Cách đây gần 10 năm, vùng đất này vẫn còn “rừng thiêng nước độc” ít người sinh sống, nhất ở khu vực ven núi.
Thế nhưng, vẫn có không ít khách tìm đến để cúng bái các thần linh và dâng hương miếu Bà Chúa Xứ ở núi Cấm, Châu Đốc.
Du khách đến đây không chỉ ngắm sơn cảnh, bái lễ mà còn để tìm mua bọ cạp sống về làm thuốc.
Họ truyền tay nhau rằng: Bọ cạp mang đi ngâm rượu thì trị được bệnh nhức mỏi, thậm chí, có thể cải thiện sinh lí nam giới, tăng cường “bản lĩnh đàn ông”, nên rất nhiều người tìm mua, nhất là phái mày râu.
Nơi đây, có nhiều các loài bò sát như: Rắn, rết, bọ cạp thì chẳng thiếu chi. Có cầu ắt có cung, nhiều người dân trong làng bắt đầu rủ nhau lên rừng săn bọ cạp về bán.
Việc săn bọ cạp dần trở thành một nghề phụ có thêm thu nhập, giảm bớt phần nào gánh nặng kinh tế gia đình.
Anh Phạm Văn Bé Hai (xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết: Tôi thường cùng với con trai ra đồng theo những hốc cây, bụi rậm để tìm bắt bọ cạp đem về bán.
Tôi làm nghề này cũng được 5 năm rồi. Trước đây, có nhiều bọ cạp lắm, nhưng bây giờ do có nhiều người bắt nên số lượng còn rất ít.
Nghề săn bọ cạp không cần đầu tư nhiều tiền vào trang bị dụng cụ, chỉ cần cái xẻng nhỏ để đào hang nơi bọ cạp trú ngụ, và chiếc móc bằng sắt dùng để thọc vào hang và chiếc xô đựng là đủ.
Dụng cụ đơn giản, nên ai cũng có thể hành nghề này, mấy em trai trong làng trạc 10 đến 15 tuổi, cũng có thể đi bắt bọ cạp sau giờ học kiếm thêm tiền trang trải việc học.
Bọ cạp thường sống ở các hốc cây mục, khe đá, vách núi, nên việc săn bắt gặp không ít khó khăn, nguy hiểm.
Thời gian đi săn lại thường vào lúc chập tối, hay giữa đêm nên càng nguy hiểm.
Bất cẩn một chút bị bò cạp đốt một vết thôi, nhẹ thì nhức cả buổi, nặng thì có thể gây sốt nhiều ngày, thậm chí phải nhập viện điều trị.
Thế nhưng, điều người dân sợ nhất vẫn là rắn, chúng thường nằm trực sẵn ngay lối đi bắt bò cạp, chỉ sơ ý không quan sát đề phòng, lập tức sẽ bị chúng tấn công tức thì.
Bác Trần Công Minh chia sẻ: "Trời tối, dùng đèn pha tìm bắt bọ cạp, nhưng sơ ý chút thôi là bị rắn tấn công liền.
Sợ nhất là rắn chàm quạp, chúng cực độc, bị rắn này cắn không chữa trị kịp thời có thể gây chết người như chơi".
Nghề săn bọ cạp Bảy Núi rất cực nhọc và nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có không ít người dân địa phương mưu sinh theo nghề này do thu nhập khá ổn.
Mỗi người có thể bắt từ 50 – 70 con bọ cạp một ngày, thu nhập bình quân từ 100 – 140 ngàn.
Với khoản thu nhập trên, dù nguy hiểm, cũng ít người dân có ý định bỏ nghề này để làm việc khác.
Bọ cạp sau khi săn bắt về, được các đầu mối đến tận nhà thu mua đem về các chợ bán, tập chung chủ yếu ở chợ Tịnh Biên do khu chợ lớn và có nhiều khách thập phương qua lại.
Ở đây, bọ cạp được bày bán quanh năm, không theo mùa và thường “hút” hàng.
Vì thế, mà nghề săn bọ cạp khá ổn định, thậm chí, nhiều gia đình đã chuyển hẳn sang nghề này để mưu sinh.
Ngoài việc được dùng để làm thuốc, bọ cạp còn được nhiều ông chủ coi là một trong những món đặc sản nhà hàng.
Một đĩa bọ cạp sau khi chế biến gồm khoảng chục con có giá hơn trăm nghìn.
Gắp một con bỏ miệng, cảm nhận đầu tiên của thực khách khi ăn loài côn trùng cực độc này là vị béo béo, bùi bùi pha chút ngòn ngọt.
Lớp “giáp” của con vật này cứng là thế, mà khi nhai giòn tan trong miệng. Một vị lạ rất khó tả, đặc biệt đến không thể chê được…
Chính vì “đầu ra” luôn rộng mở như vậy, nên không chỉ có người dân vùng Bảy Núi, mà ở cả các địa phương khác đã đổ xô đi bắt bọ cạp.
Tinh trạng này đã và đang không chỉ gây nguy hiểm cho chính những người dân mưu sinh, kiếm sống bằng nghề này, mà tương lai không xa, loài bò cạp này sẽ nhanh chóng bị tuyệt diệt một cách không thương tiếc.