Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thành phố hiện kết nối với 42 tỉnh (thành phố) trên cả nước với 540 tuyến vận tải của 404 đơn vị vận tải (trong đó có 59 đơn vị có trụ sở, chi nhánh trên địa bàn Hà Nội), khối lượng vận chuyển hàng năm đạt trên 61 triệu lượt hành khách đáp ứng tốt nhu cầu của người dân đi và đến Hà Nội (ngay cả trong các dịp cao điểm ngày lễ, tết,...).
Hiện việc chấp thuận xe ra vào bến hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2015 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Sau khi Bộ GTVT ban hành quy hoạch chi tiết, Sở GTVT Hà Nội đã niêm yết trên Trang thông tin điện tử của Sở, đồng thời tổ chức hướng dẫn các đơn vị vận tải, Hiệp hội vận tải Hà Nội, các đơn vị khai thác bến xe triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết.
(Ảnh minh họa)
Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với các Sở GTVT liên quan để thống nhất và xây dựng biểu đồ chạy xe cho các tuyến tăng tần suất, các tuyến mở mới để công bố đúng tiến độ.
Trước đó, tháng 12/2014, Sở GTVT Hà Nội đã công bố toàn bộ biểu đồ chạy xe của các tuyến trên cổng trên Trang thông tin điện tử của Sở.
Khẳng định, thẩm quyền cấp, chấp thuận xe ra vào bến thuộc Sở Giao thông vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh ở tỉnh, thành nào thì đăng ký khai thác ở tỉnh, thành đó.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã niêm yết công khai quy trình, thủ tục chấp thuận xe ra vào bến tại bộ phận 1 cửa.
Theo đó, đơn vị vận tải có trụ sở chính, trụ sở chi nhánh trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký khai thác hoặc đề nghị điều chỉnh tăng tần suất chạy xe, điều chỉnh phương án khai thác (đổi giờ, hành trình, đổi bến) đến Sở GTVT Hà Nội (theo đường bưu điện hoặc trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính "một cửa" Sở GTVT Hà Nội).
Sở GTVT Hà Nội sẽ căn cứ quy hoạch chi tiết để có văn bản gửi đến Sở GTVT tỉnh (thành phố) có liên quan để lấy ý kiến.
Sau khi có ý kiến phúc đáp, Sở GTVT Hà Nội có văn bản trả lời các đơn vị kinh doanh vận tải đề nghị. Kết quả được gửi đến đơn vị vận tải Bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính "một cửa" cửa hoặc theo đường bưu điện để gửi đến đơn vị vận tải.
Đối với các đơn vị do Sở GTVT các tỉnh (thành phố) quản lý: Sở GTVT Hà Nội căn cứ vào văn bản của Sở GTVT đầu tuyến phía bên kia và quy hoạch chi tiết để có văn bản phúc đáp.
Căn cứ ý kiến trả lời của Sở GTVT Hà Nội, xét thấy đủ điều kiện thì Sở GTVT đầu tuyến liên quan có văn bản trả lời các đơn vị theo quy định.
“Hiện nay chất lượng dịch vụ tại một số bến xe còn chưa được tốt, dẫn đến tính hấp dẫn đối với hành khách còn hạn chế.
Hơn nữa, do việc hạn chế xe vào một số bến xe ở các khu vực có nhu cầu lớn dẫn đến phát sinh hiện tượng "xe dù", "bến cóc", xe chạy sai hành trình, vượt tuyến.
Do đó, kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 63/2014/TT-BGTVT cho phù hợp với thực tế theo hướng giảm thủ tục hành chính vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải”, Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 6 bến xe chính là bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa (trực thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội) và hai bến xã hội hoá là: Nước Ngầm và Lương Yên; ba bến xe có qui mô nhỏ là: Sơn Tây, Trôi, Phùng. (Các tuyến tại bến xe Nam Thăng Long đã chuyển về bến xe Mỹ Đình từ 25/6/2015).