trùng tu, tôn tạo di tích như thế nào, vì thiếu hiểu biết nên đụng đến cái gì là cứ làm ào ào…”, ông Lưu nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc trên.