Cô bé Rơ Châm H’Pnhiêng (dân tộc J'rai, gốc ở xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã trở thành "người rừng" sau 18 năm đi lạc. Năm 1989, H’Pnhiêng lúc đó 8 tuổi. Một hôm đi chăn bò, mải tìm bò lạc em đã đi sâu vào rừng rồi lạc mất đường về. Đầu tháng 1/2007, một tốp thợ sơn tràng khai thác gỗ ở khu vực làng Xom, huyện Ozađao (tỉnh Ratanakiri, Campuchia, cách Đức Cơ 80km) chợt nhận ra một hiện tượng không bình thường: Cơm họ nấu để dành bữa trưa luôn có ai đó ăn vụng. Bực mình, nhóm người này quyết rình để bắt cho được thủ phạm. Đến trưa 13/1/2007, lúc bắt được “kẻ trộm”, không ai tin vào mắt mình. Đó là một hình hài đen đúa, không mảnh vải che thân, tóc rối bù dài chấm gót, chỉ ú ớ được đôi tiếng không rõ nghĩa. Đó chính là Rơ Châm H’Pnhiêng. (Theo Tuổi Trẻ)
>> Xem clip: Gặp lại "người rừng" Rơ Chăm H'Pnhiêng
(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Ông Chu Văn Chìu (SN 1953, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) rời bỏ thôn xóm vào rừng sống kiếp "nguyên thủy" hơn 20 năm vì muốn "chạy trốn" hôn nhân. Chỗ ở của "người rừng" này rộng chừng 7m2, dài 5m. Ông tự trồng đu đủ, bí ngô…lấy làm thức ăn để sinh sống qua ngày.
Đây là “căn nhà” cạnh dòng sông Tô Lịch (P. Nghĩa Đô, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) của "người rừng" Trương Văn Tuất (SN 1946). Cuộc sống của ông không đèn điện, không nước, không có căn nhà kiên cố để ở. Mọi đồ vật, tài sản mà ông có đều là những thứ ông được cho hay nhặt được. Tháng 1/2014, ông Tuất được chính quyền địa phương chuyển lên Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (Ba Vì, Hà Nội) để được chăm sóc.
Tháng 6/2014,người dân thôn Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai) phát hiện một người đàn ông sống trong hang đá gần 10 năm, tên Siu Broang (khoảng 35 tuổi). Râu, tóc của “người rừng” dài tận lưng, nước da vàng và có biệt tài nhảy trên hốc đá như vượn. "Người rừng" này cũng không nói được tiếng Kinh. (Ảnh: Lao Động)
A Sáng (50 tuổi, tên thật là Gịp A Dưỡng, người thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) cùng gia đình sống 32 năm trong rừng. “Căn nhà” của A Sáng nằm lọt thỏm giữa rừng già huyện Bắc Bình, giáp ranh với tiểu khu 22 rừng phòng hộ Tuy Phong. Gia đình sáu người trong đó có bốn trẻ em sống giữa rừng, cách biệt với thế giới bên ngoài chỉ vì nghèo khổ và bế tắc. A Sáng đã thức nhiều đêm đến khi gà rừng gáy sáng vì câu hỏi của vợ con: “Khi nào mình được về làng?”. (Theo Pháp luật TP.HCM)
Chiều tối 7/8/2013, người rừng Hồ Văn Lang (trong ảnh, SN 1968) và cha là Hồ Văn Thanh (SN 1931) đã được lực lượng chức năng huyện Tây Trà đưa trở về sau 40 năm sống trong rừng sâu. Câu chuyện gây xôn xao dư luận trong nước và báo giới nước ngoài. Hiện 2 cha con "người rừng" này đã hòa nhập với cuộc sống mới. Tuy vậy, họ vẫn không nguôi nỗi nhớ rừng. (Ảnh: Dân Việt)
>> Xem clip: Đưa "người rừng" trở về sau 40 năm sống trong rừng sâu
(Nguồn: VTV)