Rối loạn sinh tủy: Bao nhiêu ca ghép tủy đã thành công?

Nguyễn Huệ |

Theo ThS Võ Thị Thanh Bình, khả năng thành công của ghép tủy phụ thuộc nhiều yếu tố như bệnh, giai đoạn ghép, nguồn tế bào gốc, tuổi người cho…

Thời gian vừa qua, thông tin về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh được các phương tiện thông tin đại chúng đưa khá nhiều.

Đáng chú ý, có thông tin ông Nguyễn Bá Thanh được chẩn đoán là mắc bệnh rối loạn sinh tủy.

Theo ông Bạch Quốc Khánh, Viện phó Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nếu được ghép tủy thì bệnh của ông Thanh có thể thuyên giảm. Ngay lập tức thông tin này được nhiều người quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân Đà Nẵng và Quảng Nam cho biết sẵn sàng hiến tủy cho ông Thanh. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc ghép tủy không đơn giản chỉ là việc cho - nhận tủy rồi ghép.

Để giúp bạn đọc hiểu hơn về việc ghép tủy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS Võ Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Ghép tế bào gốc (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương).

Tỷ lệ thành công tính được 70 – 80% tùy từng nhóm bệnh

ThS Võ Thị Thanh Bình cho biết: “Hiện tại, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã tiến hành ghép tự thân, ghép đồng loại.

Trong giai đoạn vừa qua, kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại điều trị bệnh ung thư máu có nguồn tế bào gốc là từ anh chị em ruột phù hợp về HLA (HLA - hệ kháng nguyên bạch cầu người).

Một số nhỏ những trường hợp bước đầu ghép phù hợp HLA một nửa, cộng với bắt đầu triển khai ghép máu cuống rốn. Nhưng tất cả mới là bắt đầu”.

Phương pháp ghép tủy có nguồn tế bào gốc từ bố mẹ vẫn có thể sử dụng được nhưng phụ thuộc vào nhóm ghép nửa hòa hợp.

Ở Việt Nam, nguồn tế bào gốc được sử dụng từ người ngoài để ghép tủy chưa thực hiện, nhưng trên thế giới phương pháp này đã được triển khai thành công.

Hơn nữa, khả năng thành công của ghép tủy phụ thuộc nhiều yếu tố như bệnh, giai đoạn ghép, nguồn tế bào gốc, tuổi người cho…

“Bệnh nhân nhiều tuổi, thể trạng kém thì không thể ghép tủy. Vì về bản chất, chúng tôi phải dùng hóa chất liều cao. Với những người như thế thì khó dung nạp” – ThS Bình nói.

Tính tới thời điểm này, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương ghép tủy được 145 ca, tỷ lệ thành công tính được 70 – 80% tùy từng nhóm bệnh.

Với các ca ghép tủy không thành công, theo ThS Bình, điều mà cả thế giới và Việt Nam đều phải chấp nhận đó là, tỷ lệ tử vong liên quan đến ghép là 20 – 30%.

Vị này nhấn mạnh: “Trên thế giới đã thử nhiều biện pháp để cải tiến phác đồ hóa chất và tiến hành ghép tủy cho bệnh nhân, rồi vấn đề chăm sóc, thuốc mới, theo dõi… nhưng vẫn phải chấp nhận tỷ lệ như trên.

Với những người cao tuổi (trên 60 tuổi), trên thế giới như Nhật hoặc Mỹ vẫn có thể ghép tủy. Ví dụ, họ dùng phác đồ giảm cường liều để bớt độc tính đối với bệnh nhân.

Tuy nhiên, họ vẫn phải chấp nhận tỷ lệ tử vong như thế!”.

Vấn đề ghép tủy được đặt lên hàng đầu

Theo chia sẻ của ThS Bình, sau khi ghép tủy, về mặt y văn, sức khỏe người hiến tủy không bị ảnh hưởng. Ở một số nước trên thế giới, việc ghép tủy đã được thực hiện thành công từ khoảng 60 năm trước.

Với người nhận tủy, nếu không có biến chứng gì sau ghép thì chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện tốt hơn.

Đương nhiên, so với người bình thường (có nghiên cứu của người nước ngoài), về lâu dài, chỉ số, tỷ lệ về nguy cơ ung thư của người ghép tủy cao hơn so với người bình thường khỏe mạnh.

Nguyên nhân là do họ phải dùng hóa chất. Thêm nữa, trước đó có những bệnh nhân phải dùng hóa chất điều trị bệnh” – ThS Bình nói.

Thực tế, so với nhóm bệnh nhân ghép tạng, những bệnh nhân ghép tủy nếu thành công thì chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn.

Đối với bệnh rối loạn sinh tủy, vấn đề ghép tủy được đặt lên hàng đầu” – đó là khẳng định của ThS Võ Thị Thanh Bình.

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã tiến hành ghép tủy thành công cho trường hợp rối loạn sinh tủy với bệnh nhân cao tuổi nhất là một phụ nữ 51 tuổi. Trường hợp này, người hiến tủy là em gái.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại