“Quả bom nước” khiến hàng ngàn người dân núi Cấm lo sợ

Hồ chứa nước khổng lồ nằm ở lưng chừng núi Cấm (được xem như nóc nhà miền Tây) đang xây thì nước đã rò rỉ qua đáy đập.

Nước chảy qua thân đập xối xả khiến hàng ngàn người dân sống ven con suối Thanh Long và vùng hạ du hoang mang.

“Quả bom nước” treo trên đầu ngàn dân

Hai tháng nay, nhiều người dân sống ven theo con suối Thanh Long ở lưng chừng núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã phát hiện nguy cơ bể đập ngăn dòng trên thượng nguồn con suối này. 

Công trình chính là xây thân đập, ngăn dòng để tích nước cho hồ chứa Thanh Long, nhưng vừa thi công xong thì đã rò nước tứ tung. Đáng ngại nhất là chuyện nước rò ngay tại đáy hồ, rồi nước chảy qua thân con đập dày cộm… sau đó đổ ầm ầm xuống suối.

Ông Võ Văn Phước - chủ tiệm hớt tóc dưới chân núi Cấm, có nhà kế bên dòng suối Thanh Long ở vùng hạ lưu - thuộc ấp An Hòa, xã An Hảo, cho biết khi nghe mọi người sống phía trên xì xào chuyện cái đập trên hồ Thanh Long bị xì rồi chảy mạnh, khiến hàng ngàn người dân ở hạ nguồn như ông không khỏi bồn chồn lo lắng. Bởi đập mà bể, hàng trăm ngàn khối nước tuôn xuống thì chẳng còn thứ gì có thể sống sót.

Hồ Thanh Long được xả cạn nước sau sự cố xì đập.

Ông Phước lo âu kể, dân núi Cấm từng chứng kiến bao vụ lở núi, lở đá chết người và rất thấm thía với sức tàn phá của những vụ sạt lở kinh hoàng đó. Đặc biệt là vụ lở núi xảy ra sau trận mưa dầm liên tục 7 ngày đêm vào năm 1983. 

“Năm đó, đá lở khiến nước tích trong hốc đá tràn ra và tuôn đổ xuống dòng suối Thanh Long. Nó cuốn trôi gần như sạch sẽ mọi thứ trên đường đi. Dân khi đó còn thưa nhưng cũng có 2 người mất mạng. Từ cửa núi nơi đầu nguồn suối Thanh Long ở tận trên vồ Thiên Tuế, nước cuốn 1 sư cô trôi ra tận cầu Tà Đéc, tức trôi đi xa tới 3-4 cây số. Hồi đó nước bị tồn trữ tự nhiên trong khe đá ít mà còn tàn khốc như vậy. Huống hồ, bây giờ đây là hồ chứa nước khổng lồ. Một khi đập bể thì nó quét sạch làng mạc vùng này”, ông Phước lo lắng.

Ông Phạm Công Nghề (61 tuổi) - ở ấp An Hòa, cũng rầu rĩ: “Mấy tháng nay, sau khi tui lặn lội leo lên tận trên đập coi nó xì nước như thế nào, thì về nhà không thể nào yên giấc được. Bởi nhà tui kế bên suối Thanh Long, nếu có sự cố gì thì làm sao trở tay kịp. Dù vậy, tui cũng tính với vợ là khi ngủ ban đêm khóa cửa thì phải để ý cho đàng hoàng. Chìa khóa treo ở chỗ nào dễ lấy, hễ nghe cái rầm (vỡ đập - PV) là chụp chìa khóa mở cửa liền, rồi bồng con cháu chạy ngay. Đừng ở đó tiếc của mà không toàn tính mạng”.

Ông Nghề cho hay, đó cũng là cách phòng ngừa để giảm rủi ro và tất cả còn tùy thuộc vào… may mắn. Bởi nước trên hồ mà trút xuống thì khó ai chạy kịp. “Dân vùng hạ nguồn này ai cũng hoang mang, sợ chết vì nước hồ đổ xuống. Nó như “trái bom nổ chậm” treo trên đầu người dân, biết đâu mà lường”, ông khẳng định.

Người già sống cạnh hồ Thanh Long chưa biết chạy cách nào thoát hiểm khi bể đập xảy ra.

Dân chứng kiến xây đập quá ẩu!

Ông Trần Minh Huệ - nhà ở hạ nguồn, cách đập Thanh Long chừng 300m, nói: “Dân ở đây ai cũng lo lắng chuyện bể đập! Nhưng mình thấp cổ bé miệng nên chỉ biết la ó đến xã thôi, chứ biết kêu ai. Tui ở gần đây, nhìn thấy kiểu xây đập thế này ghê lắm. Đập gì mới xây đã xì nước tùm lum, thấy ớn!”.

Ông lo là phải! Bởi trong quán bánh xèo của ông đang có tới 6 người chung sống, nhất là có cha mẹ già đang nằm liệt một chỗ. Lỡ có sự cố thì chưa biết phải làm thế nào và chạy đi đâu? “Tui hổng có ghét bỏ gì mấy anh em làm ở công trình đập. Bởi anh em làm được công trình lớn phục vụ phát triển du lịch thì dân vùng này cũng kiếm được cái ăn. Nhưng cái hồ xây lên để trụ vĩnh viễn, gắn với cuộc sống của bà con ở đây chứ có phải 1 ngày 1 bữa đâu mà mới xây đã xì nước như vậy. Tui và bà con sống ở kế bên đập nên thấy họ làm không chắc chắn chút nào. Thay vì nền móng phải được vét sạch cho tới lớp đá cứng thì mới xây, đằng này họ để nguyên đất cát ngổn ngang bên dưới rồi đổ đá đại lên trên, trét hồ (xi măng- PV) sơ sơ là xong”, ông Huệ kể. 

Một vị trí xì nước qua thân đập bên vai đập được xây trét qua quýt thế này, cho phép nước từ lòng hồ thấm qua con đập có bề rộng chừng 10m chảy về hạ lưu. 

Có lần ông mạnh dạn hỏi mấy người kỹ sư đang chỉ huy thi công đập: “Mấy ông làm sao mà ẩu vậy?”, thì mấy người này trả lời vô tư: “Sự cố nào cũng có thể xảy ra”. “Nghe vậy tui bó tay, hết dám hỏi luôn”, ông Huệ tâm sự.

Ông Nguyễn Trọng Danh - người hàng ngày chạy xe ôm lên xuống núi Cấm, cũng bất an nói: “Có chuyện hết sức lạ là dự án xây đập đã tiến hành mấy năm nay nhưng chính quyền không hề công bố gì cho dân biết. Rồi khi nước trong hồ xì xối xả mới thấy có đoàn lên khảo sát. Nhưng về rồi cũng im re, không ai công bố nó như thế nào để bà con bớt run sợ”.

Anh Chau Ka - chủ nhà trọ Thanh Hoàng ở ấp Rau Tần - kế bên đập hồ Thanh Long kể, công trình xây đập vừa xong thì đã cho trữ nước. Trên thượng nguồn hiện có 2 mạch nước chảy róc rách ngày đêm đổ về hồ. Khoảng 2 tháng trước thì nước trong hồ đã mấp mé đập với độ sâu gần 40m nước (có thước đo mực nước gắn ở hồ). “Khi đó tui đã thấy nước chui qua thân đập chảy âm ỉ suốt ngày đêm. Nước từ hồ Thanh Long xì qua đập cả tháng trời, dân la ó mà chẳng thấy ai tới xả đập. Đến khi xịt thuốc diệt lục bình thúi quá, bà con la um xùm thì họ mới chịu xả hồ. Công trình này xây dựng để làm du lịch lâu dài mà thấy mấy ổng làm ẩu quá”, anh nói.

Cũng theo anh Chau Ka, có lần vô tình, anh nghe mấy anh giám sát công trình kêu những người đang thi công trộn hồ cho đúng quy cách, thì mấy người này cự lại: “Mầy làm hay tụi tao làm?”. Thế rồi những người thi công cứ làm gì thì làm.

Ông Nguyễn Văn Út - nhà ở gần đập cũng cho hay, thấy cả công trình to lớn vậy, chứ khi hồ chứa đầy nước thì cái đập mỏng vánh. “Bữa hổm, nước thúi quá, dân la làng thì mới có người tới xả đập. Tui và nhiều bà con ở đây thấy nước hồ xả cạn mới xuống kéo lưới bắt cá. Mèn ơi, cá chép, điêu hồng, rô phi dính mỗi người 50-70kg, thấy mắc ham. Họ xả đập 3-4 ngày thì hồ đã cạn. Nhưng nước cạn, tại đáy đập phía trong hồ vẫn còn nhiều lỗ cuốn khuyết sâu xuống. Và van đập xả chảy ra có chút xíu nước nhưng phía hạ nguồn con suối vẫn chảy ầm ầm! Đó là nước mạch chui qua đáy đập chứ đâu. Xây đập mà hỏng chân kiểu này thì nguy hiểm quá”, ông Út bộc bạch.

Thi công ẩu, còn rút ruột?

Trở lại vụ đập có nguy cơ đổ sập, một số người dân trên núi Cấm cho biết họ còn tận mắt thấy có người làm ở công trình này nhiều lần vác xi măng đi bán. Chính từ đó họ rất nghi ngờ về chuyện rút ruột công trình, khiến đập hồ xì lung tung.

“Chuyện cái đập, nghe ngành chức năng khẳng định là an toàn. Và bà con nhìn bằng mắt thì không thể nói là đập kém chất lượng được. Còn chuyện ăn cắp vật liệu công trình đi bán thì tui chưa nghe phản ánh. Nhưng đúng là có chuyện người dân lo lắng vỡ đập mấy tháng nay”, ông Trình Quốc Toàn - Bí thư Đảng ủy xã An Hảo xác nhận.

Ông Phạm Công Nghề (61 tuổi ở ấp An Hòa) để xâu chìa khóa nơi dễ lấy. Hiện tại, hàng ngàn người dân khác cũng hoang mang, chuẩn bị tư thế chạy nước khi bể đập.

Hạng mục đập hồ Thanh Long có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, nằm trên núi Cấm. Hồ có sức chứa đến 500.000m3 nước với kinh phí xây dựng trên 23 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT tỉnh An Giang làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án NN&PTNT thuộc Sở này quản lý. Công ty CP Tư vấn và đầu tư phát triển An Giang làm thiết kế, Công ty CP xây dựng Đê kè và PTNT Hải Dương (tỉnh Hải Dương) thi công và Công ty TNHH tư vấn xây dựng Hưng Lợi giám sát. Công trình này khởi công từ ngày 29/12/2010 và ngày 10/6/2012 hoàn thành. Tuy nhiên, khi công trình đập xây xong, còn chờ các hạng mục khác của tổng dự án hồ hoàn thiện thì xảy ra chuyện xì đập.

Suýt chết vì nước độc!

Ông Huệ tâm sự, dân sống ven 2 bên dòng suối Thanh Long từ xưa tới nay sống nhờ nguồn nước của dòng suối này. Nhưng “tui phải chịu cảnh xài nước đục cả năm trời từ khi công nhân bắt đầu cạp múc lòng hồ. Bởi ở đây trên núi nên đâu có nước máy kéo tới. Cả tháng trời nay thì tui còn không dám rớ tới nước suối nữa, vì trên hồ xịt thuốc diệt cỏ chảy xuống. Dân tự biết rồi ngưng múc nước suối xài chứ chính quyền chẳng thông báo, cho hay”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại