Rùng mình chuyện tắm truồng, vệ sinh túi nilon và đời tủi nhục của người vô gia cư HN

Trần Quân - Nguyên Long (Theo TTĐS) |

(Soha.vn) - Giận người con trai cướp sổ đỏ của gia đình, cụ bà Nguyễn Thị Loan - 80 tuổi, cùng chồng bỏ xứ lên Hà Nội, lang thang khắp phố, lấy vỉa hè, gầm cầu làm nơi ngủ nghỉ cho qua ngày.

Chuyện khủng khiếp ít biết về cuộc đời của những người vô gia cư trên đất Hà thành

Mùa đông, có người phụ nữ phải tắm truồng ở bãi chợ Long Biên, bên sự che chắn của các cỗ xe tải. Có người vì bị hãm hiếp tập thể mà dính đủ các bệnh xã hội rồi phải làm điếm. Có bà cụ nhiều năm nay phải trùm chăn, quây áo mưa ở góc phố, đi vệ sinh vào túi nilon rồi ném vào thùng rác. Ban ngày thì “đi tiểu” ở bất cứ góc khuất có thể của Hà thành, lúc có đồng bạc lẻ của bố thí thì mới dám đi “vệ sinh” ở nhà vệ sinh công cộng. Chiều đến lại vào một góc vỉa hè tắm rửa bằng can nước nhỏ. 

Thế giới người vô gia cư trên đất Thủ đô, chứa đầy nước mắt và sự tủi nhục và chứa cả chút trăn trở buốt lòng của những người chăn ấm đệm êm, ăn sung mặc sướng khác. Tôi viết bài này trong một đêm bão về, mưa ngập đường phố Hà Nội, và tự hỏi: hàng trăm người vô gia cư đó, bây giờ chạy đi tá túc ở đâu?

“Đời tôi thế này là khổ nhục hết cỡ rồi. Hơn 80 tuổi rồi, mà vẫn sống ở lề phố, xó chợ, đợi đến nửa đêm người ta đóng cửa hàng mới rón rén nằm được vào mái hiên đó, cháu bảo còn gì khổ hơn!?”, bà cụ Nguyễn Thị Loan, nói, rồi khóc. 


	Bà Nguyễn Thị Loan

Bà Nguyễn Thị Loan

Bà Loan đi lang thang nay đây mai đó, Hà Nội dăm bảy triệu dân, chúng tôi cũng khó tìm lại được bà. Sau quá trình lùng kiếm nhiều lần, tôi quyết định liên lạc với tổ chức của những bạn trẻ mang tên “Ấm” (ấm áp tình người).  Hàng tuần họ đều đặn chuẩn bị 65 suất quà, tìm gặp ít nhất 65 người vô gia cư để phân phát. Mỗi suất có đủ bánh mỳ ruốc, cơm nắm kèm giò chả, hai chai nước suối, hai hộp sữa. Thậm chí cả nồi niêu, quần áo và thuốc men chữa bệnh.

Hoàng Long - một cư dân phố cổ, 20 tuổi, là thành viên nhóm “Ấm”, hoạt động rất tích cực và khá am hiểu tình hình những người nằm “đầu đường xó chợ” của Thủ đô - dẫn tôi đi thị sát. Kể cả những đêm mưa to gió lớn, cứ 12 giờ đêm chúng tôi mới bắt đầu lên đường. Bởi giờ đó, Hà Nội mới bớt ồn ào, các cửa hiệu mới đóng quầy, và vỉa hè, mái hiên các ngôi nhà, cửa hàng mới có chỗ để người vô gia cư ngồi, nằm. 

Đó cũng là lúc người vô gia cư không đi nhặt rác, không đi bán phế liệu và không đi bán hàng rong, ăn xin được. Lúc đó, bà Loan và những người khác mới về đến “căn cứ địa” của họ.

Lại nói chuyện bà cụ Nguyễn Thị Loan. Qua tâm sự nhiều lần bà mới tin tưởng mà kể chuyện đời mình, còn trước đó cứ giản dị mà rằng: “Cháu cho bà hai ba chục nghìn, bà ăn bữa tối, ăn bữa trưa, chứ chuyện trò làm gì, đời cay đắng lắm”.

Bà thường cáu với tôi mỗi khi tôi hỏi chuyện về người con trai: “Đấy, mày lại hỏi về thằng con trai trời đánh của bà rồi. Chồng bà chết còn di huấn lại là không cho nó chống gậy để tang cơ mà. Cả nhà đang xé khăn tang, nó mò lên xin được chịu tang bố, nhưng bà vác gậy đuổi thẳng. Mày nhắc thằng ấy lại làm bà… không muốn nói chuyện nữa. Được hai thằng con trai rõ ngoan thì chết vì lũ cuốn ở Điện Biên, thằng bố láo cướp sổ đỏ của bố mẹ thì nó sống nhe răng!”.

Hầu hết người bỏ xứ lên Hà Nội lang thang, lấy gầm cầu bến xe, cuối chợ góc phố làm nhà, họ đều có nỗi cay đắng, tủi giận với người thân. Đói nghèo, thất nghiệp không phải là lý do chính để họ cất bước ra đi. Mà sự oán hận là nguyên nhân chính. Bà Loan tự giới thiệu mình tên là Nguyễn Thị Loan, nhà ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (sau này nhờ công an xác minh, chúng tôi mới biết bà nói thật).


	Bà Nguyễn Thi Loan vẫn ngày đêm lang thang ở khu vực Bốt Hàng Đậu - chỗ đầu đường Quán Thánh - Hàng Than, Hà Nội

Bà Nguyễn Thi Loan vẫn ngày đêm lang thang ở khu vực Bốt Hàng Đậu - chỗ đầu đường Quán Thánh - Hàng Than, Hà Nội

Những người dân xung quanh kể, đã từ lâu lắm, tóc bà vẫn bạc trắng như thế, da nhăn nheo như thế. Ngày chồng còn sống, có lúc ông bà ngủ trên các vỉa hè phố cổ, có khi cả năm vợ chồng bà “định cư” ở cổng chợ Đồng Xuân, ăn ngủ, tắm giặt và phóng uế quanh đó. 

Bây giờ, bà cụ vẫn ngày đêm lang thang ở khu vực Bốt Hàng Đậu, chỗ đầu đường Quán Thánh - Hàng Than, Hà Nội. Ngày, bà ngồi ở ven bốt, dựa sát vào thành đá của bốt, là hai cái làn. Một cái đựng quần áo, hộp đựng thức ăn. Một cái thì đựng cuốn kinh nhà Phật, kèm theo bức ảnh thờ ông chồng vừa mới chết chưa tròn giỗ đầu. 

Bà lọc bớt đồ đạc, sao cho cả gia sản phải để vừa trong hai cái làn ấy. Cái chăn người ta cho để đắp, bà đắp vài hôm là lại “tặng” người vô gia cư khác cùng cảnh ngộ, bởi bà không khênh nó đi được. Rét thì khoác áo mưa vào cho ấm, khó chịu, nhưng nhẹ nhàng, vừa đỡ lạnh lại che được cả mưa gió.

Bà cứ ngồi đó, ai cho tiền thì nhã nhặn giơ tay ra xin, cảm ơn chu đáo. Vì phải dọn chỗ ngồi cho sạch, nên tự bà khoác cho mình cái nhiệm vụ “ngăn chặn” những kẻ tiểu bậy. “Trước chỗ này khai lắm, khai đến mức không ai ngồi được, họ chỉ dựng cái xe máy vào đây rồi bịt mũi chạy đi. Giờ bà “chiến đấu” cho sạch bong”, bà Loan nói. 

Bà quét dọn sạch. Rồi bất kể ai, đặc biệt là cánh xe ôm lang thang chờ khách, cứ… chuẩn bị 'đái bậy' là bà đến nhắc, đứa nào cứng đầu thì bà chửi, bà già rồi, chả ngại ngùng gì khi nhắc người khác lúc họ… vạch ra.

Làm được việc tốt ấy, nên cán bộ cơ sở và bà con càng quý bà Loan. Để cho bà tá túc yên bình nơi công cộng “trăm ông đi qua nghìn bà đi lại” đó. Hôm nào khỏe, bà quét dọn sạch sẽ cả cái ngõ chỗ tiệm vàng đối diện Bốt Hàng Đậu, người ta thấy thế, thương tình lại cho bà mấy chục nghìn ăn cái bánh mỳ hay vài đùm cơm nắm để ăn qua ngày đoạn tháng. 

“Ngày nắng thì nóng nực bụi bặm, ngày mưa thì ẩm ướt, rét mướt. Nhưng phải ra ngoài trời, với thân gầy, da mồi tóc bạc người ta trông thấy mới thương, mới… cho vài đồng bạc lẻ. Vả lại không ngồi vỉa hè thì biết ngồi đâu? Muốn ngủ thì phải chờ vợ chồng nhà cái bác bán mũ bảo hiểm ở đầu phố Hàng Đậu đóng cửa đi ngủ, thì mới có chỗ nằm nhờ ngoài mái hiên chứ. . 

Cũng phải giờ đó Hà Nội mới bớt ồn ào, mình ngủ ngoài phố chứ có phải ngủ ở nhà đâu, phố đông đúc ầm ĩ xe cộ thế này, ngủ thế nào được. Dưng mà tôi ngủ ít lắm, nằm khóc thương ông nhà tôi ăn ở phúc đức mà đến lúc sắp chết vẫn lang thang ngủ vỉa hè mái hiên của nhà người ta. Có ngủ được đâu!”, bà Loan nói.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại