"Quốc hội chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm những người có vấn đề"

Hồng Chính Quang |

(Soha.vn) - Theo luật sư Trần Quốc Thuận, có 3 điều nên thay đổi trong quy định để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt hiệu quả cao hơn.

Tại buổi thảo luận về việc tổng kết kết quả, triển khai Nghị quyết số 35 về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu và phê chuẩn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Kỳ họp tháng 5 này chúng ta sẽ tạm không tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm. Còn kỳ họp sau thực hiện tiếp như thế nào thì chờ việc sửa quy định quyết định tiếp. Cần thông báo với các ĐBQH, xin các ĐBQH ủng hộ là không tiến hành việc lấy phiếu tin nhiệm vào kỳ họp giữa năm nay”.

Ngay sau khi thông tin này được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, đã có không ít ý kiến bày tỏ sự ủng hộ và hy vọng quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm được sửa đổi sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay ông có theo dõi thông tin về việc tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và hội đồng nhân dân. Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng đó là một cơ hội để việc lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian tới đạt được hiệu quả hơn. Và theo quan điểm cá nhân của ông Thuận, có 3 điều nên thay đổi để việc lấy phiếu tín nhiệm trở nên thiết thực và có ý hơn.

Lấy phiếu tín nhiệm (Ảnh: Anh Tuấn)
Lấy phiếu tín nhiệm (Ảnh: Anh Tuấn)

LS Trần Quốc Thuận nói: “Thứ nhất, trong kết luận của Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước có nói rằng việc lấy phiếu tín nhiệm giữa một bên điều hành (Chính phủ và UBND các tỉnh) và một bên không điều hành thì có sự không công bằng. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh, ta nên tập trung vào một số người nào đó chủ yếu bên điều hành. Còn nếu bên không điều hành mà có vấn đề thì cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm.

Tôi cho rằng chúng ta không nên bỏ phiếu một cách cào bằng bởi số lượng người như thế rất nhiều, mất thời gian và không tập trung. Việc bỏ phiếu nên tập trung vào những người sau một đợt giải trình hoặc trả lời chất vấn mà có vấn đề nào đó nổi lên.

Thứ hai, tôi nghĩ rằng chúng ta nên bỏ phiếu theo thông lệ quốc tế, tức là bỏ phiếu chỉ có hai mức: tín nhiệm và bất tín nhiệm chứ không việc lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức như hiện nay đều là tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp).

Thứ ba, một số người được đem ra bỏ phiếu nhưng cũng không nên theo quy định cũ. Hồi trước, có quy định về tỷ lệ % người đề nghị với điều kiện không vận động thì mới bỏ phiếu tín nhiệm hoặc tín nhiệm chỉ cần đạt một tỷ lệ nào đó hoặc do bên Mặt trận Tổ quốc Trung ương đề nghị… Tóm lại là chỉ nên bỏ phiếu những người có vấn đề”.

Theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc xác định người “có vấn đề” không khó. Trước mỗi kỳ họp, khi có vấn đề nổi lên thì đều có bản cáo cáo kiến nghị cử tri và giải quyết kiến nghị cử tri. Đối với những vị trả lời chất vấn mà nhận được số phiếu chất vấn cao nhất thì cũng nên đưa vào diện phải bỏ phiếu tín nhiệm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại