Chung tay sẻ chia với họ, ngày 17/8, Báo Điện tử Tri thức trẻ đã cùng với những nhà hảo tâm nhóm Sống hướng thiện đến huyện Thanh Oai và Mỹ Đức - Hà Nội trao 10 suất quà cho người khiếm thị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất quà bao gồm 1.000 000 đồng, 20kg gạo, 1 thùng mì và sữa tươi.
Tại Hội người mù huyện Thanh Oai, đoàn đã trao tặng 6 suất quà cho những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trực tiếp đến thăm nhà của các hội viên khó khăn.
Ẩn sau những gương mặt khắc khổ, những giọt nước mắt của những người phụ nữ này là chuỗi dài các câu chuyện bất hạnh mà họ đã gánh chịu từ lúc sinh ra cho đến bây giờ (từ trái qua phải cô Mai Thị Thiện, cô Lê Thị Bé, cô Nguyễn Thị Chanh).
Cô Mai Thị Thiện mù hai mắt từ nhỏ và đang phải chăm sóc mẹ già 80 tuổi bị mù. Cuộc sống trong bóng tối của hai mẹ con vô cùng khó khăn. Còn cô Nguyễn Thị Chanh sống với con gái 16 tuổi, người mẹ mù và đứa con thơ hàng ngày vẫn trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền và xã hội để có thêm nghị lực trong cuộc sống.
Cô Lê Thị Bé khóc khi nhận món quà của các nhà hảo tâm, khiến mọi người trong đoàn ai cũng nghẹn ngào, đau xót bởi đây là lần đầu tiên trong đời họ phải chứng kiến cảnh người mù rơi lệ.
Cô Lê Thị Bé khóc vì cuộc đời của cô nỗi đau cứ chồng chất nỗi đau. Sinh ra cô đã không được nhìn thấy ánh sáng, lại còn sống trong cảnh không có bố mẹ, cô phải nương nhờ vào một người cậu.
Hiện tại cô đang sống với người con 16 tuổi của mình, trong một căn nhà tạm, tường nứt nẻ mà mỗi lần mưa lại dột khắp nhà. Thêm vào đó, ngôi nhà này không phải của cô mà của người cậu mình, nỗi lo lớn nhất của cô vẫn là đứa con gái rồi sẽ sống ra sao… khi không có nhà.
Thành viên đoàn đến thăm cụ Phạm Thị Thuyết bị mù lúc 3 tuổi. Ở cái tuổi 74, sống một mình nên mọi hoạt động của cụ Thuyết dường như khó khăn hơn, cụ chỉ có thể ngồi một chỗ trên giường.
Thay mặt các nhà hảo tâm, cô Ngô Anh Thơ tặng quà đến bà cụ Nguyễn Thị Bình – xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội.
Cụ Bình hiện đang sống với người con của mình trong một căn nhà đi mượn chừng 10m2, không có nhà vệ sinh phải dùng nhờ của nhà em dâu, đến mùa mưa nước tràn vào nhà.
Cụ bị mù do hạt lúa bay vào mắt năm 17 tuổi, từ đó mắt cụ không còn nhìn thấy gì nữa. Xót xa thay khi người con đầu bị tật nguyền của cụ chỉ sống được 4 năm 6 tháng rồi qua đời năm 1989. Cuộc đời mỉm cười với cụ khi năm 1996 cụ may mắn sinh ra người con thứ 2 khỏe mạnh bình thường.
Nhận món quà trên tay chúng tôi, cụ nói: “Em cảm ơn các nhà hảo tâm rất nhiều, từ lúc sinh ra em chưa làm ra được một đồng nào, chỉ biết nhận từ tấm lòng của các nhà hảo tâm. Giờ em không khóc nữa, em phải gạt đi nước mắt để tiếp tục sống với con, đời em đã khóc nhiều rồi, khổ nhiều rồi. Người mắt sáng còn có người khổ huống hồ gì em”.
Tại hội người mù huyện Mỹ Đức, đoàn trao 3 suất quà cho ba hội viên và đến nhà trực tiếp thăm hỏi, động viên 1 hội viên có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Cô Ngô Anh Thơ tặng quà và động viên từng hội viên cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống (từ trái qua phải cụ Nguyễn Thị Ược, cụ Đinh Văn Lập và người nhà của cụ Nguyễn Thị Gái).
Cụ Ược mấy chục năm trời sống cô đơn trong bóng tối, cuộc sống hàng ngày của cụ phải phụ thuộc vào tiền trợ cấp xã hội. Cụ Lập vừa bị mù, lại bị điếc, cuộc sống của cụ khó khăn gấp ngàn lần. Hiện cụ Lập đang sống với một người mẹ già hơn 90 tuổi, hai mẹ con nương tựa lẫn nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn. Còn cụ Gái không có nhà ở, nên phải sống nhờ nhà của em dâu của mình.
Đoàn đến thăm hỏi và tặng quà cho cụ Bùi Thị Thới bị mù và bị dị tật ở các ngón tay, chân bị thấp khớp. Cụ Thới sống với mẹ từ nhỏ trong một căn nhà rách nát. Cách đây một năm người mẹ 112 tuổi của cụ Thới bị bỏng cháy đen nửa người trong lúc nằm sưởi, giờ để lại một mình cụ Thới sống cô đơn lẻ loi với hàng loạt nỗi buồn đau.
Chuyến đi đã mang lại nhiều cảm xúc lẫn lộn khác nhau cho những nhà hảo tâm, nhưng chung quy lại ở đó là sự đồng cảm, gần gũi và sự sẻ chia sâu sắc. Hai bạn du học sinh Mỹ là Nguyễn Thủy Tiên và Phạm Vũ Trà My, đều cảm thấy vui khi được tham gia những hoạt động như thế này, để các bạn cảm nhận nhiều hơn về những mảnh đời đau khổ trên đất nước mình.
“Em cũng đi những chuyến từ thiện như thế này 3 – 4 lần rồi, mỗi chuyến đi là một dấu ấn riêng, một cảm nhận riêng về các hoàn cảnh đau thương khác nhau. Em muốn chia sẻ sự khó khăn với họ nhiều hơn, để biết họ là những người có nghị lực sống cao trong cuộc sống”. – Thủy Tiên xúc động nói.
Dẫn đoàn đi là bác Bùi Trọng Minh (Phó chủ tịch thường trực Thành hội người mù Hà Nội) nghẹn ngào trong lời cảm ơn: “Cảm ơn lòng thiện nguyện của các nhà hảo tâm, tôi giờ cũng không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến các anh chị vì các anh chị đã quan tâm đặc biệt tới những hội viên khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn. Trên địa bàn Hà Nội còn có nhiều hoàn cảnh khiếm thị khác cũng vô cùng khó khăn và đang trông chờ vào sự đồng cảm từ phía các nhà hảo tâm”.