Cảnh tượng đàn voi chạy ầm ầm giữa đêm khuya như tiếng gió xé, đất rung; những nương ngô, bãi mía bị quần nát chỉ sau một đêm; những ngôi nhà đổ ngổn ngang... đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân nhiều xã tại tỉnh Đồng Nai khi đàn voi rừng đói ăn từ rừng trở về.
“Ông voi” về làng
Tại địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, đàn voi rừng đã quần phá hoa màu của người dân từ tháng 5 cho đến nay. Tại ấp 4, hơn 1 tuần qua, đàn voi rừng trở lại đúng vào dịp xoài và mía đang vào vụ thu hoạch. Trước đó gần 1 tháng, đàn voi rừng này đã ăn, phá trắng vườn chuối và bắp của người dân ấp 7.
Suốt 1 tuần qua không đêm nào, đàn voi rừng không về phá hoa màu của người dân. Tần suất xuất hiện liên tục của đàn voi khiến người dân cảm thấy chán nản và lo sợ.
Ông Nguyễn Văn Trọng (ấp 2, xã Thanh Sơn) có 8 hecta xoài với hơn 1.200 gốc đang vào vụ thu hoạch, cầm trên tay những trái xoài rụng do voi quần phá kể lại: Nửa đêm tôi đang ngon giấc thì nghe tiếng ống bơ đặt ở hàng rào kêu leng keng kèm theo tiếng rào rào như tiếng gió thì giật mình bật dậy, chỉ kịp thốt lên “Ông Bồ về!” (đàn voi rừng về), rồi chạy như bay khỏi căn chòi mà không dám nhìn lại. “Biết là đàn voi rừng trở về ăn hoa màu nhưng lúc đó chỉ lo giữ được tính mạng là may lắm rồi!”, ông Trọng chia sẻ.
Sáng hôm sau, ra thăm vườn xoài thì dưới mỗi gốc xoài là hàng chục trái xoài rụng ngổn ngang, có trái còn nguyên, có trái thì chỉ còn một nửa vì “ông Bồ” đã xơi tái, nhiều gốc xoài bị bẻ cành, bẻ nhánh. Dọn dẹp “chiến trường” sau 1 đêm quần phá, ông Trọng gom được cả chục tạ xoài hỏng.
“Ông Bồ” còn tới thăm 2 mẫu mía của ông Nguyễn Văn Cao (ấp 4, xã Thanh Sơn). Đêm hôm đó, ông Cao không ra canh vườn mía, nhưng sáng hôm sau nghe tin “ông Bồ” về thăm, hộc tốc chạy ra vườn mía thì chỉ biết đứng ngẩn ngơ trước vườn mía cao ngút đầu người giờ chỉ còn là một bãi mía đổ ngổn ngang.
“Tôi biết nếu “ông Bồ” về thì kiểu gì cũng ghé thăm vườn mía nhà tôi. “Ông Bồ” rất khoái ăn mía. Từ khi vườn mía này còn nhỏ thì “ông” đã thăm rồi nhưng chưa ăn vì mía còn non. Bây giờ mía lớn, chưa kịp xuất cho nhà máy thì đã bị “ông Bồ” xơi tái hết”, ông Cao thảng thốt. Không chỉ vườn mía mà những gốc mía giống mới cắm xuống cũng bị đàn voi cày lên không thương tiếc...
Nỗi ám ảnh về voi rừng mạnh đến nỗi đêm về trên con đường liên xã Thanh Sơn, từ 21h tối, nhà nhà đã “cửa đóng then cài” để nhường lại địa bàn hoạt động cho đàn voi rừng. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn vài cái bóng đèn điện để khi nghe tiếng động thì bật sáng luôn hòng xua đuổi voi.
Bà Phạm Thị Lan - ấp trưởng ấp 4 giải thích: “Bây giờ, đàn voi rừng rất lì lợm và không sợ người, buổi tối trên con đường liên xã, đàn voi nghênh ngang tản bộ. Ngay bản thân tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh hú vía, khi mới 20h tối đang đưa đứa cháu ra trước nhà chơi thì nghe đàn chó sủa inh ỏi. Thấy lạ, tôi nhìn quanh thì thấy ông voi “ba chỉa” đang đứng ngay cạnh lúc nào mà không hay. Lúc đó, tôi chỉ kịp bịt miệng thằng nhỏ và ôm nó chạy thẳng vào nhà.
Ông voi nặng hàng tấn mà bước đi không một tiếng động khiến bà con càng hoang mang lo sợ, trời tối là đóng cửa, không cho con trẻ ra ngoài đường. Thậm chí nhiều người không dám chạy xe honda vào ban đêm vì “ông Bồ” rất dị ứng với tiếng động cơ này, hễ nghe thấy là “ông” lao tới tấn công liền.
“Ông Bồ” về! Cả ấp 4, xã Thanh Sơn nhà nào có hoa màu đều phải thức trắng đêm để canh vườn và xua đuổi voi. Mỗi nhà đều nổi một đống lửa lớn trong vườn hoa màu, quấn vải và tẩm xăng vào 1 đầu của cây sào dài 3m để làm đuốc, thêm 1 cái loa và đèn pin. Đã là đêm thứ 3 thức trắng để xua đuổi voi khỏi vườn xoài, ông Trọng chia sẻ: “Nói là xua đuổi voi nhưng chỉ đốt lửa, gọi loa inh ỏi để mong “ông Bồ” không ghé thăm vườn xoài của mình, chứ “ông Bồ” về mà hung hãn thì cũng chả ai dám tới gần, chỉ đứng ở xa mà nghe “ông” tàn phá hoa màu. Chán chê, lại nghe “ông” đá binh binh vào 2 cái bồn nước để ở vườn như đá bóng, khi “ông” bỏ đi thì mới tới thu dọn chiến trường”. Ông Tô Văn Tùng, ông Nguyễn Văn Cao đều bị voi phá từ 3 – 4 lần, thiệt hại gần 70.000m2 mía trồng năm thứ 2.
Voi – người cùng “kêu cứu”
Theo Chi cục Kiểm lâm Ðồng Nai, 4 xã gồm Mã Ðà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Tà Lài (huyện Tân Phú) và Thanh Sơn (huyện Ðịnh Quán) với hơn 6.000 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của voi. Chỉ tính riêng tại xã Phú Lý, từ năm 2007 đến nay, thiệt hại do voi gây ra hơn 167 ha hoa màu, 1.677 cây ăn trái lâu năm bị gãy đổ, chưa tính thiệt hại nhà cửa do voi giật sụp đổ.
Trên các cánh rừng của tỉnh Đồng Nai đã có 9 con voi chết. Cánh đây không lâu, con voi già duy nhất ở rừng phòng hộ Tân Phú bị giết tại tiểu khu 88, thuộc ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán. Theo nhận định của cơ quan chức năng, từ nhiều năm nay, cá thể voi này sống một mình trong khu vực thuộc BQL rừng phòng hộ Tân Phú rộng 14 ngàn hecta, thường ra khu dân cư ăn mía và các loại cây trái của người dân. Sau khi con voi già này chết thì đàn voi rừng bắt đầu di chuyển sang địa bàn xã Thanh Sơn để hoạt động.
Đến cuối năm 2010, một người dân ấp 2, xã Thanh Sơn dùng xe honda đi rà điện bắt cá tại khu vực suối Đá Bàn, gần VQG Cát Tiên thì gặp voi và bị đạp chết. Tại Ðồng Nai, kết quả khảo sát hiện tổng đàn voi có khoảng 12 - 13 con, đây là đàn voi có cả con đực, con cái và voi con sống biệt lập trong lãnh thổ Việt Nam cần được bảo tồn, phát triển.
Ông Tôn Hà Quốc Dũng – Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi Cục Kiểm lâm cho biết, do những năm gần đây sinh cảnh sống của đàn voi bị thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm nên tình trạng xung đột giữa voi và người ngày càng gay gắt.
Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết: Hiện đã có dự án bảo tồn voi, sử dụng các biện pháp như: Xây hàng rào điện dùng hệ thống năng lượng mặt trời để xua đuổi các đàn voi rừng hoang dã không về phá hoại mùa màng, đồng thời không làm nguy hại đến đàn voi, dùng nguồn điện thế cao gây giật, hoảng sợ nhưng không gây chết thú và người, không gây ảnh hưởng tới các loài khác.
Tổng chiều dài hàng rào điện là 50km, trong đó hàng rào điện cố định là 30km tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) và xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), hàng rào điện di động 20km được xây dựng thành nhiều điểm khác nhau và có thể di chuyển theo chu kỳ hoạt động của đàn voi.