Rối như tơ vò khi con thách thức cả đòn roi

Ngọc Trần |

(Soha.vn) - "Khi đánh mắng con, con bạn sẽ trơ ra dần dần thành chai sạn, đứa trẻ sẽ mất khả năng tự chủ, mất khả năng tư duy", nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất chia sẻ.

Chẳng có đứa trẻ nào thích bị đánh đòn cả

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình đang phải đau đầu với tình trạng con mình ngày một chai lì và "nhờn đòn". Tình trạng này khiến các bậc cha mẹ buộc phải tìm đến những chuyên gia tâm lý để mong tìm được những bài thuốc chữa chứng “bệnh” nguy kịch ấy của con trẻ.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn), đã có những nhìn nhận rất sâu sắc và đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh.

Vị chuyên gia này cho hay, sau nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực tâm lý, ông đúc rút ra được công thức rằng, một người đàn ông thường kính trọng cha mẹ, yêu vợ và sợ con. Sợ ở đây không phải là sợ hãi, không phải sợ con đối xử tệ bạc, không phụng dưỡng khi về già mà là sợ con không trưởng thành, không nghe lời và nhìn mình với ánh mắt không đáng mặt làm cha.

Kinh nghiệm này cho thấy, các bậc cha mẹ nên hiểu rằng, phải để con tâm phục, khẩu phục; chứ cứ chửi mắng, đánh đập, con chỉ sợ hãi ban đầu nhưng dần dần sẽ không đem lại tác dụng gì.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn).
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn).

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng trẻ "nhờn đòi", chai lì khi bị cha mẹ mắng mỏ, vị chuyên gia này phân tích: Chẳng có đứa trẻ nào thích bị đánh đòn cả.

Tuy nhiên, khi bị đánh, chúng sẽ nghĩ rằng, mình có phản ứng cũng không được nên đành nhẫn nhịn cho cha mẹ đánh, không nói, cũng chẳng cãi lại. Những lời mắng mỏ mạt xát sẽ làm trẻ tổn thương ghê gớm. Chúng sẽ có tâm lý kệ cho bố mẹ nói, không thèm nghe. Khi bố mẹ nói xong có đứa trẻ còn hỏi họ đã nói xong chưa.

Các ông bố bà mẹ không hề biết rằng, những lời nói của mình chỉ như “nước đổ lá khoai” và chuyện trẻ lặp lại sai phạm cũ chắc chắn sẽ lại xảy ra. Còn về phía cha mẹ, vì luôn muốn con thật nhanh nghe lời cộng với tâm lý cho rằng mình có quyền nên họ rất nôn nóng.

Nhìn nhận về hậu quả khôn lường của tình trạng trên, nhà nghiên cứu cho biết: Hành động đánh đập và những câu nói tổn thương đều có hại cho con trẻ. Khi đánh mắng con, con bạn sẽ trơ ra dần dần thành chai sạn, đứa trẻ sẽ mất khả năng tự chủ, mất khả năng tư duy.

Đặc biệt, khi bố mẹ chỉ biết mắng mỏ mà không biết lắng nghe con nói thì đứa trẻ sẽ không biết cách bày tỏ quan điểm của mình, từ đó sẽ mất khả năng lập luận, trình bày một vấn đề.

Lời nói có sức mạnh vạn năng

Có một lần, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất tiếp nhận một cuộc điện thoại giữa đêm khuya với tiếng nấc nghẹn ngào của một người phụ nữ.

Chị cho biết mình hiện đang sống ở Long Biên (Hà Nội) và làm chủ một chuỗi các cửa hàng thời trang. Điều kiện kinh tế gia đình khá giả, mọi chuyện trong cuộc sống đối với chị cơ bản đều rất ổn, duy chỉ có việc dạy con luôn khiến chị suy nghĩ rất nhiều.

Hiện chị có một cháu nhỏ đang học lớp 3. Để tiện đưa đón con, năm học vừa rồi, chị chuyển con đến một ngôi trường gần nhà. Chẳng hiểu sao, sau lần chuyển trường ấy, con chị trở nên lầm lì, ít nói và học tập sa sút hẳn.

Nhiều lần khuyên nhủ, dọa dẫm, thậm chí giơ cả đòn roi mà cậu bé vẫn cứ trơ ra không nói gì. Tìm gặp cô giáo chủ nhiệm, chị cũng chỉ nhận được một vài chia sẻ nho nhỏ và cô cho rằng đó là chuyện rất bình thường với một đứa trẻ mới chuyển trường.

. Hãy nhận lỗi về bản thân trước khi nói đến lỗi của con. (Ảnh minh họa)

Hãy nhận lỗi về bản thân trước khi nói đến lỗi của con. (Ảnh minh họa)

Bắt được “bệnh” của ca tư vấn, vị chuyên gia này mới kể lại cho vị phụ huynh trên câu chuyện của nhà bác học người Đức Anbe Anhxtanh.

Khi Anhxtanh vào lớp 1, trong một lần phạm lỗi, thầy giáo chủ nhiệm đã nói rằng cậu bé không thể học tốt và chẳng làm được gì.

Anhxtanh về nhà nói với mẹ rằng cậu sẽ không đi học nữa. Khi ấy, mẹ của Anhxtanh đã giang rộng vòng tay ôm cậu vào lòng và nói rằng: "Mẹ nuôi con khôn lớn và mẹ hiểu con có thể làm được. Thầy giáo mới gặp con nên thầy chưa hiểu về con. Nhưng mẹ chắc chắn trong suy nghĩ của thầy, thầy tin con có thể học tốt".

Sau này, khi đã thành tài, Anhxtanh có tâm sự rằng: "Không có câu nói của mẹ, chắc chắn tôi đã không thể trưởng thành".

Sau khi kể cho nhân vật câu chuyện trên, ông mới phân tích cho chị thấy sức mạnh của lời nói và lòng tin. Không nên chỉ biết mắng mỏ, dọa nạt con hay bắt ép con ngay lập tức phải nói ra điều gì đó.

Phương pháp dạy con tưởng chừng như “đao to búa lớn” là roi vọt lại trở thành “nước đổ lá khoai” và phản tác dụng. Con cái được dạy dỗ nghe theo lời bố mẹ lúc đó chỉ vì bị đòn đau chứ không phải đã biết nhận thức đúng đắn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại