Ra Lý Sơn săn kho báu giặc Tàu Ô

“Cái hang này đến giờ vẫn là bí ẩn. Hồi xưa, nhiều người bảo hang chứa đầy vàng bạc châu báu của giặc Tàu Ô cướp được, đem cất giấu trên đảo”.

Nỗi kinh hoàng nơi hoang đảo

Đã mấy trăm năm trôi qua, nhưng với cư dân nơi xã đảo An Bình (còn gọi là đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), mỗi khi ai đó nhắc đến hang Kẻ cướp là họ lại rùng mình. Ký ức kinh hoàng về giặc Tàu Ô cướp của, hãm hiếp phụ nữ như vẫn còn lẩn khuất đâu đây.

Cụ Võ Hiển Đạt (87 tuổi), “nhà sử làng”, kể: Hơn 500 năm trước, hoang đảo Lý Sơn là điểm dừng chân của những chuyến ghe tàu trên con đường biển ra Bắc vào Nam, để lên đảo lấy nước ngọt.

“Sử sách ghi lại rằng hồi đó nước ngọt khan hiếm, duy nhất có giếng cổ nằm sát mép biển quanh năm cho nước ngọt” - cụ Đạt cho hay.

Nhờ giao thương với các thuyền buôn trong và ngoài nước, Lý Sơn trở thành điểm trung chuyển trên tuyến hàng hải Bắc - Nam. Vì vậy, giặc Tàu Ô từ biển Đông thường xuyên tràn vào cướp bóc.

Sách Đại Nam thực lục Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi lại: “Năm 1867, thuyền giặc biển 22 chiếc vào cửa Sa Kỳ lên trên cạn hơn 300 tên, quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân, xin điệu quân ở quân thứ Tĩnh Man hội lại cùng đánh tan tác lũ giặc Tàu Ô... ”.

Còn sử làng Lý Sơn ghi rằng: “Cướp biển thời đó, mỗi lần xuất binh từ ngoài biển tràn vào đảo Bé làm đại bản doanh và sau đó, theo đường biển tràn vào đảo lớn Lý Sơn và đất liền. Mỗi khi giặc Tàu Ô tràn vào là người dân báo động bằng tù và ầm ĩ để mọi người cùng chống giặc”.

Hang Kẻ cướp và bí ẩn kho vàng nơi hoang đảo

Người dân xã đảo An Bình giờ vẫn truyền tai nhau về sự tích hang Kẻ cướp và kho báu chứa đầy vàng trên đảo.

Lão kình ngư Nguyễn Văn Thịnh (80 tuổi), trú tại thôn Bắc, đảo Bé, xã An Bình, có lẽ là người lưu giữ kho sử của đảo này. Hôm ra đảo, lão đoán chắc rằng cái tên “hang Kẻ cướp” còn có tên khác là hang Chàng Thiếp - lâu nay người dân trên đảo vẫn gọi.

Lý-Sơn, đảo-Bé, An-Bình, đảo-lớn, giặc-Tàu-Ô, hang-kẻ-cướp, kho-vàng, đảo-hoang
Lão Thịnh bảo: Chuyện kể rằng có một đôi nam nữ không rõ ở đâu bị sóng biển đánh trôi dạt vào đảo này. Cả hai người chọn cái hang sâu làm nơi ở.

“Từ ngày bị trôi dạt lên hoang đảo, hai bắt đầu cuộc sống mới. Cái hang là nơi trú ngụ của hai người. Được một thời gian thì bọn giặc Tàu Ô xuất hiện và giết chết 2 vợ chồng trẻ, chiếm hang làm đại bản doanh để tiến hành cướp bóc trên đảo Lý Sơn và tấn công vào đất liền. Từ đó, cái hang được đổi tên thành hang Kẻ cướp” - lão Thịnh kể.

Ông Thịnh nói rằng, những năm 1960, vì chiến tranh loạn lạc nên ông đưa cả gia đình ra đảo Bé sinh sống. “Hồi đó tôi vô cái hang Kẻ cướp thấy rất nhiều đồ gốm cổ bị bể nơi cửa hang. Thậm chí, nhiều người còn nhặt được cả vàng bạc ở đây”.

Bây giờ, hang Kẻ cướp đã bị cát bồi lấp, nhiều người dân trên đảo cho hay muốn tới hang phải lặn xuống biển mới tìm được lối vào.

Lão Thịnh nói, những ngày sau giải phóng, một số người lạ đến đảo Bé và tìm đường vào hang nhưng bất thành. Bà con trên đảo cảnh giác nên đã báo cáo chính quyền nên họ lên thuyền bỏ đi.

Lý-Sơn, đảo-Bé, An-Bình, đảo-lớn, giặc-Tàu-Ô, hang-kẻ-cướp, kho-vàng, đảo-hoang
Đảo Bé huyện đảo Lý Sơn - nơi người dân cho là quý hơn vàng, có nhiều tiền cũng không mua được, đó là sự bình yên

Đã nhiều lần, ông cùng trai tráng trong làng cất công tìm đường vào hang thám hiểm, song tất cả đều bất thành vì đường vào hang hiểm trở.

“Mới đây, có một toán người lạ đi du lịch đến đảo, ở lại và lân la hỏi chuyện bà con về hang Kẻ cướp. Họ tìm đến cửa hang và lật giở bản đồ ra tìm kiếm, nhưng cũng đành phải quay ra do miệng hang đã bị bồi lấp” - lão Thịnh cho biết.

Câu chuyện về kho chứa vàng đầy bí ẩn nơi hang Kẻ cướp giờ vẫn chưa được giải mã. Nhưng thỉnh thoảng, lại xuất hiện những toán người đi du lịch, ở lại đảo nhiều ngày, tìm đến cửa hang rồi sau đó bất lực quay về. “Chuyện hang giấu vàng và nổi ám ảnh giặc Tàu Ô đã lùi vào quá khứ. Nay đảo Bé bà con tui đang sở hữu một kho vàng vô tận mà có lẽ không nơi nào có được” - lão Thịnh cười khà bảo. “Đó là sự bình yên”.

Mặc dù đời sống trên đảo còn gặp nhiều khó khăn vì đi lại cách trở, nhưng lão Thịnh cùng 100 hộ dân nơi đây đang kỳ vọng vào sự đổi đời ngày mai.

“Sắp đến, An Bình có điện lưới quốc gia cùng nhiều dự án cũng như sự chung tay góp sức của đồng bào cả nước, đảo Bé nói riêng và đảo Lý Sơn nói chung sẽ trở thành thiên đường giữa biển” - lão Thịnh nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại