Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạm dừng trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 dự kiến diễn ra vào tháng 5.2014.
Sáng nay 21.2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35.2012.QH13 ngày 21.11.2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội đọc báo cáo trong đó đề nghị tạm dừng việc lấy bỏ phiếu tín nhiệm trong năm 2014.
Thảo luận về ý kiến đề xuất của Ban công tác đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm được nhân dân đánh giá cao và đây là một kênh quan trọng nâng cao hiệu lực đánh giá cán bộ, nâng cao hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước. Đồng ý với việc đánh giá lại, ông Lý mong muốn tiếp tục duy trì và phát huy mặt mạnh của việc lấy phiếu tín nhiệm.
Đồng tình với ý kiến của ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn: Dư luận đánh giá cao sự công khai dân chủ của Quốc hội trong hoạt động lấy phiếu tín nhiệm. Đang tốt thế mà dừng lại khiến tôi phải suy nghĩ”.
“Nên sơ kết đánh giá lại cái gì được, cái gì chưa được để điều chỉnh”, ông Phúc đề xuất.
Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Quốc hội Ksor Phước khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội lần đầu tiên được truyền thông cổ súy và người dân rất háo hức. Tuy nhiên, đây chỉ là một kênh đánh giá cán bộ và có nhược điểm là chỉ đánh giá được một bộ phận rất nhỏ cán bộ quan trọng. Ông Phước cũng đồng ý với đề xuất tạm dừng để bổ sung thêm vì văn bản “vẫn chưa đầy đủ lắm”.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến, việc lấy phiếu tín nhiệm không dừng hẳn mà là tạm dừng chờ đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi sửa nghị quyết 35. Việc này phải thực hiện đúng chủ trương chung và không tạo cú sốc cho dư luận xã hội.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tái khẳng định hiệu quả của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, nhân dân cũng hết sức đồng tình với chủ trương này.
Ông Hùng giao việc đánh giá, bổ sung, sửa đổi cho Ban công tác đại biểu do bà Nguyễn Thị Nương đứng đầu chủ trì, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giúp đỡ.
Nghị quyết 35 sau khi được bổ sung, sửa đổi sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ 26 của Quốc hội vào tháng tới để “xin phép” các đại biểu cho sửa đổi.
Như vậy, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 tới đây sẽ không có hoạt động lấy phiếu tín nhiệm như Nghị quyết 35 của Quốc hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ phụ thuộc vào tiến độ bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 35.