Quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giam

Hoàng Đan |

Với người cựu binh này, quán phở có tên Trường Sa không chỉ là 1 phương tiện mưu sinh. Đó còn là ký ức hào hùng không thể nào quên mà ông dành cho đồng đội trong hải chiến Gạc Ma.

Quán phở mang tên Trường Sa

Ở tuổi 49, cựu binh Lê Văn Thoa - vẫn còn lưu giữ "rõ từng nét" ký ức bi tráng về trận hải chiến giữa bộ đội ta và Trung Quốc trên bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào sáng 14/3/1988.

Trong trận hải chiến hào hùng đó, cựu binh Lê Văn Thoa là thành viên tăng cường tàu hải quân 604 tham gia chiến dịch “CQ 88”.

Khi con tàu bị Trung Quốc bắn chìm, ông cùng 8 đồng đội khác bị bắt làm tù binh, bị giam giữ, đánh đập, lao động khổ sai ở đảo Hải Nam, ở bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) cho đến khi được trao trả về nước vào tháng 9/1991.

Trở lại Lữ đoàn 125 trong vai trò thợ máy, ông Thoa tiếp tục tham gia sửa chữa những con tàu thường xuyên đi về vì sứ mệnh bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Trường Sa. Tháng 11/1996, do sức khỏe suy giảm, ông ra quân với quân hàm trung úy.

Sau khi ra quân, do sức khỏe suy giảm, thất nghiệp, người cựu binh Gạc Ma này đã phải lăn lộn với những tháng ngày long đong, lận đận ở mảnh đất TP. Hồ Chí Minh. Rồi ông kết hôn, nhưng vì nhiều lý do nên cuộc hôn nhân rạn nứt dẫn tới ly hôn...

"Qua rất nhiều ngày tháng long đong, mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, đến 2008 tôi về TP Quy Nhơn và mở quán phở bình dân lấy tên Trường Sa trên đường Tăng Bạt Hổ để kiếm sống", cựu binh Thoa cho hay.

Khi được hỏi về lý do tại sao lại lấy tên quán phở là Trường Sa, người cựu binh Gạc Ma này cho biết, ông lấy tên này để nhắc nhớ về địa danh, kỷ niệm suốt đời không thể nào quên.

"Tôi là cựu binh đã từng chiến đấu ở Gạc Ma trước khi bị Trung Quốc chiếm nên mong muốn rằng, ai khi đi đến đây, thấy biển hiệu quán Trường Sa sẽ luôn nhớ là, Việt Nam chúng ta có Trường Sa và đó là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời.

Điều này cũng giúp tôi nhớ về kỷ niệm không thể nào quên của cuộc đời", ông Thoa nói.

Ảnh quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma Lê Văn Thoa. Ảnh: FB First new
Ảnh quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma Lê Văn Thoa. Ảnh: FB First new

Ngoài việc trưng tấm biển lớn là một bức tranh có tên Gạc Ma- Vòng tròn bất tử miêu tả lại cảnh kiên cường của bộ đội ta trước nòng súng Trung Quốc ở Gạc Ma năm xưa thì trong quán, người cựu binh này cũng treo nhiều huân chương, kỷ niệm của ông về thời kỳ quân ngũ.

"Tôi cũng chỉ mong sao với những kỷ vật đó sẽ giúp mọi người đến đây hiểu hơn, thêm yêu hơn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và đoàn kết, giữ vững chắc phần lãnh thổ đó", ông Thoa tâm sự.

Cựu binh Thoa cũng bày tỏ, quán phở bình dân của ông mở ngay ở chính ngôi nhà rộng chừng 20m2 và chủ yếu phải kinh doanh ở vỉa hè phía trước.

Quán phở của cũng chỉ hoạt động buổi sáng, chiều phải dành phần không gian chật chội ấy cho người em gái mưu sinh.

"Trước đây, khi mới mở thì quán cũng không có khách mấy nhưng sau khi nhờ báo chí tìm đến, thông tin thì mọi người cũng chú ý, quán đông hơn.

Mỗi ngày cũng bán được vài chục tô, có ngày tốt thì được 50 - 60 tô. Nó cũng giúp cho cuộc sống của 5, 6 người dễ thở hơn", cựu binh Gạc Ma chia sẻ.

Ước mong hài cốt đồng đội được về đất mẹ

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, cựu binh Thoa cho hay, hiện ông đã được nhận trợ cấp dành cho người bị địch bắt, tù đày của Nhà nước, mỗi tháng là trên 700.000 đồng.

Giờ đây, mong muốn lớn nhất của ông là được các cơ quan chức năng tạo điều kiện giám định lại thương tật để làm thủ tục hưởng chế độ thương binh.

Theo hồ sơ, thời điểm trước khi ra quân, tỷ lệ thương tật của cựu binh Thoa là 11%. Cuối năm 2013, sau nhiều lần bị vết thương cũ hành hạ, tái khám, bác sĩ phát hiện vẫn còn mảnh đạn ở trên đầu và bả vai ông.

Dù đã mất nhiều công đi lại giữa đơn vị cũ và chính quyền địa phương nhưng cho đến nay, nguyện vọng của ông Thoa vẫn hãy còn dang dở.

"Cá nhân chúng tôi nhập ngũ, cầm súng cũng là để tiếp bước truyền thống của ông cha, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và không chỉ riêng tôi mà còn hàng triệu người con đất Việt đã như thế!

Nên dù có phải chịu điều gì thiệt thòi cho bản thân, kể cả hy sinh thì cũng là vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi không quản ngại.

Tôi và nhiều đồng đội khác cũng chỉ mong sao, dù có còn khó khăn, trở ngại nhưng Đảng, Nhà nước có biện pháp nào đó đưa được hài cốt của các đồng đội đã ngã xuống ở Trường Sa khi đó về được với đất mẹ, đó là điều mừng lắm!

Tôi cũng mong mọi người hãy luôn nhớ về các anh, những người đã ngã xuống vì mảnh đất này...", cựu binh Thoa chia sẻ thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại