Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ "lùm xùm" liên quan đến CSGT, trong đó, gần đây nhất là vụ việc dùng súng bắn nhau của CSGT Đồng Nai vào chiều ngày 22/9 khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Điều đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liên quan đến vấn đề tâm lý, áp lực của lực lượng này.
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho rằng, thực tế CSGT đang phải chịu rất nhiều áp lực, ức chế tâm lý...
Bác sỹ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
"Nghề nào cũng có áp lực riêng và khi xã hội càng phát triển nhanh chóng thì áp lực càng nhiều. Khi ấy, con người không kịp thích nghi nên dễ dẫn tới stress hay trong bệnh lý tâm thần là bệnh rối loạn sự thích ứng.
Riêng ở Việt Nam có một số nghề mà đặc biệt là nghề phải tiếp xúc với cộng đồng dân cư, xã hội, tiếp xúc với công chúng như CSGT thì chịu rất nhiều áp lực, bởi vì người ta soi vào từ hành động, suy nghĩ, trang phục, thái độ của người đó.
Riêng về mặt căng thẳng, CSGT ngoài việc làm nhiệm vụ ngoài đường thì cũng phải căn lại cho mình chỉn chu, đúng mực, đúng điều lệ... để người ta không hiểu sai, không coi thường.
Chưa kể ngay cả những quy định trong nội bộ ngành cũng khiến cho người ta ức chế. Như quy định CSGT đi làm không mang quá 100.000 đồng, ví dụ nếu có sự cố thì lấy đâu ra tiền để xử lý...
Rồi trong quá trình ra đường làm nhiệm vụ thì có rất nhiều vấn đề. Ví như phải làm sao để hoàn thành nhiệm vụ, giao thông không bị tắc nghẽn, thông suốt, an toàn...
Thực tế, trong việc nhìn nhận, tôn trọng, thực thi pháp luật của cộng đồng người dân nói chung bây giờ còn nhiều hạn chế và thực thi cũng rất hạn chế. Thêm vào đó là thói quen đường ta ta cứ đi xuất phát từ tâm lý mới thoát khỏi nền nông nghiệp lạc hậu đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá của một bộ phận người dân..
Trong một cộng đồng như vậy, lại ở một khu vực nóng bỏng, nhạy cảm thì gánh nặng tâm lý, áp lực của CSGT quả thực là rất lớn", Bác sỹ Tình nói.
Cùng với đó, bác sỹ Tình cũng cho rằng, cảnh sát giao thông ở Việt Nam rất khổ.
"Cảnh sát giao thông của mình rất khổ. Bởi, bất kể mưa nắng, khói bụi, trong cảnh ô nhiễm như vậy nhưng cảnh sát giao thông vẫn phải đứng làm nhiệm vụ. Thêm vào đó, họ gần như không có ngày nghỉ, càng những ngày lễ, ngày Tết khi mọi người nghỉ thì họ lại phải túc trực làm nhiệm vụ. Tối làm đến khuya rồi sáng thì mới 5 giờ đã đi...
Không có một cỗ máy nào là vĩnh cửu, không nghỉ ngơi cả, đến ngay như Tổng thống của nhiều nước phát triển, người ta cũng vẫn phải nghỉ ngơi hàng năm... Làm việc liên tục, sống trong môi trường ô nhiễm như vậy, rõ ràng là áp lực rất lớn.
Chưa kể đến tai nạn giao thông luôn cận kề với họ, rồi một bộ phận người tham gia giao thông của mình không hiểu biết hết về luật giao thông và giao thông thì theo kiểu lấp chỗ trống, mạnh ai người đó đi, cố thoát khỏi ùn tắc... Những điều đó đã tạo áp lực, ức chế, xung đột rất lớn đối với cảnh sát giao thông", bác sỹ Tình chia sẻ.
Bác sỹ Tình cũng cho hay, trong thời gian vừa qua cũng có khá nhiều cảnh sát giao thông đến bệnh viện và mời các bác sỹ của bệnh viện về nhà khám liên quan đến áp lực về tâm lý, đau đầu, mất ngủ... Tuy nhiên, việc điều trị chủ yếu là ngoại trú còn nằm điều trị nội trú trong bệnh viện thì chưa có.
Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, bác sỹ Tình cho biết, thực tế, ở các quốc gia, hệ thống trị liệu tâm lý nói chung, không chỉ riêng cho cảnh sát giao thông đã rất phát triển.
"Ở các nước, hệ thống trị liệu tâm lý, các nhà tâm lý học, không chỉ riêng cho cảnh sát giao thông đã rất phát triển. Họ có cả một hệ thống đào tạo các nhà tâm lý học và giải quyết rất nhiều thứ về đời sống tâm lý trong xã hội. Và nhờ đó, đã giúp giải quyết, giảm đi rất nhiều xung đột trong cuộc sống, đời sống, xã hội.
Còn ở Việt Nam hiện nay, trị liệu tâm lý còn rất mỏng và khó có thể trụ, tồn tại được bởi thu nhập hạn chế. Vì thế cần có một cơ chế cụ thể của nhà nước để giúp đỡ cho việc hoạt động và tôi cũng tin rằng, trong tương lai, khi xã hội của chúng ta ngày càng phát triển hơn thì sẽ có nhiều người tìm đến với trị liệu tâm lý.
Đối với lực lượng cảnh sát giao thông Việt Nam, như tôi đã phân tích ở trên thì thực sự là rất cần có một hệ thống trị liệu tâm lý riêng cho họ để giúp họ giải toả căng thẳng, áp lực...", Bác sỹ Tình nhấn mạnh.
Trước mắt, để giúp giảm áp lực tâm lý cho cảnh sát giao thông, theo Bác sỹ Tình cần phải thực hiện các biện pháp:
"Để giảm áp lực cho lực lượng này thì phải sắp xếp hợp lý giữa lao động và nghỉ ngơi, đó là điều đầu tiên. Thứ nữa là, cùng với luật phải nghiêm minh, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp đồng bộ từ hướng dẫn luật cho người dân, thiết kế, đặt các biển báo, đèn tín hiệu... hợp lý nhằm giúp đỡ, tạo thuận lợi, tránh quá tải, áp lực, xung đột đối với cảnh sát giao thông khi thực thi công vụ", Bác sỹ Tình bày tỏ.