Đó là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000, diễn ra ngày 16/4. Đồng tình trước vấn đề mang tính thực tiễn, Bộ Tư Pháp đề xuất cần nghiên cứu để luật hóa việc mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi lần này.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, cho phép mang thai hộ không phải là cho phép “đẻ thuê”. Bản chất mang thai hộ hết sức nhân văn, là sự giúp đỡ của một người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra em bé.
Trong khi đó, Luật HNGĐ năm 2000 chưa có quy định cụ thể về mang thai hộ và Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm cấm điều này.
“Việc luật hóa nhằm đảm bảo tính nhân đạo, tạo điều kiện cho các gia đình hiếm muộn”, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư Pháp) nói.
Các đại biểu cũng bàn thảo vấn đề kết hôn đồng giới. Theo Bộ Tư Pháp, việc kết hôn của những người đồng giới và thực hiện, bảo vệ các quyền con người của họ đã và đang là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Trong khi đó, pháp luật chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính. Theo nhiều đại biểu, cần nhìn nhận đồng tính là một xu hướng tính dục tự nhiên, không nên ngăn cấm.
Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, Luật đã đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân về HNGĐ. Song qua 12 năm thực hiện, một số quy định của Luật không còn phù hợp hoặc chưa đồng bộ với các văn bản hiện hành, cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Tư pháp gút lại 10 nội dung chính sẽ được xem xét, sửa đổi, gồm: điều chỉnh quan hệ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, tuổi kết hôn, giới tính trong kết hôn, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, hôn ước về tài sản riêng trước hôn nhân, ly thân, mang thai hộ...