Tuy nhiên, thịnh tình của người đại diện QLTT lại không được các cơ quan chức năng khác ủng hộ.
“Không đổ trách nhiệm lên đầu dân”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch UBATGTQG - do hiện nay người dân chấp hành việc đội MBH rất cao nhưng việc đội mũ đạt chuẩn lại thấp. Trong vòng 2 tháng, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 3.672 cơ sở kinh doanh MBH, có tới 1.776 cơ sở vi phạm hành chính (chiếm 48%). Qua việc đổi MBH chúng tôi đã đổi 150.000 mũ và đã thu về 150.000 MBH không đạt chất lượng.
Sau ngày 15.5, UBATGTQG sẽ cùng các cơ quan chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành. Nếu kiểm soát chặt đầu ra thì trên thị trường sẽ không còn MBH kém chất lượng. Để thắt chặt việc xử lý MBH kém chất lượng không thể chỉ có một vài đơn vị, mà cần phải huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền. Mục tiêu số 1 của các lực lượng chức năng là tập trung kiểm tra, xử lý các đơn vị SXKD MBH không đạt chất lượng.
Việc xử phạt hành vi đội MBH, thì các văn bản pháp quy cũng chưa bao giờ nói đến việc xử phạt người sử dụng, câu chuyện để MBH không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, không đổ lỗi cho người dân đi mua.
Về việc cần quy định như thế nào là không đội MBH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) Trần Văn Vinh cho rằng, vấn đề không phải là MBH kém chất lượng hay không mà hiện có rất nhiều loại mũ giả, mũ hình dáng giống MBH vẫn đang trà trộn với mũ thật trong thị trường với số lượng rất lớn.
Hiện nay, thị trường đã xuất hiện MBH có ba lớp nhưng không đạt chuẩn do các DN lách luật sản xuất. MBH đạt chuẩn giá cao, nặng sẽ không thể cạnh tranh được với mũ kém chất lượng vừa rẻ vừa nhẹ...
Nhiều loại mũ nhựa đang bán 25.000 - 30.000đ/chiếc, hoàn toàn không phải MBH nhưng nếu không xử lý thì người dân sẽ mua đội để chống đối vì nó có ưu điểm: Nhẹ, rẻ và rất thời trang. Nhưng đội loại mũ này sẽ không an toàn cho người sử dụng và phá vỡ sản xuất trong nước.
QLTT “xin việc” CSGT
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục QLTT - đưa ra đề xuất muốn cùng “ra đứng đường” với lực lượng CSGT để cùng tham gia xử lý MBH kém chất lượng, tuy nhiên thịnh tình của người đại diện QLTT lại không được các cơ quan chức năng khác ủng hộ.
Lý giải vấn đề “xin việc” của QLTT, ông Hùng cho rằng, nếu không mạnh tay xử phạt người đội MBH không đạt quy định thì người dân vẫn không chấp hành việc đội MBH đạt chuẩn và họ sẽ vẫn sử dụng những loại mũ thời trang rẻ tiền.
Như vậy “cầu” vẫn có thì ắt có “cung”. Việc này thực sự sẽ đẩy các DN SXKD MBH đạt chất lượng lại đi vào con đường SX các loại mũ kém chất lượng và nếu không làm như vậy sẽ rất khó tồn tại.
Cũng theo ông Hùng, nhằm thực hiện tốt việc đội MBH đạt chất lượng, QLTT đang xây dựng kế hoạch và mong muốn cùng CSGT kiểm tra MBH kém chất lượng. “QLTT sẽ chịu trách nhiệm khi xử lý, chịu trách nhiệm khẳng định mũ bị xử phạt có phải MBH hay không và sẽ thí điểm một số tuyến phố” - ông Hùng nhấn mạnh.
Việc xử lý MBH không đảm bảo, trách nhiệm phải được làm từ gốc, từ nơi kinh doanh và các bộ ngành phải làm triệt để. Không nên đẩy việc xử lý người đội MBH không đảm bảo chất lượng lên vai CSGT. Trong quy định pháp luật thì thẩm quyền chống hàng giả là của QLTT.
Thẩm quyền của CSGT chỉ là xử phạt hành vi không đội MBH và đội MBH nhưng không cài quai đúng quy cách. Do vậy, chúng ta phải làm từ gốc, từ nơi nhà sản xuất, từ nơi nhập khẩu về. Nếu cơ quan công quyền làm tốt từ gốc thì không phải đẩy đến người dân, nếu chúng ta làm tốt ngay từ đầu thì sao phải xử phạt người dân và dồn cho CSGT phạt người đội MBH không đúng quy định. Do vậy, cần phân định rõ trách nhiệm của từng lực lượng, từng cơ quan quản lý nhà nước.