Săn trâu luông và nguy hiểm cận kề

Để bắt được những chú “trâu nhà hóa trâu rừng”, nếu không có kinh nghiệm, sự mưu trí và dũng cảm thì không những không bắt được trâu mà còn gây nguy hiểm cho bản thân.

Thả... trâu về rừng

Khi chưa về vùng tái định cư, Hương Điền, Hương Quang là những xã nằm sâu trong Vườn quốc gia Vũ Quang. Với lợi thế diện tích rừng núi rộng, nhiều hộ dân đã đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế. Hộ ít thì 2-3 con, hộ nhiều thì 5-7 con. Khác với lối chăn dắt truyền thống, người dân hai xã không tốn công nuôi mà thả vào rừng, lấy rừng làm chuồng. Trâu, bò phải tự kiếm ăn trong rừng sâu và vượt qua mọi dịch bệnh để tồn tại.

Anh Nguyễn Văn Hồng (Hương Quang) chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi chỉ thả ở mép rừng nhưng dần dần trâu ở trong đó luôn. Khi nào muốn bán, chúng tôi mới bắt về”.

Trâu nhà thả rông trong rừng sâu từ năm này qua năm khác nên dần quen với lối sống hoang dã. Đặc biệt, nhiều hộ ban đầu chỉ thả vào rừng 2 con nhưng sau một vài năm đã tăng lên 3-4 con. Những chú nghé con sinh ra trong môi trường tự nhiên, không được con người thuần thục, rong ruổi với cuộc sống núi rừng nên lớn lên trở thành những con trâu rừng vừa nhút nhát, vừa hung dữ.

Theo người dân, để lùa được trâu về nhà rất khó khăn. Do sống trong môi trường tự nhiên quá lâu nên khi nghe tiếng người là trâu trốn mất tăm, có khi cả tháng mới tìm được.

Săn trâu luông

Để bắt được những chú “trâu nhà hóa trâu rừng” (hay còn gọi là trâu luông) không hề dễ dàng. Nếu không có kinh nghiệm, sự mưu trí và dũng cảm thì không những không bắt được trâu mà còn gây nguy hiểm cho bản thân. Từ đó đã sinh ra một nghề mới - săn trâu luông.

Ở miền núi rừng Hương Quang, Hương Điền, nói về tài nghệ săn trâu luông không thể không nhắc đến ông Nguyễn Đình Lục. Theo chỉ dẫn của bà con, chúng tôi tìm về thị trấn Vũ Quang để gặp người thợ săn nổi tiếng một thời. Nhìn dáng người thấp gầy, nước da đen sạm, tôi không nghĩ rằng, người đàn ông này từng là “nỗi khiếp sợ” của hàng trăm chú trâu luông tại vùng núi Vũ Quang.

Dù đã bước qua tuổi 50, từ giã nghề săn trâu 2-3 năm, nhưng khi nhắc đến chuyện bắt trâu, bắt nghé trên rừng là nét mặt ông rạng ngời hẳn lên. Cái nghiệp săn trâu luông bén duyên với ông từ năm 1992. Lúc đó, rừng núi hoang sơ, bà con thường thả trâu, bò vào rừng và không lùa về. Những chú trâu trở nên nhút nhát. Khi bà con muốn bán hoặc bắt về cày kéo, ông bắt giúp rồi lấy công.

Thợ săn Nguyễn Đình Lục kể về lần bị trâu luông húc phải khâu 20 mũi.
Thợ săn Nguyễn Đình Lục kể về lần bị trâu luông húc phải khâu 20 mũi.

“Cũng như cái duyên, vì khi còn đi bộ đội, tôi thấy cách bà con dân tộc thiểu số bắt trâu rừng về làm thịt. Nhờ chút kinh nghiệm đó nên mới dám làm” - ông Lục bộc bạch.

Trâu rừng rất nhát, nghe tiếng người là trốn biệt tăm. Khi phát hiện trâu, việc đầu tiên của người thợ săn là phải nhanh chóng tìm một con suối gần đó rồi làm các rặc (rào), rộng vài ba chục mét. Sau đó chia người tản ra khua chiêng, gõ mõ để lùa trâu xuống con suối đã đặt rào. Khi trâu vào bẫy thì đặt thòng lọng, quàng cổ, trói chân bắt từng con và dùng một chú trâu làm mồi để dẫn trâu săn về chuồng, nhốt khoảng 3-4 ngày mới đưa về. Nhiều trường hợp phải dùng trâu mồi kéo gỗ để kéo trâu săn được.

“Khi đi bắt mới biết là khó. Vì có khi lùa cả tháng trâu vẫn không chịu vô rào. Vì vậy, săn trâu luông phải đông người hoặc có sự hỗ trợ của chó” - ông Lục chia sẻ.

Ngoài ông Lục thì hiện nay anh Phước, ông Bá cũng là những tay săn trâu luông cừ khôi của vùng Hương Quang, Hương Điền. Khác với bậc tiền bối, anh Phước không bắt trâu thuê mà mua luôn đàn trâu cho bà con rồi sau đó tự mình đi bắt. “Năm ngoái, nhà tôi mua 6 con với giá 49 triệu đồng nhưng đến nay chỉ mới bắt được 3 con” - chị Loan, vợ anh Phước cho biết.

Còn anh Lương Sỹ Thanh (Sơn Thọ) mua đàn trâu 10 con với giá 60 triệu đồng nhưng đến nay, sau nhiều nỗ lực, anh mới bắt được 2 con. Hiện nay, anh phải thuê thợ lên rừng để bắt nốt số còn lại.

Thường trực hiểm nguy

Với những thợ săn như: ông Lục, anh Phước, ông Bá..., săn trâu luông là một nghề kiếm sống, nâng cao thu nhập cho gia đình. Vì vậy, đối mặt với hiểm nguy là điều bình thường.

Những chuồng trâu kiên cố được làm ở ven bìa rừng Vườn quốc gia Vũ Quang để giam những chú trâu luông khi bắt được.
Những chuồng trâu kiên cố được làm ở ven bìa rừng Vườn quốc gia Vũ Quang để giam những chú trâu luông khi bắt được.

Mặc dù trâu luông rất nhát, nhưng khi dùng thòng lọng bắt thì nó chống cự quyết liệt, không nhanh trí thì rất dễ bị trâu húc hoặc giẫm phải chân.

Ngoài ra, theo cựu thợ săn Nguyễn Đình Lục thì khi vào rừng, nhiều con trâu trốn trong lùm cây rậm bất ngờ tấn công. Ông đã từng bị trâu tấn công phải khâu 23 mũi ở chân. Ông Lục cũng kể cho tôi nghe câu chuyện ông Vận (trú tại xã Hương Đại, nay là thị trấn Vũ Quang) do không đề phòng nên bị trâu rừng húc vào bụng và chết ngay tại chỗ.

Có một điều thú vị nữa trong săn trâu luông là dù cả làng, xã đều thả trâu vào rừng, vài ba năm sau mới bắt về nhưng không bao giờ bắt nhầm. Theo lý giải của nhiều người là khi thả trâu, các hộ đã làm dấu để phân biệt. Hơn nữa, trâu một nhà thường đi chung với nhau, không lẫn sang trâu nhà khác. “Mỗi khi lùa được trâu vào rặc, việc đầu tiên là phải gọi chủ nhà lên nhận trâu, nếu đó là trâu của họ thì chúng tôi mới bắt. Ngoài ra, phải có sự xác nhận của chính quyền xã và đồn biên phòng” - ông Lục cho hay.

Rời khỏi Vườn quốc gia Vũ Quang sau một chuyến hành trình mệt nhọc, tôi chỉ mong người dân Hương Quang, Hương Điền nhanh chóng bắt hết đàn trâu để về với vùng đất mới, định cạnh, định cư, chấm dứt lối chăn nuôi đầy rủi ro này.

-----------

Xem thêm clip: Xe trâu chở xác máy bay trên đường phố Hà Nội

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại