Sinh viên "ngậm trái đắng" vì nóng vội làm "ông chủ"

Thanh Thu |

(Soha.vn) - Có không ít mô hình kinh doanh nhỏ của sinh viên ra đời: bán quần áo thời trang, mở hàng ăn, tiệm internet…có thu nhập “khủng”...

Vội vàng khởi nghiệp…nhanh chán chường

Từng trải qua nhiều việc làm thêm, nơi thì bóc lột sức lao động, “vắt chanh bỏ vỏ”, nơi nhàn nhã nhưng không phù hợp, Định (sinh viên năm 3, Học viện Ngân hàng) ngày càng nung nấu ước mơ làm... "ông chủ".

Sau thời gian trăn trở, Định quyết định viết một bài lên Facebook kể ra những việc mình đã làm rồi bày tỏ mong muốn tìm kiếm người chung chí hướng khởi nghiệp. Bài đăng đó nhận được rất nhiều lượt “like” và “share”. Từ đó, Định đã tập hợp một nhóm 13 sinh viên cùng nhau kinh doanh mũ bảo hiểm trên mạng. Mỗi người đóng 1 triệu đồng, tổng cộng nguồn vốn huy động là 13 triệu đồng.

Thời gian đầu, mọi việc tiến hành rất suôn sẻ. Nhóm tìm được 3 nguồn phân phối mũ bảo hiểm ở Hà Nội, đã thương lượng ổn thỏa việc nhập hàng và quyết định trích 7 triệu đồng để nhập chừng 30 mũ bảo hiểm, số tiền còn lại nhóm dành cho công tác in tờ rơi quảng cáo phát sinh.

3 ngày sau khi ý tưởng được nêu ra, nhóm Định đã bán được chiếc mũ bảo hiểm đầu tiên. Việc buôn bán diễn ra nhanh chóng, thuận lợi này khiến cả nhóm vô cùng hào hứng, tin tưởng tuyệt đối vào mức độ thành công của dự án.

Thế nhưng chỉ sau vài ngày, họ bắt đầu rơi vào khủng hoảng khó giải quyết. “Lúc đầu mình nghĩ nguồn cung là thứ ổn định nhất nhưng cuối cùng nó lại là thứ xáo trộn nhất. Giá nhập mũ bảo hiểm tăng, giảm bất ổn khiến giá bán lẻ của chúng mình cũng phải “nhảy” theo từng ngày. Điều này khiến khách hàng rất hoang mang", Định thật thà chia sẻ.

Kéo theo đó là 13 thành viên được phân thành 4 nhóm với nhiệm vụ riêng nhưng lại thiếu sự gắn kết, hỗ trợ nhau, mạnh ai người nấy làm.


	Việc kinh doanh mũ bảo hiểm với nhóm của Định là chuyện không hề đơn giản (Ảnh minh họa)

Việc kinh doanh mũ bảo hiểm với nhóm của Định là chuyện không hề đơn giản (Ảnh minh họa)

Vì nhập ít hàng và đang là sinh viên nên ngoài việc được chiết khấu thấp, nhóm của Định còn thường xuyên bị các đại lý phân phối mũ bảo hiểm gây khó dễ dẫn đến tình trạng không nhập được hàng, buộc nhóm phải hủy đơn hàng của khách.

Kinh doanh được gần 1 tháng, tổng số mũ bán được chừng 50 chiếc, tính đến nay nhóm vẫn chưa hoàn đủ được số vốn bỏ ra. Những khó khăn liên tiếp, dồn dập khiến các thành viên rơi vào trạng thái chán nản, dường như không ai quan tâm đến việc kinh doanh nữa.

Kinh doanh qua mạng sốc nổi…dẫn đến lỗ nặng

Nếu như sự thất bại của nhóm Định với mô hình kinh doanh mũ bảo hiểm bắt nguồn từ việc những hoạch định giấy tờ không hề “ăn khớp” với thực tế thì Đ.Thủy (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại “phá sản” vì sự gấp gáp, sốc nổi.

Nhiều bạn sinh viên vội vàng muốn trở thành

Nhiều bạn sinh viên vội vàng muốn trở thành "ông chủ" qua công việc bán hàng online. (ảnh minh họa).

Thấy các shop mỹ phẩm ‘online’ (bán qua mạng internet – PV) buôn may bán đắt với khoản lợi nhuận “khủng” nên Thủy bị “mờ mắt”. Chỉ sau vài ngày suy nghĩ, T. đã quyết định sẽ kinh doanh mặt hàng này. Thủy nằng nặc xin xỏ để được gia đình đầu tư 20.000.000 đồng với lời cam kết sẽ hoàn đủ vốn trong thời gian sớm nhất.

Cầm trong tay khoản tiền vốn, Thủy đến ngay một đại lý mỹ phẩm online trên phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để nhập hàng. Vì chủ đại lý là người "quen" nên Thủy tin tưởng đây là mối hàng có mức giá bán buôn rẻ nhất chứ không hề khảo sát mức giá chung của thị trường. Nhìn cách kinh doanh sốc nổi, bạn bè không khỏi ngán ngẩm, xót xa nhưng mọi lời khuyên đều được Thủy bỏ ngoài tai.

Hàng vừa được nhập về, Thủy gọi thêm bạn bè đến dán giá lên từng sản phẩm, chụp những loạt ảnh lung linh để đăng tải lên mạng.

Kho khăn của Thủy bắt đầu xuất hiện khi mĩ phẩm được bán nhan nhản trên các trang mạng, ngoài đường, giá rẻ hơn rất nhiều lần so với sản phẩm của Thủy, nên cửa hàng online này luôn trong tình trạng ế ẩm.

Một số khách hàng chỉ gọi điện đến điều tra về nguồn gốc, xuất xứ của mỹ phẩm, nhưng không mua vì lý do hàng không rõ xuất xứ. Điều đó khiến Thủy vô cùng lo lắng, buồn và chán nản. Kết quả là chỉ trong vòng 2 tuần cô sinh viên này đã phải dừng việc bán hàng của mình lại.

Thủy đành mang một số loại mỹ phẩm đến cửa hàng quần áo của bạn nhờ bán hộ, số còn lại, cô chấp nhận bị lỗ 10% để trả lại đại lý. Tổng số tiền thu lại được chỉ hơn 1 nửa số tiền 20 triệu đồng bỏ ra ban đầu.

Còn Đ.L.Phương (sinh viên năm cuối trường ĐH Văn hóa Hà Nội) cùng chung vốn với 2 người bạn nữa để lập kế hoạch buôn bán quần áo.

Gom góp lại được 15 triệu đồng, Phương và hai người bạn của mình bắt đầu qua chợ Ninh Hiệp để lấy hàng, rồi về rao bán trên các trang mạng, giao hàng tận nơi. Trong tháng đầu tiền do bán không lấy lãi để lôi kéo khách hàng, một phần nữa do người thân, bạn bè ủng hộ nhiều nên số quần áo mà Phương và nhóm bạn lấy về nhanh chóng được bán hết.

Sang tháng thứ 2, nhóm Phương bắt đầu nghĩ đến lãi, nên đẩy giá lên cao một ít. Tuy nhiên cũng từ lúc đó cửa hàng online của Phương trở nên vắng khách, cả tháng chỉ bán được 3 chiếc áo.

Phương đã dùng chiến lược giảm giá sản phẩm nhưng không mấy khả quan vì các cửa hàng khác cũng giảm giá mặt hàng giống của Phương với giá rẻ hơn rất nhiều. Phương và hai người bạn của mình bắt đầu đi tìm hiểu thì biết được, nguồn hàng của một số shop online hay shop có cơ sở thì họ lấy hàng ở Quảng Châu - Trung Quốc, nguồn hàng rất rẻ, trong khi nhóm của Phương thì lấy lại của những nguồn hàng đó nên giá cao hơn.

Sang tháng thứ 3, hầu như không bán được sản phẩm nào, hàng tồn kho, ế ẩm. Phương và hai người bạn đành bỏ cuộc chịu mất trắng số tiền bỏ ra, ngậm ngùi chia nhau số quần áo còn lại.

Bán hàng 'online' là xu thế kinh doanh phổ biến của nhiều bạn sinh viên với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, công việc này cũng nhiều rủi ro khiến nhiều bạn điêu đứng khi không có sự tham vấn, tìm hiểu kỹ về mặt hàng mình định kinh doanh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại