Sinh con xong bỏ "quên" ngoài vườn, bị chó hoang xâm hại

Sau khi sinh, Vui bỏ lại đứa đứa con đỏ hỏn rồi vào trong nhà làm việc mà không nhớ được mình đã làm gì. Đến khi mọi người phát hiện thì đứa bé đã chết vì bị chó hoang xâm hại.

Đã nhiều năm nay, người dân vùng núi cao thuộc xã Yên Định (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) vẫn truyền tai nhau câu chuyện về một người đàn bà sống lầm lũi trong hang đá trên ngọn núi Hố U hoang vu.

Chẳng biết bà tên gì nhưng thấy hành động kỳ lạ đó, người ta gọi bà một cách miệt thị: “Bà điên”. Chiều chiều từ trong hang núi sâu, người ta lại nghe thấy văng vẳng tiếng khóc khi nỉ non, khi ai oán đến quặn lòng. Mọi người vẫn kháo nhau đó là tiếng bà điên ru con ngủ. Họ bảo bà điên rất tử tế, bà không lấy của ai cái gì bao giờ, kể cả khi người khác cho. Bà sống theo bản năng như một người rừng, hàng ngày xuống suối kiếm con ốc, con cua hoặc vào rừng hái rau rừng, quả dại lần hồi sống qua ngày đoạn tháng.

Màn ép duyên oan nghiệt

 Những người dân Yên Định kể, bà không đột nhiên lại từ bỏ cuộc sống cộng đồng, chạy lên núi ẩn dật. Hành động kỳ lạ ấy bắt nguồn từ bi kịch bị gia đình ép duyên, rồi bị nhà chồng bạo hành. Quá sợ hãi, bà chạy trốn cuộc sống, thu mình trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng giữa hang núi sâu. Trớ trêu thay, nỗi bất hạnh vẫn chưa dừng ở đó, khi người đàn bà thần trí không còn tỉnh táo (sau chuỗi ngày hứng chịu sự bạo hành) lại tiếp tục bị kẻ vô nhân tính nhiều lần hãm hiếp. Bởi quá nhiều sóng gió cuộc đời như vậy, người dân nơi đây cho biết bà điên rất sợ người lạ. Bao năm qua, cả xã vùng cao này chẳng mấy tim tiếp cận được bà.

Trong hành trình lần theo dấu vết “bà điên”, chúng tôi phải dò hỏi rồi tìm đến nhờ vả chị gái của người phụ nữ bất hạnh, bà La Thị Bình (hiện trú tại xóm Găng, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). Khi thấy chúng tôi hỏi về cuộc đời người em gái đang sống trong hang đá lạnh lẽo giữa chốn “rừng thiêng nước độc”, bà Bình như lặng người đi. Đưa tay gạt những giọt nước mắt chảy dài trên gò má gầy khắc khổ, bà Bình kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời cay đắng của người em gái bất hạnh.

Lật tìm trong ký ức, người chị tâm sự: “Em tôi tên thật là La Thị Vui (SN1976). Bố mất sớm nên mẹ vất vả nuôi 6 anh chị em tôi khôn lớn. Trong đó nhà tôi được 5 chị em gái và một người con trai thì Vui là áp út. Khi mới sinh ra, Vui là một đứa bé bụ bẫm, phát triển khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Không ngờ lớn lên, trí tuệ của Vui không được khôn ngoan như người bình thường. Vì gia đình nghèo Vui không được học hành nhiều. Vui chỉ học hết lớp cấp 1 là nghỉ học rồi hàng ngày ở nhà giúp mẹ đi nương làm rẫy. Tối đến, Vui lại cùng các chị cặm cụi xảy gạo trong ánh đèn dầu tù mù”.

Chân dung bà điên La Thị Vui. Ảnh TG

 

Cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ trong làng, đến tuổi đôi mươi, Vui được một người ở thôn Na Mô, xã Biển Động, huyện Sơn Động mai mối lấy một thanh niên bên đó làm chồng. Trớ trêu thay, người thanh niên được làm mối– anh Chu Văn Khẳm nhiều lần qua nhà trò chuyện với Vui nhưng lại để mắt và có tình cảm với em gái Vui.

Tuy nhiên, gia đình ai cũng muốn dẫn dắt để Khẳm lấy Vui nên sau này, đám cưới hai người diễn ra thì chú rể tỏ rõ sự khó chịu. “Từ chuyện bị ép duyên đó, cuộc sống đôi vợ chồng mới cưới cũng không được yên ấm, hạnh phúc. Lấy vợ một thời gian, Khắm bỏ vào Nam làm ăn, năm thì mười họa mới về thăm nhà. Thời gian đằng đẵng trôi qua, dù hai vợ chồng có với nhau đến ba mặt con, song cuộc đời Vui thì chẳng khác nào một tấn bi kịch không hổi kết”, bà Bình xót xa.

Dốc núi cheo leo nơi bà Vui lên hang Hố U. Ảnh TG

Sinh rồi vứt luôn con ra sau nhà

Chị Bình cũng cho biết, do không yêu Vui, Khẳm chẳng đoái hoài đến cả vợ lẫn con. Trước lúc đi miền Nam, anh ta tối ngày bê tha rượu chè, bỏ mặc vợ con thui thủi. Vào Nam làm việc, Khẳm không đưa tiền phụ giúp vợ con mà gửi hết mẹ đẻ cất giữ. Lấy chồng cũng như không, Vui gồng lên lo cho ba đứa con. Nhiều lúc, nhà không còn một hạt gạo, con cái hết tiền phải nghỉ học, chị cũng chỉ biết ngồi gạt nước mắt khóc thầm.

Thấu hiểu nỗi bất hạnh của hai vợ chồng, Vui cố gắng vun vén hạnh phúc gia đình. Ngược lại, Khẳm giở đủ mọi chiêu trò để trút cơn giận bị ép duyên lên người vợ khiến cho chị Vui phải chịu nhiều cay đắng. Bà Bình kể: “Cứ rượu vào Khẳm lại lè nhè và “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với vợ. Đã có lúc, Khẳm đánh vợ bằng cách lấy tay túm tóc đập đầu vợ xuống giường. Bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần Vui như bấn loạn đầu óc. Đã có lần, gia đình tôi đã phải sang đưa em gái đi bệnh viện tâm thần chữa trị một thời gian dài”.

Trở về từ bệnh viện, những màn bạo hành vẫn ập lên đầu Vui như cơm bữa. Ngày mang thai đứa con thứ 4, người phụ nữ bất hạnh vẫn phải vác bụng làm việc không quản ngày đêm. Nỗi vất vả làm cho vấn đề thần kinh của chị ngày càng trở lên nghiêm trọng. “Đến ngày trở dạ, Vui vật vã tự sinh con ngoài vườn. Sau khi sinh xong, Vui bỏ lại đứa đứa con đỏ hỏn rồi trở lại trong nhà làm việc mà không nhớ được mình đã làm gì. Đến khi mọi người phát hiện đi tìm thì đứa bé đã chết. Càng cay đắng hơn, bởi thi thể cháu đã bị lũ chó hoang xâm hại”, bà Bình nghẹn ngào.

Từ đó trở đi, người phụ nữ ấy cứ nửa tỉnh nửa điên loạn, bệnh tình ngày một nặng. “Mỗi lúc thần trí tỉnh táo, Vui lại nhớ ra cái chết thảm mà mình gây ra với đứa nhỏ rồi gào khóc vật vã”, bà Bình cho biết. Tiếng khóc ai oán của người đàn bà bất hạnh không khỏi khiến bà con thấy xót xa. Nhưng nhà chồng chị thì ngược lại, vẫn không ngừng hành hạ và bày tỏ thái độ lạnh nhạt. Bà Bình kể: “Ít lâu sau khi đứa bé chết yểu, mẹ chồng Vui đã vứt hết quần áo con dâu ra sân”.

Đường mòn dẫn lên gần hang đầy bơm kim tiêm của bọn nghiện hút. Ảnh TG

Sau lần ấy, bà Vui bỏ nhà đi lang thang. Người đàn bà nửa tỉnh, nửa mê cứ vô định mãi cho đến lúc vô tình về đúng nhà người anh cả. Tình đời đen bạc, người này cũng xua đuổi đứa em gái ngây dại. “Tâm thần bấn loạn, Vui đi khắp nơi luôn miệng nói đi tìm con. Nó đi đến những chòi canh lúa của người dân rồi một mực gào khóc nhận đó là nhà mình. Vui đuổi người ta ra khỏi chòi của họ, khiến nhiều người trong thôn phải đau đầu không biết phải làm như thế nào”, chị Toán (một người dân thôn Nam Mô) nhớ lại. Người anh trai tức giận, khi thấy em gái mình điên khùng làm xấu hổ gia đình nên anh ta đã đến tìm, để chửi rủa và và đánh đập người đàn bà ấy không thương tiếc. Vui bị đánh, hoảng sợ, khóc nức nở rồi bỏ chạy lên núi mất dạng. Từ đó, người ta kháo nhau thi thoảng lại nhìn thấy người đàn bà điên, lẩn khuất đâu đó trong hang đá nằm sâu trên ngọn núi Hố U.

Và cũng từ đó, cái tên bà điên cứ “bám riết” theo Vui suốt 10 năm. “Nhà” của bà lưu động khắp nơi, nay đây mai đó. Hết ở hang núi này người ta đuổi, lấp hang đi không cho ở nữa thì bà lại chuyển qua hang núi khác. Trên những ngọn núi cheo leo, bà luôn chọn cho mình những hang sâu và khuất trong đám dây rừng rậm rạp. Bà cho rằng: “Có như vậy tôi mới ít bị người ta trông thấy và sống như vậy mới được thần rừng che chở”, bà Bình cho biết về tâm sự của em gái trong một lần gặp gỡ hiếm hoi.

Nhiều năm sống trên núi, tạo cho bà Vui bản năng sinh tồn giống như một người rừng thực thụ. Hàng ngày, bà lên rừng tìm rau, hái măng rừng, quả dại ăn thay cơm. Thi thoảng bà cũng biết ra suối bắt ốc, bắt cá về nấu ăn. Nhưng nỗi bất hạnh của “bà điên” sống trong hang đá ngày càng rơi vào cảnh “trăm bể khổ” khi bị yêu râu xanh hãm hiếp và hai đứa trẻ ra đời.

(Còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại