Sau “tiền lệ” đàn Xã Tắc, còn bao nhiêu di tích sắp bị “xóa sổ”?

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Trên báo, đã từng có một giáo viên dạy môn Lịch sử của một trường THPT ở Hà Nội than thở: “Chưa bao giờ lịch sử bị rẻ rúng như thế”.

Xin được mượn câu than thở trên để cũng… than thở về thực trạng bảo vệ (chưa dám nói đến bảo tồn) di tích hiện nay ở Hà Nội: Chưa bao giờ di tích lại bị rẻ rúng đến thế!

Về vấn đề trên, có một chuyên gia văn hóa đã từng so sánh giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đại ý: TP Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ (tính đến nay mới 315 tuổi) nên mật độ / số lượng di tích mặt đất và ngầm không dày / nhiều như Hà Nội – thủ đô đã hơn một nghìn năm tuổi có mật độ di tích dày đặc vào bậc nhất của cả nước (thậm chí đứng đầu thế giới).

Hà Nội “đụng” đâu cũng thấy di tích. Mật độ dày đặc đến mức thay một viên gạch lát vỉa hè cũng… “chạm” vào di tích. Vì vậy, trong vấn đề quy hoạch và phát triển kiến trúc, giao thông đô thị, so với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có phần “thoải mái” hơn. Và dường như cũng bởi vì quá dày đặc mà Hà Nội không bảo vệ, bảo tồn kịp, đến mức bị mắc… “hội chứng bội thực” di tích!

Cột bia ghi di tích đàn Xã Tắc có kích thước chữ khá
Cột bia ghi di tích đàn Xã Tắc có kích thước chữ khá "khiêm tốn" đặt ở phố Xã Đàn.

Và ý kiến đề xuất phá đàn Xã Tắc để xây cầu vượt giao thông vừa qua đã một lần nữa làm lộ rõ hơn sự chồng chéo này. Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều người đã bị “giật mình”. Một cử nhân Văn – Sử nhưng lại làm đơn kiến nghị phá đàn Xã Tắc với lý do “xóa di chứng còn sót lại thời phong kiến”; một chuyên gia nguyên Viện phó Viện Khảo cổ học nhưng lại tuyên bố: đàn Xã Tắc không có thực, mặc cho những kết quả từ công cuộc khai quật đã khẳng định sự tồn tại của đàn Xã Tắc rõ mười mươi; một chuyên gia về Vật lý nhưng lại đi phát biểu tham luận về… khảo cổ, và trong bài tham luận của mình, tác giả “hùng hồn” khẳng định: đàn Xã Tắc có… nguồn gốc từ Trung Quốc nên phải… tuân theo 5 tiêu chí về đàn Xã Tắc của Trung Quốc!

Các dấu tích kiến trúc ở đàn Xã Tắc được các nhà khảo cổ khai quật và phát lộ năm 2006 (ảnh: N.H.K).
Các dấu tích kiến trúc ở đàn Xã Tắc được các nhà khảo cổ khai quật và phát lộ năm 2006 (ảnh: N.H.K).

Người ta cũng không rõ sau một sê-ri những phát ngôn trên thì còn biết bao “ca” tương tự như thế nữa không? Có lẽ còn nhiều nữa. “Chả trách sao học sinh bây giờ chán học Sử và… dốt Sử. Các em dốt Sử nhưng ‘dốt hồn nhiên’, không ‘dốt một cách nguy hiểm’ nên không đáng trách” – một nhà nghiên cứu Lịch sử có mặt tại buổi tọa đàm thở dài ngán ngẩm.

Sự chồng chéo giữa vấn đề quy hoạch, bảo tồn di tích với quy hoạch kiến trúc, giao thông đô thị ở Hà Nội không phải giờ đây mới “xuất đầu lộ diện” và cũng không phải giờ mới có người nhận ra.

Còn nhớ, vào năm 2000, đúng dịp kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội tròn 990 tuổi, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khi đó là ông Lê Viết Chức đã nghĩ tới vấn đề này và yêu cầu Viện khảo cổ học Việt Nam xây dựng một bản đồ khảo cổ ở dạng sơ khai về những di tích ngầm của Hà Nội để tạo thuận lợi cho việc quy hoạch giao thông và kiến trúc đô thị.

Gạch, ngói vỡ được dùng để đắp tôn cao nền đàn Xã Tắc (ảnh: N.H.K, 2006).
Gạch, ngói vỡ được dùng để đắp tôn cao nền đàn Xã Tắc (ảnh: N.H.K, 2006).

Hiểu một cách chung nhất, quy hoạch khảo cổ như một bản đồ về hệ thống di tích “ngầm” dưới lòng Hà Nội, kèm theo những thông số tương đối chuẩn xác về diện tích, tính chất, hiện trạng... của từng di tích.

Thậm chí, theo điều 17 (bổ sung vào năm 2010) của Luật Di sản văn hóa, các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ sẽ phải đưa ra cả kế hoạch thăm dò khai quật, phương án bảo vệ cũng như nguồn lực dự kiến để thực hiện các kế hoạch ấy.

Khi đó, hai lãnh đạo của Viện Khảo cổ là GS Hà Văn Tấn (Viện trưởng Viện Khảo cổ) và TS Tống Trung Tín (Viện phó) được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình này. Bản đề án có tên gọi khá dài: “Khảo cổ học với việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc tại Hà Nội”. Như lời của ông Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ hiện nay) thì “Khái niệm ‘quy hoạch khảo cổ’ vào thời điểm đó còn quá mới mẻ với nhận thức chung ở các cơ quan chức năng. Nhưng anh Chức là người có tầm nhìn, và lại rất quan tâm tới khảo cổ học nên đã sớm nghĩ tới kế hoạch này”.

Khu vực đàn Xã Tắc được khai quật và phát lộ nhìn dưới nhiều góc độ. Sự tồn tại của đàn Xã Tắc là điều không thể phủ nhận (ảnh: N.H.K).
Khu vực đàn Xã Tắc được khai quật và phát lộ nhìn dưới nhiều góc độ. Sự tồn tại của đàn Xã Tắc là điều không thể phủ nhận (ảnh: N.H.K).

Tuy nhiên, theo PGS.TS Tống Trung Tín thì sau khi hoàn thành, bản đề án trên đã được chuyển lại cho các cơ quan chức năng vào năm 2003. Điều đáng tiếc là do chưa có quy định bắt buộc tại Luật Di sản văn hóa, bản đề án trên không được “luật hóa” để có sự liên thông với các phương án xây dựng, quy hoạch đô thị sau đó.

Các chuyên gia của Viện Khảo cổ cũng không nhận được yêu cầu và kinh phí để tiếp tục nghiên cứu sâu và hoàn thiện bản “quy hoạch khảo cổ” này ở mức chi tiết hơn. Cho đến nay, bản đề án này vẫn ở dạng “treo” và bị chìm dần vào quên lãng…

Ai chịu trách nhiệm trong chuyện này? Các nhà khoa học? Không hẳn. Các nhà khoa học cũng đã làm hết mình. Câu hỏi trên xin được dành cho các cơ quan chức năng quản lý, mà trực tiếp là Sở VH-TT&DL Hà Nội và cuối cùng là Bộ VH-TT&DL.

Khi các cơ quan chức năng của TP Hà Nội còn chưa lên tiếng chính thức về vấn đề bảo tồn di tích đàn Xã Tắc thì dĩ nhiên dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi: Sau “tiền lệ” phá di tích đàn Xã Tắc để làm dự án xây cầu vượt giao thông thì tới đây Hà Nội còn có bao nhiêu “ca” tương tự như thế nữa? Bao nhiêu di tích sẽ bị xóa sổ? Và với những hành động, lối nghĩ, cách quản lý di tích như hiện nay thì chúng ta sẽ là gì trong mắt hậu thế mai sau?

“Dùng dằng” trong tổ chức hội thảo khoa học về đàn Xã Tắc

Chiều ngày 28/5, ông Phan Đăng Long - Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: “Hà Nội chưa tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học về Đàn Xã Tắc. Cụ thể về thời gian, địa điểm là do UBND thành phố quyết định”.

Trước đó, xung quanh những tranh cãi của các nhà khoa học về dự án xây cầu vượt giao thông qua đàn Xã Tắc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có công văn trả lời Hội khoa học lịch sử Việt Nam.

Theo đó, Bí thư thành ủy chỉ đạo thành phố sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Hội Khoa học lịch sử. Sau khi có đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, thành phố sẽ phê duyệt phương án xây dựng theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, sau nhiều ngày hứa hẹn, tới nay Hà Nội vẫn chưa thể đứng ra tổ chức một hội thảo để lấy ý kiến của đầy đủ các nhà khoa học có chuyên môn.

Tuy nhiên, từ đó đến nay TP Hà Nội vẫn chưa tổ chức được cuộc hội thảo khoa học này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại