Đại tá Trà cho biết:
- Thực hiện chỉ đạo của Công an TP.HCM, đầu năm 2015 chúng tôi đã huy động lực lượng tăng cường kiểm tra xử lý các xe tải có dán logo hoạt động gây mất an toàn giao thông.
Riêng từ tháng 7-2015 đến nay, các tổ công tác phát hiện và lập biên bản 450 trường hợp vi phạm quá tải, trong đó xe quá tải trên 100%.
Qua thống kê các xe quá tải thường gắn các logo như Thành Đô (217 trường hợp), Xe Chở Hàng (165 trường hợp), Tam Kỳ (14 trường hợp) và nhiều logo khác như Chuột Mickey, Phương Thịnh, Hồng Loan...
Ngay khi nhận tin Cục Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (C45) bắt giữ các đối tượng mua bán logo, PC67 đã triệu tập cuộc họp để thông báo các nội dung liên quan đến thông tin của C45.
Đồng thời tiếp tục quán triệt và nghiêm cấm cán bộ chiến sĩ không được liên quan đến các đối tượng có hành vi mua bán logo.
Chúng tôi còn đề nghị cán bộ, chiến sĩ nào có thông tin về các đối tượng này thì phải chủ động báo cáo. Trường hợp C45 yêu cầu phối hợp xác minh, PC67 sẽ tạo mọi điều kiện, không bao che.
Thực tế các doanh nghiệp kinh doanh vận tải (loại nhỏ) bị những đường dây mua bán logo “nổ” để lừa đảo
Đại tá TRẦN THANH TRÀ - Ảnh: Duyên Phan
* Vì sao các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bỏ ra tiền triệu để mua logo, ông nói thế nào về chuyện này?
- Hiện tại TP.HCM chỉ có ba trạm cân tải trọng đều nằm ở vùng ven, trong khi trong nội thành chưa có trạm cân. Hình thức dán logo làm “xe vua” chủ yếu nhằm tránh vi phạm tải trọng.
Thực tế các doanh nghiệp kinh doanh vận tải (loại nhỏ) bị những đường dây mua bán logo “nổ” để lừa đảo với chiêu thức khá đơn giản.
Chẳng hạn họ cho rằng thân quen với “ông này ông nọ”, đặt vấn đề các chủ kinh doanh vận tải chỉ cần mua logo dán lên xe, mỗi tháng trả vài triệu đồng thì xe sẽ không bị bắt khi chở quá tải.
Họ nói vậy nhưng thực tế là họ chỉ đường cho các xe dán logo đi đường tránh trạm cân thì làm sao bị bắt. Riêng xe gắn logo đi qua trạm cân, bị xử phạt quá tải, tôi thấy đâu có ai gọi được cho “ông này ông nọ”.
* Lãnh đạo phòng đã xử lý trường hợp nào bảo kê cho xe dán logo?
- Đến thời điểm hiện tại thì không. Nhiều lần lãnh đạo PC67 quán triệt tư tưởng, mọi người đều cam kết không quan hệ với những người bên ngoài để bảo kê xe vi phạm.
Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông rất đông, không thể nắm bắt hết các mối quan hệ xã hội của các cán bộ, chiến sĩ. Nhưng nếu phát hiện thì chắc chắn chúng tôi xử lý nghiêm.
Cũng cần nói thêm, không phải khi C45 phát hiện đường dây mua bán logo chúng tôi mới phối hợp để điều tra xem có cán bộ chiến sĩ nào bảo kê hay không.
Trước đó, lãnh đạo PC67 cũng đã phối hợp với phòng cảnh sát hình sự, phòng cảnh sát kinh tế, thống nhất quan điểm nếu phát hiện cán bộ chiến sĩ nào vi phạm thì báo cáo, đồng thời xử lý nghiêm để làm gương.
* Theo thông tin từ thanh tra Sở GTVT, qua kiểm tra quá tải có đến hơn 95% xe có dán chữ hoặc ký hiệu. Tại sao?
- Thực tế hiện nay đâu có quy định nào cấm xe tải dán này dán nọ trên xe, đó là việc tùy thích của họ. Vấn đề là xe tải vi phạm thì phải bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
* Lãnh đạo PC67 có biện pháp gì ngăn chặn tệ nạn mua bán logo?
- Tôi chân thành đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ phương tiện tham gia giao thông, người dân phải nâng cao cảnh giác chiêu trò lừa đảo. Nếu phát hiện có người xưng bán logo nên báo cho cơ quan công an.
Trong thời gian tới, PC67 sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bố trí lực lượng để phối hợp thanh tra giao thông tuần tra kiểm soát, xử lý xe quá tải.
Đảm bảo lực lượng 24/24 giờ tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Duy trì công tác nắm tình hình hoạt động của xe tải gắn logo để tham mưu Công an TP xử lý.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm đối với cán bộ chiến sĩ vi phạm quy trình công tác, liên quan tiêu cực trong quá trình tuần tra, nhất là trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện.