Quy định tạm lánh khi cán chết người bị "lợi dụng"

Quy định Luật Giao thông đường bộ cho phép người gây tai nạn được tạm rời hiện trường trong trường hợp nguy hiểm đã tạo "cơ hội" cho hàng loạt kẻ gây TNGT nghiêm trọng bỏ trốn.

Gần đây nhất là vào tối 3/3/2014, Đỗ Tú Anh (32 tuổi, Đống Đa) điều khiển Toyota Land Cruiser đâm vào chị Nguyễn Thị Quyên (SN 1993, Nghệ An).

Xe gây tai nạn tại cơ quan công an (Ảnh: VietNamNet)

Vụ va chạm khiến nạn nhân Quyên bị thương nặng, nguy kịch. Sau khi gây tai nạn, thay vì cấp cứu nạn nhân, Đố Tú Anh đã tiếp tục rồ ga bỏ chạy cho đến khi bị người dân vây bắt.

Vụ việc trên đang gây bức xúc cho dư luận. Tương tự, một nạn nhân khác là chị Ngô Thị Hạnh (SN 1982, Hải Phòng), đang mang thai tháng thứ 8 cũng bị bỏ rơi sau khi bị container đâm.

Lái xe gây tai nạn là Trần Văn Bình (SN 1989, Hải Dương), mặc dù không có giấy phép lái xe hạng FC nhưng sáng 3/10/2013, Bình điều khiển xe container đầu kéo và va chạm với xe máy do chị Ngô Thị Hạnh điều khiển.

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Pháp luật & xã hội)

Sau khi gây tai nạn, Bình bỏ mặc nạn nhân, tiếp tục điều khiển xe đi lấy hàng, trả hàng. Biết hành tung có thể bị bại lộ, Bình liền lái xe bỏ trốn. Tuy nhiên, trên đường chạy trốn Bình bị CQĐT bắt gọn.

Theo quy định trong Luật Giao thông Đường bộ, cho phép lái xe được tạm lánh khỏi hiện trường trong vòng 24h đồng hồ nhằm bảo vệ tính mạng, tránh những rắc rối từ phía người thân nạn nhân sau vụ tai nạn.

Tuy nhiên, trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, bấy lâu nay, chưa ghi nhận vụ việc nào liên quan đến việc lái xe bị người nhà nạn nhân đe dọa tính mạng, nhưng lại gia tăng tình trạng lái xe bỏ trốn.

Không chỉ vin vào quy định người gây tai nạn được tạm rời khỏi hiện trường trong trường hợp nguy hiểm để bỏ trốn luôn, nhiều lái xe còn nhân cơ hội này thay đổi tình tiết vụ việc, thay đổi tài xế nhằm thoát tội.

Vào đêm 3/11/2013, siêu mẫu Hoàng Yến đã bị tai nạn xe hơi và chiếc siêu xe của cô đã bị lật ngay giữa trung tâm TP.HCM. Điều đáng nói là siêu mẫu danh tiếng lại tìm mọi cách để thoát khỏi "án" lái xe gây tai nạn.

Làm việc cùng cơ quan điều tra, siêu mẫu Hoàng Yến không thừa nhận cô là người cấm lái mà chỉ khẳng định ngồi ở ghế phụ, đồng thời "người đẹp" đổ hết tội cho người đàn ông đi cùng.

Tuy nhiên, sau đó, người đàn ông ngồi cùng xe với cô đã lên tiếng khẳng định, anh không phải người lái xe.

Chiếc xe của Hoàng Yến bị lật ngửa sau tai nạn (Ảnh: Eva)

Ngày 9/12, cơ quan công an TP.HCM xác định siêu mẫu Hoàng Yến chính là người cầm lái và cô phải chịu phạt về lỗi lái xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá mức quy định.

Vụ TNGT kinh hoàng tại ngã tư Phố Huế - Trần Xuân Soạn (Hà Nội) xảy ra ngày 4/9/2013 cũng có kịch bản tương tự. Theo đó, chiếc ôtô BKS: 30V-1742 đã gây tai nạn làm 1 người tử vong và 5 người bị thương.

Ngay sau khi gây ra tai nạn, lái xe đã rời khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân cho người dân đưa đi cấp cứu. Mặc dù tối 4/9, lái xe Nguyễn Tuấn Anh (quận Hoàn Kiếm) đã đến cơ quan công an nhận là người điều khiển chiếc xe nói trên, nhưng một số nhân chứng tại hiện trường lại cho rằng, người lái xe là một phụ nữ.

Cuối cùng, cơ quan chức năng cũng đã xác định người điều khiển ô tô là Lê Hoàng Linh, vợ Nguyễn Tuấn Anh.

Trước đó, vụ TNGT kinh hoàng trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội vào ngày 26/5/2013 cũng khiến dư luận hoài nghi về người cầm lái thật sự trong vụ tai nạn.

Theo đó, xe ô tô Fortuner BKS:29A-168.78 đã va chạm với xe máy đi ngược chiều làm 3 người ngồi trên xe máy tử vong.

Ngay sau vụ tai nạn kinh hoàng cả 3 người đàn ông trên chiếc xe ô tô đều lặng lẽ rời khỏi hiện trường, không thông báo cho lực lượng chức năng. Cơ quan công an xác định, Nguyễn Mạnh Chí (SN 1959, Thanh Trì, Hà Nội) là người cầm lái.

Lúc xảy ra tai nạn, trên xe có 3 người. Việc chậm trễ đến cơ quan công an trình diện khiến danh tính của người thứ 3 vẫn là một ẩn số vào thời điểm đó và dư luận đặt ra nghi vấn về việc có thể ông Chí nhận tội thay.

CQĐT đã phải gửi các mẫu máu còn lại trên chiếc ô tô tới Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) để giám định, làm rõ đâu là người điều khiển chiếc xe gây ra vụ tai nạn.

Người cầm lái, cuối cùng, được xác định là đối tượng Chí.

Đây chỉ là một vài vụ việc điển hình các vụ TNGT gặp khó khăn khi lái xe bỏ trốn hoặc việc xác định nghi can gây tai nạn khi quy định cho phép lái xe có thể tạm rời khỏi hiện trường trong trường hợp nguy hiểm.

Bên cạnh đó, một vấn đề bất cập nữa là việc đo nồng độ cồn nếu để sau 8h đồng hồ thì kết quả sẽ không chính xác. Như vậy, nếu lái xe gây TNGT nghiêm trọng sau 8 tiếng quay lại thì việc xác định mức độ hành vi vi phạm gây TNGT có còn hiệu quả?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại