Từ tháng Giêng đến tháng Tư (âm lịch) hằng năm, khi những dòng suối vào mùa cạn nước và nhất là khi cơn mưa rào đầu tiên của mùa hè trút xuống, trẻ em ở xã Nậm Pung háo hức rủ nhau đi dọc bờ suối tìm những con sâu đen - người ta thường gọi là “rết nước”, ẩn mình trong khe đá.
Kỳ công săn "lu bà ả dù"
Dòng suối Nậm Pung bắt nguồn từ cánh rừng già trên tận đỉnh Kin Chu Phìn, uốn mình qua những khe núi, chảy qua trung tâm xã rồi hòa vào suối Mường Hum xanh ngắt.
Vào mùa mưa, dòng suối đầy ăm ắp nước, nhưng khi mùa khô đến, dòng chảy thu nhỏ lại, lòng suối trơ ra những bãi đá sỏi chạy dài.
Lần này lên Nậm Pung, tôi may mắn được theo Lý Go Da, dân tộc Hà Nhì, thôn Kin Chu Phìn 2 cùng mấy bạn ngược suối Nậm Pung tìm loài sâu đá, tiếng Hà Nhì gọi là “lu bà ả dù”.
Dòng suối trong vắt tuôn chảy lấp lánh như dát bạc. Chỉ những tảng đá dưới lòng suối, Lý Go Da bảo: Sâu đá không bơi trong nước như cá, mà sống bám vào những tảng đá.
Mùa mưa, nước suối to, không bắt được sâu đâu. Phải đợi khi nước cạn mới tìm được…
Đám trẻ Hà Nhì ào xuống suối, đi như chạy trên những tảng đá và bắt đầu cuộc săn tìm “rết nước”.
Tôi theo mấy đứa trẻ lội ngược dòng. Nước suối trong veo, mát lạnh.
Đá dưới suối đóng rêu xanh trơn như đổ dầu. Để bắt được một con “rết nước” không dễ như tôi tưởng.
Mấy đứa trẻ phải lật từng tảng đá dưới suối lên, căng mắt tìm, vì loài “rết nước” bám chặt vào đá, lưng ngụy trang màu đen giống y tảng đá, rất khó phát hiện.
15 phút trôi qua, tôi đang nản chí vì cổ và lưng mỏi nhừ, hai tay bỏng rát vì cậy đá, bỗng giật mình vì tiếng hô to:
Đây rồi! Cao Thó Sa, cậu bé có nước da đen trũi và mái tóc rậm rì vàng hoe khoe “chiến lợi phẩm” là một con “rết nước” dài như ngón tay.
Lần đầu nhìn thấy “rết nước”, tôi sởn da gà. Người ta gọi nó là “rết nước” cũng không sai.
Con sâu có hàng chục cặp chân và cái đuôi nhọn hoắt trông không khác gì một con rết.
Tôi sợ nhất là hàm răng sắc nhọn của nó đang há ra để tấn công kẻ bắt mình.
Mặc dù mấy đứa trẻ khẳng định con sâu không có nọc độc, cắn vào tay chỉ đau một tí thôi, nhưng tim tôi vẫn như “ngừng đập” khi để nó bò vào tay mình.
Thả con sâu xuống nước, tôi để ý thấy nó bơi được nhờ có những chiếc lông giống như mái chèo khua nước dưới mỗi cặp chân.
Cao Thó Sa bảo: Chỗ nào có nhiều tảng đá to gần nhau và nhiều rêu thì dưới đó mới có nhiều sâu đá. Những con sâu to hay sống ở chỗ nước chảy xiết.
Bắt sâu đá cũng phải cẩn thận vì sâu to có thể cắn chảy máu tay, gặp cua đá phải biết cách bắt để không bị nó kẹp. Sợ nhất là gặp rắn.
Có người đi bắt sâu đá bị rắn cắn rồi đấy. Khi nắng xiên chênh chếch sườn núi, cả nhóm trẻ đã bắt được khoảng một vốc sâu đá.
Con nào cũng đen nhánh, béo núc từng ngấn. Lý Go Da vã nước suối lên mặt cho mát, nhoẻn miệng cười: Có hôm bọn em lấy đá đắp từng đoạn suối lại, “đỏ” thì bắt được cả một bát sâu to…
Ăn sâu đá gặp nhiều may mắn?
Săn “rết nước” là trò chơi thú vị đã có từ lâu của trẻ em dân tộc Hà Nhì, Dao đỏ ở Nậm Pung.
Những con sâu đá hình thù kỳ dị, trông đáng sợ, nhưng lại trở thành món khoái khẩu được người dân ở đây ưa thích.
Anh Vảng, nhà ở gần suối Nậm Pung, cho biết: “Sâu đá là loài côn trùng sống dưới suối luôn có nước chảy nên rất sạch.
Thức ăn chính của chúng là rong rêu, các con bọ nước nhỏ dưới lòng suối. Chế biến sâu đá cũng không quá khó.
Khi bắt được sâu về, cần ngâm nước muối khoảng 20 phút cho sạch nhớt bên ngoài, rồi bỏ đầu, rút ruột, chỉ lấy phần thân béo núc của nó.
Để món sâu đá ngon, cần tẩm ướp các loại gia vị, như nước mắm, muối, mì chính, tỏi, ớt, lá chanh thái nhỏ khoảng 10 phút cho ngấm, rồi cho lên bếp rang.
Món này cần rang nhỏ lửa, đảo đều tay đến khi sâu chín, thân cong lại, tỏa mùi thơm nhức mũi thì được”.
Nhìn đĩa sâu đá rang giòn được bày ra, ban đầu tôi còn chưa dám đụng đũa vì sợ.
Anh bạn làm giáo viên cắm bản ở Nậm Pung gắp vào bát tôi một con rồi bảo: Cứ ăn thử đi.
Món này hiếm, chỉ đãi khách quý thôi đấy, ngon lắm! Nói rồi anh cho một con vào miệng, nhai giòn tan, uống thêm chén rượu thóc rồi “khà” ngon lành.
Tôi tò mò xem món này thế nào, nên nhắm mắt ăn thử. Ngay lập tức cái vỏ giòn tan thơm cay và vị thịt bùi bùi của nó đã chinh phục được vị giác của tôi.
Sâu đá rang giòn chấm với nước mắm, cho thêm hạt tiêu, tỏi, ớt, chanh, hương vị vừa lạ miệng, vừa hấp dẫn.
Tuy nhiên, cũng có người bảo nếu không hợp thì lần đầu ăn món này có thể bị dị ứng.
Tôi dốc cạn chén rượu vào miệng, mấy thầy giáo nhìn tôi cười ngả nghiêng.
Trong câu chuyện về loài sâu đá, một anh bạn kể ở xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu), đồng bào dân tộc Thái cũng chế biến sâu đá thành món đặc sản.
Nhưng khác là người ta nhồi thịt cá bống băm nhỏ vào bụng từng con sâu rồi mới rang giòn.
Người Thái ở đó quan niệm ăn sâu đá sẽ gặp được nhiều may mắn.
Ở Nậm Pung mùa này lạnh, bên đĩa sâu đá ngồi nhâm nhi với rượu thóc Nậm Pung cùng những người bạn, câu chuyện cứ kéo dài mãi tới khuya.
Ngoài kia, suối Nậm Pung vẫn rì rầm chảy như kể câu chuyện bất tận về mảnh đất hoang sơ này.