Sẽ cho phép thu phí lòng đường, vỉa hè từ 2017

Hoàng Đan |

Quy định tại Luật Thuế và Lệ phí vừa được Quốc hội thông qua sẽ cho phép thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè và phí này do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

Chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật phí, lệ phí.

Theo luật vừa được thông qua thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè và phí này sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Những trường hợp cá biệt cho phép việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố phải do HĐND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch và công khai sử dụng.

Về vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình khá rõ về sự cần thiết của việc quy định phí sử dụng lòng đường, hè phố.

Tuy nhiên, đúng như ý kiến ĐBQH, thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở một số đô thị còn chưa tốt, dẫn đến ách tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, nhất là việc quản lý các hộ, cá nhân kinh doanh tại lòng đường, hè phố.


Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các luật. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các luật. Ảnh: quochoi.vn

"Tuy nhiên, việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu ngân sách Nhà nước khá lớn của nhiều đô thị.

Mặt khác, việc quy định thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, nếu không thu phí lòng đường hè phố sẽ thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước (NSNN)", ông Hiển nhấn mạnh.

Về ý kiến cho rằng, hiện nay người dân đã nộp thuế cho Nhà nước, do đó đề nghị không phải nộp các khoản phí, lệ phí thì theo ông Hiển, quy định của Luật NSNN, các luật về thuế, Luật quản lý thuế, phí và lệ phí đều là khoản thu thuộc NSNN.

Phí và lệ phí cũng là khoản thu thuộc NSNN, nhưng mang tính hoàn trả trực tiếp; các tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trực tiếp thì mới phải trả phí, lệ phí.

Do đó, việc sử dụng nguồn thu từ thuế là khoản thu để phục vụ cho nhu cầu của toàn xã hội để bù đắp cho chi phí cung cấp dịch vụ cho một số tổ chức, cá nhân là không đảm bảo công bằng với các tổ chức, cá nhân không được sử dụng dịch vụ.

Đồng thời, việc phải nộp phí và lệ phí là góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, tránh việc sử dụng lãng phí các nguồn lực Nhà nước.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thuế, phí, lệ phí trên GDP của Việt Nam hiện đang có xu hướng ngày càng giảm, việc không thu phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách Quốc gia.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, tất cả các nước đều thực hiện thu thuế, phí và lệ phí đối với các dịch vụ công do Nhà nước phục vụ.

Người bị giam giữ vi phạm kỷ luật bị cùm một chân

Theo Luật tạm giữ, tạm giam vừa được thông qua, người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị quy định riêng về quyền, nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng là người có tội và người chưa có tội.

Ý kiến khác đề nghị không quy định về quyền bầu cử của người đang chờ thi hành án tử hình.

Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ.

Đối với người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Dự thảo luật đã quy định “người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND”. Do đó, UBTVQH đề nghị giữ như quy định của dự thảo luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc lại biện pháp kỷ luật “cùm một chân” tại khoản 3 Điều 23 dự thảo luật, vì biện pháp này quá khắc nghiệt đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

UBTVQH cho rằng trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật, sau khi đã được cách ly mà vẫn có hành vi chống phá... thì việc cùm một chân để ngăn ngừa là cần thiết.

Điều này vừa bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe của họ hoặc người khác, vừa đảm bảo an toàn kỷ cương, sự tuân thủ pháp luật của cơ sở giam giữ.

Quy định này là phù hợp và không trái với Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

Do đó, UBTVQH đề nghị giữ như dự thảo luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại