Sập cầu ở Lai Châu là do lỗi thi công?

“Bà con không có lỗi gì hết. Lỗi này là do thi công, kỹ thuật, chất lượng công trình…”

Trước ý kiến cho rằng, vì người dân đi quá đông trên cầu, gây cộng hưởng, dẫn đến sập cầu, bà con đã sử dụng cây cầu không đúng cách, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống khẳng định: “Bà con không có lỗi gì hết. Lỗi này là do thi công, kỹ thuật, chất lượng công trình. Chất lượng công trình này tại sao lại như vậy thì phải điều tra, tìm nguyên nhân”.

PV: Cụ thể, sẽ có các bên nào liên quan đến tai nạn thương tâm này, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Đình Cống: Các cơ quan chức năng phải điều tra, qui kết trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân cụ thể. Có 3 bên tham gia vào nhưng tội của mỗi bên như thế nào thì chưa rõ.

Bên thứ nhất phải xem xét là thiết kế có đúng không. Nếu thiết kế đúng thì loại ra, vô tội.

Thứ hai là người thi công. Thiết kế đúng rồi thì anh có làm theo đúng thiết kế không? Nếu làm đúng thiết kế thì lại phải xem lại thiết kế.

Thứ ba là anh giám sát, trông coi. Tại sao làm hỏng, làm sai mà vẫn để người ta làm? Và anh Tổng chỉ huy công trình trách nhiệm đến đâu.

 

PV: Cảnh báo tải trọng được ghi ở đầu cầu là 1,5 tấn. Liệu số người đi trên cây cầu này thời điểm xảy ra vụ tai nạn đã vượt quá thông số cho phép, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Đình Cống: Tải trọng 1,5 tấn là biển cắm ở đầu cầu. Có nghĩa là xe quá 1,5 tấn thì không qua được. Chứ không phải cả cây cầu ấy chỉ chịu được 1,5 tấn. cây cầu dài 54m thì cứ trên 1m2 của mặt cầu ít nhất phải chịu được người đi lại lả 300kg. 1,5 tấn là có 1 vật nặng như vậy. Nhưng cũng có thể cùng lúc có 5-7 vật đi qua. Nghĩa là chỉ cho xe tải dưới 1,5 tấn. Nếu ô tô đi lọt thì chỉ được phép dưới 1,5 tấn. Chứ không phải toàn cầu chịu 1,5 tấn.

PV: Thưa ông, nguyên nhân ban đầu của vụ sập cầu được xác định là đứt ốc neo trụ cầu, ông có ý kiến gì về kết luận này?

GS.TS Nguyễn Đình Cống: Nguyên nhân kỹ thuật là đứt vòng cáp neo. Còn tại sao nó đứt? Vì chất lượng kém. Vì sao chất lượng kém? Vì nhà sản xuất ra kém… Vì sao lại làm thế, vì có thể họ biết nhưng vẫn làm và có thể có người khác bảo họ làm thế…

Khi đi tìm một nguyên nhân thì có một nguyên nhân rõ ràng trước mắt, đó là nguyên nhân kỹ thuật, và một nguyên nhân thứ hai là về con người - Ai làm?

PV: Vậy theo đúng yêu cầu kỹ thuật thì ốc neo trụ cầu phải làm thế nào, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Đình Cống: Yêu cầu phải làm chắc chắn, vật liệu tốt… Chỗ này phải hỏi lại khâu thiết kế. Có thể đó là điểm rất yếu. Đầu tiên phải xem làm có đúng thiết kế chưa, nếu làm đúng rồi mà đứt thì tội là tội của thiết kế.

Các nhà thiết kế, thi công, xây dựng phải tính đến các phương án xấu nhất khi xây dựng cầu để tránh. Nếu thiết kế mà không tính thì thiết kế mắc tội.

PV: Việc rà soát các loại cầu treo trong nước có phải là yêu cầu bức thiết hiện nay, thưa ông?

GS. TS Nguyễn Đình Cống: Chúng ta không cần vội vàng, đừng “mất bò mới lo làm chuồng”. Việc kiểm tra, rà soát lại các cây cầu là cần thiết nhưng không vội. Việc kiểm tra phải từ từ mới chắc chắn được.

PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có nghi hoặc gì với hệ thống cầu treo Việt Nam hay không?

GS.TS Nguyễn Đình Cống: Tôi không nghi ngờ gì vì hệ thống cầu treo ở Việt Nam. Các cây cầu được thiết kế rất chắc chắn, ví dụ như cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ, cầu sông Tiền, sông Hậu… Chỉ có điều, khi đưa vào sử dụng, nhiều người không có ý thức đã phá cầu, tháo bu-lông, ốc vít… của cầu để bán sắt vụn.

Tôi chỉ đặt nghi vấn với những cầu treo làm ở miền núi, những cầu khỉ… Cầu treo làm bằng dây cáp, dây thép thì đề phòng bị han gỉ; làm bằng tre mây thì đề phòng mục nát. Chính vì thế phải có kiểm tra định kỳ để tránh những tai nạn đáng tiếc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tôi không tin là tải trọng quá lớn vì tuy người đưa tang trên cầu có đông hơn bình thường nhưng chưa thể vượt quá tải trọng thiết kế và khả năng xẩy ra cộng hưởng là không có. Nguyên nhân trước mắt do đứt móc là rõ ràng. Tôi muốn tìm nguyên nhân sâu xa và cho rằng việc phải đút lót, hối lộ cho những người có quyền cộng với sự thiếu trách nhiệm (của thiết kế, của thi công hoặc của giám sát) đã dẫn tới chất lượng kết cấu không bảo đảm (nên mới bị đứt khi chịu lực chưa lớn lắm).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại