Quái xế' hàng lậu cướp cơm 'tử thần' (Kỳ 1)

Theo NĐT |

Trên khắp các cung đường, ngõ ngách, lối mòn của thành phố vùng biên này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những đoàn xe chở hàng cồng kềnh phóng bạt mạng, tiếng gầm rú náo loạn mỗi khi họ đi qua.

Người dân vùng biên vẫn thường gọi họ là "quái xế" hàng lậu. Để có thể mưu sinh nơi cửa khẩu khắc nghiệt này, cánh cửu vạn chuyên chở hàng lậu buộc phải trở thành những "tay lái lụa" và liều lĩnh.

"Quái xế" vùng biên

Quân "pro" là một cửu vạn ở cửa khẩu Móng Cái dẫn tôi về "Bản Mán" - tên gọi của vùng đất có nhiều dân cửu vạn tứ xứ "quần tụ" thuộc khu Hồng Hà, phường Ninh Dương, TP.Móng Cái (Quảng Ninh).

Đó là một căn nhà trọ tồi tàn, lụp xụp, bốc lên thứ mùi hôi thối, nhầy nhụa. Sàn nhà bày biện chỏng chơ nào nồi, niêu, xong, chảo. Dưới gầm giường là những vỏ bao tải vứt bừa bãi, nhìn kỹ thấy mấy thanh kiếm lộ ra từ chiếc bao tải rách.

Quân giới thiệu tôi với đồng nghiệp: "Đây là em thằng bạn cùng quê tao. Nó ra Móng Cái chơi mấy ngày. Nhờ anh em chăm sóc nó chu đáo".

Kế tiếp, Quân giới thiệu mấy anh em cùng nhóm chạy hàng với những biệt danh sặc mùi giang hồ: "Đây là Thắng "sẹo" ở Hải Phòng, nổi tiếng về máu liều; Tùng "bất khuất" quê ở Thái Bình, nức tiếng với những chuyến hàng nặng hàng tạ; kia là Bắc "cự phách" ở thị trấn Đầm Hà (Quảng Ninh), "quái xế" lạng lách nhất đội"...

Được biết, nhóm cửu vạn của Quân tụ họp tại mảnh đất này vào thời điểm Việt Nam mở rộng cửa giao thông với Trung Quốc và cửa khẩu Móng Cái đã trở thành vùng biên nổi tiếng buôn bán tấp nập. Khi đó, hàng vạn người từ khắp các tỉnh, thành cũng tìm về cửa khẩu này kiếm việc làm.

Cửu vạn nơi đây đã quy tụ thành những nhóm nhỏ rồi liên hệ với các ông chủ đầu nậu để nhận việc dài hạn. Hơn nữa, họ lập nhóm, chơi hội là để bảo vệ hàng và bảo vệ nhau.

Cả đội rủ nhau ra một quán nhậu gần cầu Ka Long thì một đoàn xe gồm bảy chiếc đỗ xịch trước cửa và rú ga ầm ĩ. Một tay đầu trọc vừa ngồi trên xe vừa rú ga, tiếng hắn cố nói to để át tiếng gầm rú của xe: "Đi chơi với bọn tao đi. Bọn tao vừa lĩnh lương. Anh em đi Trà Cổ thư giãn, đổi gió tý".

Quân cho hay, đây là cánh cửu vạn chuyên chở hàng quần áo lậu. Anh em quen nhau từ một vụ cướp hàng trước đây. Khi đó, hai nhóm xảy ra xô xát, nhưng hai ông chủ đã dàn xếp. Giờ anh em lại chơi cùng nhau.

Cửu vạn trên sông Ka Long.

Nhóm của Quân hợp với nhóm cửu vạn mới đến thành một đoàn trên 10 xe phóng về hướng Trà Cổ. Toàn "tốc độ" lạng lách cừ khôi, lúc nào cũng giữ kịch tay ga, ít khi thấy hắn dùng phanh, việc tránh xe cũng thể hiện bằng những cú vỉa tạt điêu luyện, cả đoàn phải chịu nhường ngôi đầu cho hắn.

Tôi khiếp vía trong những pha lạng lách, vít ga, bốc đầu, những pha giỡn mặt tử thần của Bắc "cự phách". Quân "pro" cũng không kém phần long trọng trong những cú lách "ép hậu". Tiếng cười đùa hô hố, tiếng chửi ầm ĩ, tiếng rú ga xé tan buổi trưa vắng.

Cướp cơm "tử thần"

Quân "pro" nói vọng lại, bọn anh thường chạy đua từ chân cầu Ka Long ra Trà Cổ để nâng tầm tay lái. Làm nghề này nguy hiểm lắm, lúc nào cũng phải mang mình đặt cược với "tử thần" để kiếm cơm.

Chạy chậm thì sẽ bị nhóm khác cướp công. Không cẩn thận lại bị cướp hàng như chơi. Chỉ vài vụ như vậy thì sẽ không có ông chủ nào dám thuê nữa.

Quân "pro" kể rằng, lực lượng chống buôn lậu cũng khó bắt được hàng lậu của hắn. Chỉ cần nhìn thấy nguy hiểm là hắn sẽ "én" thật nhanh bằng cái tài lạng lách, đánh võng giữa phố đông và tạt ngang ngõ ngách.

"Ở mảnh đất Móng Cái, chẳng có ngõ nào mà tao không thông thạo cả. Có đợt, tao chở hai thùng quần áo nhập lậu, chồng cao ngang đầu.

Thấy vậy, mấy anh lực lượng chống buôn lậu đuổi bắt tao kịch liệt. Nhưng với độ liều và trình độ lạng lách giữa phố đông của tao thì mấy anh chỉ có "hít bụi".

Một lần khác, lại bị các anh đuổi bắt hàng, tao lượn qua mấy con phố, lách vào các ngõ ngách rồi lặn mất tăm. Đổ xong hàng, tao quay lại vẫn thấy mấy anh đang sục sạo khắp nơi", Quân "pro" khoe chiến tích.

Còn Thắng "sẹo" ca cẩm: "Tao "dính chưởng" ở quê nên phải dạt về Móng Cái ẩn tích dưới cái mác cửu vạn".

Mấy ngày sau, tôi mới biết, Thắng "sẹo" đã từng đi tù 3 năm vì tội hiếp dâm. Sau khi ra trại, hắn đã quyết tâm làm lại cuộc đời, hắn chịu khó làm thuê cho các nhà hàng, quán xá, nhưng số tiền ấy không đủ hắn hút thuốc lá thì nói chi đến chuyện làm giàu.

Nhân dịp có ông bạn làm bốc vác hàng thuê ở Móng Cái "rót" những lời đường mật vào tai rằng "ở đó dễ kiếm tiền và nhanh giàu" nên hắn quyết định ra đây tìm việc và làm giàu ở "miền đất hứa" này.

Theo chân Thắng "sẹo" đi dọc bờ sông gần cây cầu Dân Tiến, tôi thấy có nhiều xe tải chờ đợi hàng và những chuyến xe chở hàng phóng vùn vụt.

Xe chở hàng đi theo hai ngã rẽ tiến ra bờ sông, thả hàng xuống đò. Những con đò sắt bí ẩn có nhiệm vụ chở hàng bên kia sông. Khi hàng đặt lên bờ, một tốp cửu vạn bốc hàng lên xe và phóng bạt mạng về phía trung tâm thành phố.

Thắng "sẹo" đỗ xịch xe chặn một chiếc xe máy chở gà. Thì ra, đó là bạn Thắng.

Anh này cho hay: "Dạo này cấm biên, chạy hàng rất khó khăn, may nhờ có nhiều cây số đường biên giới, tôi còn chở gà vượt biên vào đến trong nội địa bằng những con đường mòn độc đạo này, khi chở vào bến Lục Lầm rồi chạy xuyên qua TP.Móng Cái.

Những căn nhà lụp xụp dọc hai bên đường nằm song song với sông Ka Long (bên kia là Quảng Tây, Trung Quốc - PV) là địa điểm tập kết gà, còn gọi là bến gà, nơi tập kết gà từ Trung Quốc tuồn vào nội địa nước ta".

Một lần khác, tôi gặp anh Cơ - chuyên chở mặt hàng quần áo vào điểm tập kết ở phường Ninh Dương, TP.Móng Cái.

Anh Cơ cho hay: "Tôi chuyên chở hàng quần áo từ cửa khẩu Ka Long về Ninh Dương tập kết. Để có thể chạy được nhiều chuyến, buộc tôi phải phóng thật nhanh, làm sao bốc được số hàng đó càng nhanh càng tốt.

Trước 4h sáng, tôi phải bốc hết số hàng. Sau khi về ngủ mấy tiếng, tôi lại tranh thủ giao hàng cho các ông chủ nhỏ.

Vào những ngày "trời yên biển lặng", chúng tôi làm không hết việc, nhưng chỉ cần cấm biên thì bị "móm" là cái chắc!".

Sau những tháng ngày mưu sinh nơi đất khách quê người, anh Cơ chua chát nói: "Tất cả anh em cửu vạn ở đây đều chung hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Có người xuất phát từ vùng quê nghèo, có người không nghề ngỗng, người thì chán nhà vì bố mẹ luôn cãi nhau về chuyện tiền bạc, kẻ thì ra tù muốn tìm một mảnh đất mới mà không ai biết quá khứ của mình để làm lại cuộc đời.

Tôi cũng tìm được công việc chở hàng cho ông chủ là đầu nậu quần áo ở Móng Cái".

Anh Cơ chia sẻ thêm: "Đã chạy hàng lậu là phải đổi bát cơm manh áo bằng mạng sống. Muốn có tiền gửi về quê thì phải chạy được nhiều hàng, nếu để mất hàng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Có những lô hàng điện tử mà bọn tôi vác có giá mấy chục triệu, lỡ để mất thì làm cả tháng lương cũng không đủ trả. Chính vì vậy, nếu bị lực lượng chức năng truy đuổi thì tôi cũng cương quyết chạy bằng được.

Đã có nhiều anh em sứt đầu mẻ trán, lệch sống lưng vì chở hàng lậu. Có một câu bé cửu vạn mới 16 tuổi đã bê thùng hàng nặng quá sức mà lệch cả bả vai. Tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào...".

Sau bao tháng ngày giành giật "miếng ăn" trên mảnh khắc nghiệt này, nhiều cửu vạn đã ngấm vào máu lối sống lừa lọc của dân buôn, tính côn đồ, liều lĩnh của những tên cướp.

Những khẩu hiệu sặc mùi giang hồ mà bất kể ai muốn tham gia làm cửu vạn đều phải nhớ: "Mạng có thể mất, nhưng hàng thì không!".

Liều lĩnh cướp hàng

Được biết, không chỉ riêng cửu vạn đường bộ, mà cánh chuyên bốc vác thuê, chở hàng qua đò cũng phải có độ liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị cướp hàng, thậm chí tổ chức lực lượng cướp lại hàng khi bị lực lượng chức năng bắt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại