BS Nguyễn Thị Chung (khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Đa Khoa Đắk Lắk) cho biết bệnh viện ghi nhận từ khoảng tháng 9 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Theo BS Chung, các bệnh nhân khi nhập viện được theo dõi các triệu chứng lâm sàng, nhẹ thì theo dõi diễn tiến sức khỏe cho đến khi khỏi, còn nặng sẽ được truyền huyết thanh kháng độc rắn, truyền dịch để người bệnh tăng cường thải độc qua đường tiểu.
Đến nay, bệnh viện chưa ghi nhận ca tử vong nào do rắn lục đuôi đỏ cắn.
Nằm cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc gần hai tuần nay nhưng em H’Ly Sa (trú buôn K’Doh, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) vẫn chưa thể xuất viện do vết thương bị rắn lục đuôi đỏ cắn vẫn còn rỉ máu.
Các bác sĩ buộc phải lưu em lại để tiếp tục theo dõi thêm.
H’Ly Sa kể buổi sáng cách đây khoảng hai tuần, em cùng gia đình lên rẫy hái cà phê. Khi đang loay hoay kéo bạt vào gốc cà phê thì nghe nhói đau ở bắp chân.
H’Ly Sa buông bạt nhìn xuống chân thì thấy một con rắn màu xanh, đuôi màu đỏ vừa trườn qua chân. Em hoảng loạn chạy ra khỏi gốc cà phê và phát hiện bắp chân đang rỉ máu.
Biết bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người thân vội vàng đưa H’Ly Sa lên bệnh viện tuyến huyện cấp cứu. Được hai ngày, chân H’Ly Sa ngày càng sưng to nên được chuyển lên tuyến trên điều trị.
Tương tự, cháu Nguyễn Anh Khuê (chín tuổi, trú khối 6, phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột) đang nằm cấp cứu tại khoa cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Anh Nguyễn Thành Khôi (cha bệnh nhân Khuê) cho biết ngày 13-12, cha mẹ bận làm việc, Khuê cùng em chơi trốn tìm trong vườn cà phê thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Khi nhập viện, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành truyền nước và huyết thanh kháng độc rắn cho nạn nhân.
BS Chung cho biết dấu hiệu để nhận biết bị rắn lục đuổi đỏ cắn là vết cắn bị sưng nề nhanh chỉ sau vài phút. Người bị rắn cắn sẽ đau nhức nhiều kèm theo tại vết rắn cắn máu chảy liên tục không tự cầm.
Sau khoảng sáu giờ phần tổn thương sưng nề lan rộng, sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da.
Cũng theo BS Chung, nọc độc rắn lục đuôi đỏ không tác động lên hệ thần kinh mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn hệ tuần hoàn, có thể gây hoại tử da thịt, nếu không biết cách sơ cấp cứu kịp thời sẽ gây rối loạn đông máu dẫn đến tử vong.
Theo BS Chung khuyến cáo, Tây Nguyên với đặc trưng rừng núi, nương rẫy nhiều, trong đó có cây cà phê là nơi trú ngụ của rắn lục đuôi đỏ.
Do đang vào vụ thu hoạch cà phê, người lao động khi vào nương rẫy nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy vào cây gây tiếng động để rắn bỏ đi trước khi chui vào làm việc nhằm tránh bị rắn cắn.
“Khi phát hiện nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không để nạn nhân tự đi lại, cần dùng nước sạch rửa vết thương rắn cắn, tuyệt đối không chích, rạch vết thương vì như thế sẽ làm chất độc phát tán nhanh hơn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Cần khẩn cấp sơ cứu, cố định vết thương rồi đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất” - BS Chung hướng dẫn.