Ba cuốn sách cho trẻ mầm non in cờ Trung Quốc
Trong vòng một tuần độc giả đã phát hiện 3 cuốn sách cho trẻ mầm non in lá cờ Trung Quốc. Đó là cuốn “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1" của Nhà xuất bản ( NXB) Dân Trí, tập 2 bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” của NXB Mỹ Thuật và cuốn “Bé làm quen với chữ cái" của NXB Sư Phạm.
Trang 16 của cuốn “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1” là trang dành cho bé tập kể chuyện với câu hỏi: "Trong tranh đã xảy ra chuyện gì nhỉ? Bé quan sát kỹ tranh, sau đó căn cứ vào nội dung trong tranh kể cho mọi người nghe một câu chuyện nhé". Phía dưới là bức tranh vẽ một em bé và một người phụ nữ đang đứng trước ngôi trường học. Ðiều khiến dư luận bất bình là trên cổng trường lại cắm cờ Trung Quốc.
Còn tại trang 8, tập 2 bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” với bài học dành cho trẻ mang tựa đề “Yêu Tổ quốc” có nội dung: “Tổ quốc của chúng ta là Việt Nam. Quốc kỳ của chúng ta chính là lá cờ đỏ sao vàng. Bé hãy tô màu đúng cho lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc ta nhé”. Ở phía dưới là hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam chưa tô màu, trong khi đó, hình bên cạnh về phía tay phải là hình ảnh một em nhỏ đang cầm... lá cờ Trung Quốc.
Cuốn "Bé làm quen với chữ cái" (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1) của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, NXB Đại Học Sư Phạm, được nộp lưu chiểu tháng 1/2012. Ở bài 14 (học chữ C) có in những con vật, đồ vật có chữ cái là “C”, trong đó có lá cờ của… Trung Quốc.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng đây là những lỗi biên tập, biên soạn rất đáng buồn, nếu không phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của trẻ nhỏ. Bởi lẽ, lứa tuổi mầm non là bắt đầu biết nhận thức, tiếp thu kiến thức từ sách vở, người khác truyền lại nên sách giáo khoa dạy cho trẻ phải chuẩn chỉ từng câu chữ, từng hình ảnh. Để một cuốn sách đã phát hành bị lỗi, trách nhiệm thuộc về tác giả và biên tập, NXB và đối tác liên kết, Cục Xuất bản.
Sau khi tiếp nhận phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT đã xác minh thông tin và kết luận bộ sách này không phù hợp với chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT. Theo đó, Bộ đã có công văn kiến nghị thu hồi và yêu cầu các đơn vị giáo dục không mua và sử dụng bộ sách này.
Với cuốn sách “Bé làm quen với chữ cái”, Bộ GD – ĐT yêu cầu NXB ĐH Sư phạm thu hồi toàn bộ sách học vần có in cờ Trung Quốc và làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Cuốn sách có nội dung không đúng với quy định của Bộ GD-ĐT về mục tiêu, nội dung giáo dục trong nhà trường, gây bức xúc trong xã hội.
Đồng thời, để tránh những sai sót tương tự, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các NXB Việt Nam và các trường ĐH có NXB rà soát, loại bỏ các nội dung trong xuất bản phẩm không phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục và đào tạo theo quy định, đặc biệt lưu ý đối với các sách dịch, sách mua bản quyền, sách liên kết xuất bản. Tuyệt đối không xuất bản và phát hành các loại xuất bản phẩm không đúng với pháp luật, không phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý và thuần phong mỹ tục Việt Nam.
“Sách mua bản quyền cũng phải hợp thuần phong mỹ tục”
Trao đổi với PV , ông Lưu Xuân Lý, Giám đốc NXB Văn hóa dân tộc cho rằng, liên kết xuất bản là phải tôn trọng những quy định, cam kết của đối tác nhưng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và đúng quy định về luật xuất bản.
“Những NXB và người tham gia làm sách tuân thủ theo luật, theo nghiệp vụ, nhạy cảm của người biên tập. Ở một số nước, sách in tranh biếm họa của tổng thống, thậm chí in hình tổng thống vào đồ lót là bình thường nhưng ở Việt Nam thì không được phép vì nó không phù hợp.
Hoặc có những cuốn sách, cuốn truyện nước ngoài, có những đoạn cơ bản nội dung cuốn sách tốt nhưng có những đoạn nếu để nguyên dịch ra thì không thể được vì không phù hợp với với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đành rằng, khi dịch phải tôn trọng giá trị toàn vẹn của tác phẩm nhưng không phải toàn vẹn từng từ từng chữ, từng hình ảnh. Vì thế, người làm sách ngoài nghiệp vụ, phải có sự nhạy cảm, hiểu biết về chính trị.
Sách đã qua NXB là phải theo một quy trình, phải có biên tập, có nghiệp vụ chứ không phải phô tô, chụp lại là xong. Thế nhưng có lẽ những người làm những cuốn sách bị lỗi kia đã không tôn trọng quy trình đó.
Đây là lỗi người làm sách chứ không thể đổ hết lỗi cho việc ký cam kết với đơn vị bán bản quyền được. Mình tôn trọng nội dung cuốn sách nhưng vẫn phải có sự biên tập lại cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, với văn hóa người Việt”, ông Lý nói.
Tuy nhiên, ông Lý cũng cho rằng, về mặt cuốn sách, khi phát hành là đã hợp pháp, khâu hậu kiểm chủ yếu do xã hội. Khi phát hiện lỗi, các nhà quản lý không nên xử lý một cách quá cực đoan vì trong quá trình làm sách cũng có những phát sinh ngoài ý muốn. Vì thế việc nhà nước chỉ đạo thu hồi, tiêu hủy là không cần thiết mà nên để cho các nhà xuất bản tự xử lý, có thể họ thu hồi về sửa lỗi sau đó đưa cuốn sách trở lại thị trường.
Ông Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng lại cho rằng cần phải thu hồi tất cả các cuốn sách có in cờ Trung Quốc và coi đây là bài học đau xót, xương máu về công tác biên soạn sách.
“Những cuốn sách đó đã sai nghiêm trọng từ khâu biên tập đến khâu xét duyệt. Ngoài lỗi này, sách mua bản quyền ở nước ngoài của ta còn nhiều lỗi lắm. Sau câu chuyện này, chúng ta cần phải đặt câu hỏi tại sao tự không làm được những cuốn sách dùng cho học sinh mầm non mà phải mua bản quyền của nước ngoài. Câu hỏi này có lẽ phải hỏi các nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục”, ông Tiến nói.